Báo động nạn buôn lậu "núp bóng" hàng quá cảnh

Thứ Tư, 17/11/2021 15:02  | Song Ngọc

|

(CATP) Lợi dụng chính sách thông thoáng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động nhập khẩu hàng quá cảnh về Việt Nam để xuất sang nước thứ 3, các đối tượng đã đánh tráo hàng hóa trong các lô hàng cảnh để buôn lậu số hàng hóa có trị giá trên 9,1 tỷ đồng.

Đánh tráo hàng hóa

VKSND TPHCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can về tội "buôn lậu" bằng hình thức vận chuyển hàng quá cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất qua cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia xảy ra vào cuối năm 2019, gồm: Trần Quốc Vỉnh (SN 1977), Lê Nguyên Khánh (SN 1971), Đào Văn Tỉnh (SN 1982), Thái Hồng Tuấn (SN 1974), Phạm Nguyễn Đăng Khoa (SN 1974), Đinh Văn Bền (SN 1990) và Trần Lệ Châu (SN 1975).

Theo cáo trạng, tối 17-12-2019, tại sân Nhà máy A41 ở địa chỉ số 20 đường Cộng Hòa (P12, Q.Tân Bình), Công an phối hợp cùng Quân đội và các lực lượng chức năng bắt quả tang Vỉnh, Tỉnh, Tuấn đang bốc dỡ hàng hóa có nguồn gốc là hàng quá cảnh từ ôtô xuống sân nhà máy. Trước đó, các đối tượng đã tháo ốc vít chốt khóa cửa thùng xe, chuyển hàng hóa xuống sân rồi đưa hàng hóa khác có giá trị thấp với số lượng ít vào thùng xe rồi lắp lại chốt khóa thùng xe như ban đầu. Vỉnh đã yêu cầu các tài xế Tỉnh và Tuấn chờ hàng hóa lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để xuất sang Campuchia theo lộ trình hợp thức hóa hồ sơ hàng hóa nhập khẩu quá cảnh.

Tang vật tạm giữ tại hiện trường gồm 10 tấn hàng hóa, 3 ôtô, 1 xe nâng, 9 bộ hồ sơ Hải quan do Công ty TNHH Dịch vụ DMT đứng tên mở tờ khai thể hiện vận chuyển hàng hóa gồm: dầu gội, sữa tắm, máy vi tính, điện thoại di động... từ Kho TCS thuộc Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) đi Campuchia. Con dấu và chữ ký của Công ty TNHH Dịch vụ DMT và Công ty First Prosolution Co.,LTD Campuchia. Tại nơi ở của Vỉnh, cơ quan Công an đã thu giữ thêm nhiều tài liệu, con dấu, chữ ký giám đốc các công ty tại Việt Nam và Campuchia.

Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra xác định, lợi dụng chính sách thông thoáng trong việc thành lập DN, Vỉnh và Khánh đã chỉ đạo Trần Lệ Châu sử dụng CMND của người khác, thuê Lương Thị Hạnh thành lập nhiều pháp nhân khác nhau: Công ty TNHH Dịch vụ DMT, Công ty TNHH XNK Nam Châm, Công ty TNHH Vision Trade để nhận vận chuyển hàng quá cảnh. Các đối tượng còn thuê khắc con dấu, dấu chữ ký, dấu tên người đại diện Công ty First Prosolution Co.,LTD có địa chỉ tại Campuchia (tên công ty do Vỉnh tự đặt, không có thật tại Campuchia) là đơn vị đứng tên nhập khẩu hàng hóa tại Campuchia.

Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất, nhập khẩu

Từ tháng 8-2019 đến ngày 17-12-2019, theo chỉ đạo của Khánh, Vỉnh là người đứng ra tổ chức thành lập để mở tờ khai hải quan hàng quá cảnh, đưa hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ DMT mở 44 tờ khai, Công ty TNHH XNK Nam Châm mở 148 tờ khai, Công ty TNHH Vision Trade mở 112 tờ khai. Cáo trạng xác định trị giá hàng hóa phạm pháp là trên 9,1 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc liên tiếp bị phát hiện

Hành vi vi phạm của các bị can trong vụ án kể trên đã cho thấy rủi ro tiềm ẩn về buôn lậu hàng hóa vào Việt Nam và ngược lại từ các lô hàng quá cảnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, qua công tác kiểm soát, nắm tình hình, tại các đơn vị Hải quan như Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu), Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát (Cục Hải quan Tây Ninh), Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoa Lư (Cục Hải quan Bình Phước)... đã phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng quá cảnh để buôn lậu, trong đó đã phát hiện nhiều vi phạm về hàng quá cảnh.

Cụ thể, mới đây, khi kiểm tra 5 container hàng quá cảnh đi Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã phát hiện 4 container vi phạm khai sai so với thực tế về tên hàng, số lượng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn quá cảnh lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT. Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát cũng đã phát hiện hành vi vi phạm tương tự trong lô hàng quá cảnh đi Campuchia. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cũng phát hiện các lô hàng quá cảnh khai báo là phụ tùng ô tô mới 100%, nhưng khi kiểm tra thực tế lại cho thấy hàng hóa là phụ tùng ôtô đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm theo quy định.

Cuối tháng 12-2020, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TPHCM) phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) khám xét 12 kiện hàng quá cảnh gửi qua đường hàng không và phát hiện 51 chiếc sừng tê giác có trọng lượng gần 94kg.

Trước những rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động vận chuyển hàng quá cảnh, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hàng vận chuyển độc lập để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để hệ thống tự động phân luồng đỏ đối với các lô hàng, DN có mức độ rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, triển khai gắn seal định vị điện tử đối với tất cả container hàng quá cảnh từ cửa khẩu đầu tiên đến cửa khẩu cuối cùng để nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Tại các cửa khẩu, các đơn vị hải quan triển khai kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét đối với các container, phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, không đi đúng tuyến đường và không đúng thời gian quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang