Quốc hội thảo luận về luật báo chí sửa đổi:

Quy hoạch báo chí gây chấn động

Thứ Bảy, 14/11/2015 20:08  | Hải Triều – Thanh Hoà

|

(CAO) Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (TP.HCM) nhận định như vậy trong phiên thảo luận tổ chiều nay (14-11) về dự luật báo chí (sửa đổi). Điều khiến đại biểu Thuý phân vân là không biết Luật đi theo Quy hoạch hay Quy hoạch đi theo luật?

Nhiều điểm chưa thống nhất

Gợi lại đề án Quy hoạch báo chí gây xôn xao dư luận thời gian qua, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP.HCM) cho rằng, lẽ ra phải có luật đã rồi mới làm quy hoạch.

Theo đại biểu Trang, cần rà soát để xem xét sự phù hợp của quy hoạch với Luật, trong đó lưu ý những tính đắc thù. “Địa phương nhiều cơ quan báo chí như Hà Nội hay TPHCM thì không thể ấn định 1-2 tờ báo như các địa phương khác được” – bà Trang nêu ý kiến.

Chung quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Tp.HCM) băn khoăn khi có nhiều quan điểm khác nhau về đề án Quy hoạch báo chí được công bố ngay trước kỳ họp Quốc hội lần này. “TP.HCM có nhiều cơ quan báo chí nên việc thực hiện Quy hoạch này đã gây ra chấn động trong hệ thống báo chí” – đại biểu Thúy cho biết. Trong khi đó, giữa dự thảo luật và Quy hoạch báo chí lại còn nhiều điểm chưa thống nhất; việc sắp xếp các cơ quan báo chí như thế nào cũng chưa được nêu ra trong dự luật. “Quy hoạch có trước thì giờ Quy hoạch theo luật hay luật theo Quy hoạch” – bà Thuý thắc mắc và đề nghị phải xem xét, xác định rõ vấn đề này.

Dẫn lại nội dung Đề án Quy hoạch báo chí, bà Thuý nhận định sẽ có nhiều cơ quan báo chí ở các thành phố lớn có thể bị sát nhập hoặc không còn tồn tại. Lo ngại sẽ có những cơ quan báo chí tự chủ được tài chính “đóng cửa”, nữ đại biểu TP.HCM yêu cầu ban soạn thảo cần xem xét lại thực tế là trong khi các đơn vị báo chí sản xuất, kinh doanh, phát hành hiệu quả, có đóng góp cho ngân sách nhà nước thì bị đóng cửa thì các các cơ quan báo chí sống nhờ ngân sách lại được giữ lại.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý góp ý cho dự luật báo chí (sửa đổi)

Đồng suy nghĩ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh, quy hoạch phải nhằm đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của báo chí, ngược lại là trái với Hiến pháp 2013. Ông Nghĩa cho rằng, quy hoạch hơi nặng về kiểm soát báo chí.

Liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, dự thảo luật quy định Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương và văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương. Nhưng theo đại biểu Vũ Hải (Bình Thuận), quy định này không thống nhất với quy định Bộ Thông tin truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí. “Thực ra quản lý nhà nước về báo chí về nguyên tắc là chỉ có một bộ do Chính phủ cử chứ bây giờ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng quản lý báo chí về mặt nhà nước là không phải. Chúng tôi cử phóng viên thường trú ở tỉnh đó thì bây giờ sao lại do UBND ở đấy quản lý nhà nước về báo chí được. Nếu vậy khi viết về những vấn đề có liên quan đến địa phương thì không khách quan được” – ông Hải không tán thành.

Tránh tình trạng “giấy phép con”

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa yêu cầu dự luật sửa đổi cần có những quy định hết sức cụ thể, nếu cần phải có nghị định đi kèm luôn, tránh tình trạng “giấy phép con”. “Lĩnh vực báo chí là lĩnh vực nhiều khó khăn, nhũng nhiễu. Mỗi lần thay đổi măng séc, tăng trang...đều phải xin xỏ, sẽ không có minh bạch.

Bàn về các hành vi bị cấm, ông Nghĩa cho rằng những điều cấm nào đã nằm trong Bộ luật hình sự rồi thì không cần quy định lại ở luật báo chí nữa. Trường hợp các hành vi cấm riêng cho báo chí thì cần cụ thể hóa nếu không sẽ “biến thành một bộ luật hình sự thu nhỏ nằm trong luật báo chí”. Nếu không rõ ràng, ông Nghĩa lo ngại lúc nào cũng có những bản án treo lơ lửng trên đầu các nhà báo.

Cho biết “rất khổ tâm về chuyện bổ nhiệm cán bộ cho các tờ báo mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là chủ quan, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) phản ánh: các tờ báo bổ nhiệm phó tổng biên tập phải xin ý kiến của Bộ TT-TT bằng văn bản. Thế nhưng cả nước có tới 800 tờ báo, mỗi nơi trung bình có 3-4 ông phó mà tất cả việc bổ nhiệm phải xin ý kiến như vậy thì liệu Bộ biết được mấy người mà phải có ý kiến.

“Bổ nhiệm lãnh đạo báo ở địa phương thì giao cho chính quyền địa phương họ làm chứ Bộ ôm vào làm gì” - ông Tùng nêu ý kiến.

Tương tự, đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nhấn mạnh, Bộ chỉ nên cho ý kiến với người đứng đầu cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản sẽ chịu trách nhiệm. “Có ai làm sai như ở báo địa phương, lãnh đạo tỉnh họ xử lý liền chứ đâu có chờ bộ” - ông Lộc nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang) nhận xét, báo chí bị quản chặt hơn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước lớn chủ yếu là ở cấp Chủ tịch, Tổng giám đốc khi bổ nhiệm mới phải xin ý kiến thôi.

Góp ý cho dự án Luật báo chí, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phàn nàn thời gian vừa qua, dù có quy định pháp luật nhưng nhiều nhà báo tác nghiệp đúng trách nhiệm của mình vẫn bị các cơ quan, cá nhân xâm phạm, cản trở thậm chí gây hại đến tính mạng, sức khỏe của nhà báo. Bởi thế, bà Khánh yêu cầu, cần có các quy định xử lý nghiêm minh các hành vi gây cản trở, xâm hại nhà báo khi tác nghiệp. Cũng như vậy, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đánh giá, báo chí có vai trò lớn trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong khi đó việc lấy tin tức của nhà báo gặp nhiều khó khăn, không chỉ ngoài xã hội mà cả những người có chức quyền. Trước thực tế này, đại biểu Huệ đề nghị phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ nhà báo, đồng thời phải quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Một trong những điểm mới của dự luật này được nhiều đại biểu quan tâm chính là việc cụ thể hóa quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013. Dự luật cũng mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, đồng thời luật hóa những quy định về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, cơ quan thường trú…

Bình luận (0)

Lên đầu trang