Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII:

Thủ tướng nói rõ về nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ Tư, 18/11/2015 11:27  | Linh Vũ - Thái Dương

|

(CAO) Sáng 18-11, trong buổi làm việc cuối cùng phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp khoá 10, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các vấn đề cử tri quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời 3 câu hỏi đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) liên quan đến vấn đề: có cần ban hành một đạo luật riêng về phân cấp không; việc xử lý oan sai; thẩm quyền đề xuất dự án luật.

Về câu hỏi phân cấp giữa chính quyền trung ương và địa phương, có cần ban hành một đạo luật riêng về phân cấp không?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng:

 Trách nhiệm cơ quan hành pháp tối cao là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội không cần làm thêm luật về phân cấp mà cần cố gắng thực hiện tốt Luật tổ chức Chính phủ, Luật chính quyền địa phương, Luật tổ chức Quốc hội, và các văn bản pháp luật liên quan...

Đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề xử lý oan sai có phân biệt lỗi cá nhân hay lỗi công vụ hay không, có cần bổ sung pháp luật không?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời:

Quy định pháp luật hiện hành phân biệt khá rõ lỗi nào do cá nhân cố ý, lỗi nào do năng lực... lỗi công của các cơ quan tố tụng. Một số đạo luật mà Quốc hội sắp thông qua sẽ nói rõ nguyên nhân dẫn tới yếu kém, nếu cố ý thì xử lý hình sự chứ không chỉ bồi thường. Quốc hội chưa cần bổ sung luật về vấn đề này.

Về câu hỏi thứ 3, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, quy trình ban hành Luật hiện nay hầu hết do Chính phủ đề xuất, nhưng có việc chỉ nói mà Chính phủ chưa đề xuất, vậy có cần bổ sung gì không?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời:

Có nhiều chủ thể có thẩm quyền đề xuất dự án luật, từ đại biểu Quốc hội cho đến các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước... Trong đó Chính phủ là chủ thể quan trọng, chính. Như vậy, về pháp luật không cần bổ sung mà phải tổ chức thực hiện tốt.

Sau phần trả lời của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm như: Tình hình kinh tế - xã hội 2015; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế và phát triển bền vững; các giải pháp thực hiện giảm nghèo đa chiều; mối quan hệ với Trung Quốc, chủ quyền Biển Đông, toàn vẹn lãnh thổ...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

"Trong tháng 10 và tháng 11, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá giá tiêu dùng 11 tháng tăng 0,6-0,7 %, dư nợ tín dụng cả năm tăng 17%, mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu 11 tháng đạt 149 tỷ USD (tăng 8,5%); vốn FDI thực hiện khoảng 13,2 tỷ USD (tăng 17,9%), vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD, thu ngân sách ước đạt 94,1% dự toán (tăng 8,3%), chi ngân sách đạt 88,4% dự toán (tăng 7,4%) so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng khoảng 9,6%. Khu vực nông nghiệp vẫn phát triển, hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 7 triệu lượt. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động (tăng 2,8%) so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục chuyển biến tích cực.

Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2015, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%, khẩn trương triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về phát triển xã hội ngay ngày đầu 2016".

Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội

Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự chất vấn đề nghị Thủ tướng nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung:

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đồng đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xả hội, đảm bảo an sinh xã hội...

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Nhà nước tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tự do cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, huy động các nguồn lực được tận dụng tối đa để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đại biểu Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp

Chính phủ đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; triển khai xây dựng luật, pháp luật, ban hành các văn bản quy định chi tiết, bảo đảm thi hành...; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hoá, dịch vụ, tài chính, bất đông sản, lao động, khoa học công nghệ theo hướng hiện đại, chú trong các loại thị trường mới...

Đối với hàng hóa dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, Chính phủ kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc...

Về nội dung của giảm nghèo đa chiều do các đại biểu Hà Sĩ Đồng, Trần Ngọc Vinh, Trương Trọng Nghĩa chất vấn, Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% (năm 2011) xuống còn 4,5% (năm 2015), các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%,. Trong 20 năm qua, cá nước có khoảng 30 triệu người thoát nghèo.

Dự kiến ngân sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2016 sẽ tăng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015.

Về tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến Biển Đông, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ nói, theo chỉ đạo của Bộ chính trị, Chính phủ nhiều lần trình bày trước Quốc hội về lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta kiên định, kiên trì thực hiện, sáng tạo hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với các vấn đề mà các đại biểu quan tâm, chất vấn tại hội trường”.

Thủ tướng nhấn mạnh về quan hệ với Trung Quốc và Biển Đông

Thủ tướng nhấn mạnh 3 điểm:

 “Chúng ta cần làm hết sức mình nhằm tăng cường tình hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.

Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật nhà nước cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là công ước luật biển năm 1982, các cam kết khu vực nhất là tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC)…

Đồng thời phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Quốc tế vê chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn giữ hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Về 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời bằng văn bảng để gửi đến toàn thể các đại biểu Quốc hội và đăng tải công khai trên website Chính phủ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang