(CAO) Sáng 10-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, với tỷ lệ tán thành của 100% các đại biểu có mặt.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình nhiều ý kiến liên quan đến các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho năm 2016.
Trong mục tiêu tổng quát của 2016, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được đặt lên hàng đầu, tiếp đó mới đến phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.
Các chỉ tiêu chủ yếu của năm sau là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng được chốt dưới 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Tại báo cáo tiếp thu chỉnh lý giải trình dự thảo nghị quyết trước khi các đại biểu biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị tính toán, cân nhắc tính khả thi trong việc đề ra mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2016.
Kết quả biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 tại Quốc hội
Ngoài ra, trước ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban giám sát đặc biệt đối với việc tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có việc xử lý các ngân hàng yếu kém và việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thua lỗ với giá 0 đồng đã được tiếp thu ở mức độ nhất định, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Nguyễn Văn Giàu cho biết ý kiến này đã được tiếp thu và Quốc hội sẽ bổ sung vào Nghị quyết việc tăng cường giám sát sát, quản lý vốn tại các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tái cơ cấu, xử lý sở hữu chéo và nợ xấu; phải tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động hiệu quả theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đồng ý tiếp tục bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường nhưng yêu cầu sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và bảo đảm chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình giao thông, y tế, giáo dục cấp thiết.