Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Chính phủ không vô can khi địa phương làm sai!

Thứ Tư, 18/11/2015 14:30  | Hải Triều

|

(CAO) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời như vậy khi bác bỏ đề xuất của đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) về việc đề xuất xây dựng thêm một luật để phân cấp trách nhiệm của Chính phủ và địa phương.

Lý do mà đại biểu Trần Du Lịch đưa ra đề xuất này là vì khi chất vấn tại Hội trường, ông Lịch thấy nhiều việc thuộc trách nhiệm của địa phương. Vì thế, việc xây dựng thêm một luật, để phân cách trách nhiệm, theo đại biểu này, có thể giải quyết các vấn đề vướng mắc tại địa phương.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội liên quan đến Hội đồng nhân dân địa phương đều đã có phân cấp, thậm chí có những việc giao nhiệm vụ để Chính phủ, Thường vụ Quốc hội hướng dẫn để phân cấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

“Tôi thấy không cần ban hành một luật riêng về phân cấp quan hệ giữa trung ương với địa phương. Hãy cố gắng tổ chức thực hiện cho tốt Luật tổ chức Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hướng dẫn của mình sẽ phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương cho tốt” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm.

Cũng theo người đứng đầu Quốc hội, Luật chính quyền địa phương cũng đã nêu rõ trách nhiệm của địa phương đến đâu, trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, cấp trên đến đâu, trung ương đến đâu. Ở Hội đồng nhân dân địa phương thì Luật tổ chức Quốc hội cũng đã phân cấp. Ủy ban thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn của mình sẽ có những quy định cần thiết.

Nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý: “Phân cấp gì thì phân cấp nhưng trách nhiệm cơ quan hành pháp tối cao là Chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ. Nói đến cùng thì chỉ cần trách nhiệm một đồng chí Thủ tướng và Chính phủ là đủ. Không phải địa phương làm sai mà Chính phủ không phải chịu, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng Chính phủ, vì ký bổ nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch là Chính phủ và Thủ tướng”.

Liên quan đến việc bồi thường oan sai, đại biểu Trần Du Lịch thắc mắc lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan sai thì bồi thường có phân biệt không? Hay cứ lấy tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để bồi thường do xử lý oan sai?

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, các luật liên quan đến bồi thường đã có phân biệt khá rõ, lỗi nào là do cá nhân thẩm phán, lỗi nào là do cá nhân cố ý, do trình độ, do năng lực. Cùng với đó, lỗi do từng khâu điều tra, truy tố, xét xử cũng đã được phân biệt…

“Có thể nói, Luật bồi thường, Luật tổ chức Tòa án, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao, rồi sắp sửa thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì đều nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tổ chức, cá nhân trong xem xét bồi thường oan sai” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, trường hợp cố ý làm sai còn bị xử lý hình sự.

Vì thế, chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Tôi thấy luật của Quốc hội ban hành quy định như vậy tương đối đủ, rõ ràng nên giờ tôi thấy chưa cần phải đề xuất với Quốc hội về việc bổ sung luật này. Trong quá trình nghiên cứu, làm, nếu có vấn đề gì xuất hiện thì chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu thêm”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang