Đề xuất giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả

Thứ Sáu, 27/11/2015 12:58  | Hải Triều – Thanh Hoà

|

(CAO) Đây là một trong những yêu cầu được đặt ta tại Nghị quyết về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Toà an nhan dân và công tác thi hành án năm 2016 cũng như các năm tiêp theo được Quốc hội thông qua hôm nay 27-11.

Bố  trí kinh phí nâng cấp trại tạm giam, trại giam

Tán thành với các giải pháp Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề ra, Quốc hội yêu cầu trong năm 2016 và các năm tiếp theo, các cơ quan này có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành luật liên quan.

Cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức, Quốc hội yêu cầu các cơ quan tư pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ tiêu cực, vi phạm pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp trong sạch, vững mạnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp về phòng, chống tội phạm trong giai đoạn tiếp theo.

Nghị quyết lưu ý Chính phủ phải có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án phạt tù đồng thời tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự, chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành án dân sự xong 70% về việc và 40% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật. 

Các đại biểu quốc hội thảo luận. - Ảnh: quochoi.vn

Đặc biệt, để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, Quốc hội đề nghị bố trí, dự toán ngân sách hợp lý trình Quốc hội xem xét, quyết định cho Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, nhất là các đơn vị mới thành lập hoặc còn phải thuê, mượn trụ sở; xây dựng, nâng cấp các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã xuống cấp hoặc quá tải, chưa đủ diện tích giam giữ, trong đó ưu tiên nguồn vốn xây dựng, cải tạo các công trình tạm giam và thi hành án đối với người bị kết án tử hình; đầu tư xây dựng đủ kho vật chứng, bố trí kinh phí, có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Khắc phục triệt để án oan

Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quốc hội yêu cầu có giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; giảm tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng so với năm 2015; khắc phục triệt để việc để xảy ra oan; tăng tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và số vụ án kết thúc điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị, kiến nghị, bảo đảm các kiến nghị phải có căn cứ, đúng pháp luật, được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận đạt tỷ lệ trên 80%.

Quốc hội cũng yêu cầu nâng tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được giải quyết trong năm 2016 tăng trên 20% so với năm 2015.

Trong yêu cầu dành cho Toà án nhân dân tối cao, Quốc hội đề nghị có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định; hạn chế tối đa bản án bị huỷ, sửa do vi phạm quy định của pháp luật, bảo đảm tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm không vượt quá 1,5%.

Cũng theo yêu cầu của Quốc hội, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong toả tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%.

Ngoài ra, Quốc hội cũng bãi bỏ các chỉ tiêu về tỷ lệ thi hành án dân sự về việc và về tiền, về tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, về việc tạm giữ hình sự nhưng sau đó phải trả tự do hoặc chuyển xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm được quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang