Cần có quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng 'cò' trong đấu giá tài sản Nhà nước

Thứ Năm, 19/11/2015 13:26  | Thanh Hòa - Kim Ngân

|

(CAO) Thảo luận tại hội trường sáng 19-11-2015, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật đấu giá tài sản.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm chính là việc phải có các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, phải khắc phục được tình trạng người trúng đấu giá không nhận được tài sản do sự dây dưa của các bên, tránh việc khống chế không cho đấu giá cao do “cò” đấu giá; đề nghị quy định rõ hiệu lực cưỡng chế, thực thi trong đấu giá; đề nghị xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đấu giá tài sản, ai chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá nhưng không thi hành.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung chế tài xử lý tình trạng “cò” trong đấu giá, tình trạng bắt tay dìm giá hoặc “quân xanh, quân đỏ”; đề nghị quy định xử phạt trong hoạt động chậm nộp tiền... trong đấu giá; đề nghị quy định điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ, đặc biệt đối với đấu giá tài sản thi hành án; đề nghị quy định các nhân viên thi hành án không được tham gia đấu giá; đề nghị làm rõ trách nhiệm của chấp hành viên liên quan tài sản thi hành án, không chỉ dìm giá mà còn nâng giá trong trường hợp chấp hành viên thông đồng với người có tài sản thi hành án nâng giá để không bán được; đề nghị bỏ trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản đối với tài sản thi hành án phải có thỏa thuận với người phải thi hành án quy định tại Điều 68 (Hủy kết quả đấu giá tài sản) vì thực tế khó thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ quan điểm: Trong lịch sử, người đấu giá quan trọng nhất là uy tín cá nhân, bây giờ trong Luật, chúng ta lại nặng về đào tạo chứng chỉ. Tôi nghĩ rằng, những người ăn hối lộ là những người cực giỏi về nghiệp vụ, mà chúng ta lại chỉ chú trọng đào tạo nghiệp vụ trong khi điều cần thiết chính là đạo đức của đấu giá viên!

Đại biểu Trần Du Lịch

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng đồng tình: Để tránh thất thoát, tiêu cực trong việc đấu giá tài sản, nên “tóm người có tóc” là các Trung tâm như một đơn vị sự nghiệp có thu. Nghề này cần nhấn mạnh vấn đề đạo đức của đấu giá viên. Việc Luật quy định “mua bảo hiểm trách nhiệm” cho đấu giá viên, tôi băn khoăn có doanh nghiệp nào bán không, nếu cứ mua mà có trách nhiệm thì rất nhiều ngành còn có trách nhiệm lớn hơn và cần phải mua!

Đại biểu Lê Đình Khanh

Còn đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Bà Rịa-Vũng Tàu thì đề nghị thu hẹp lại các quy định đối với việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản để tránh tiêu cực, thông đồng, lợi dụng.

Một số ý kiến nhất trí với hình thức đấu giá trên hệ thống điện tử, trang web của các đơn vị có tài sản bán đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch, nhưng đề nghị cân nhắc, tính toán về quy mô, mức độ hình thành giao dịch đấu giá điện tử vì rất tốn kém.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc về bước giá (nhưng quy định cụ thể bước giá bao nhiêu % sẽ hợp lý hơn) tại Điều 39 (Đấu giá trực tiếp bằng lời nói) để tránh thông đồng và đúng với nguyên tắc đấu giá.

Về Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm), các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm khác như không thực hiện theo đúng nghĩa vụ sau khi đấu giá thành công; thông đồng với đơn vị, cơ quan thẩm định giá để dìm giá; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân khác bên ngoài đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; nghiêm cấm các doanh nghiệp thông đồng với nhau trái pháp luật trong đấu giá; nghiêm cấm những người tham gia đấu giá móc nối, thông đồng với nhau để loại người khác; nghiêm cấm việc lợi dụng đấu giá tài sản để trục lợi hoặc quảng cáo, đánh bóng bản thân nhưng không nghiêm túc thực hiện kết quả đấu giá tài sản; cấm không cho mượn giấy chứng nhận để hành nghề đấu giá tài sản; các trường hợp bị cấm tham gia đấu giá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang