(CAO) Sông Đà đoạn chảy qua xóm Bến Đình, thôn Sơn Hà, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội đang oằn mình trước sự "oanh tạc" của cát tặc.
Người dân bức xúc, lo lắng vì bờ kè tiền tỷ, nhà cửa, ruộng vườn có nguy cơ bị “hà bá” nuốt trôi do hệ lụy từ cát tặc; còn chính quyền địa phương nói khó xử lý được cát tặc.
Ngang nhiên “móc ruột” sông giữa ban ngày
Xóm Bến Đình cách trụ sở UBND xã Khánh Thượng chừng hơn 1km, thời gian gần đây có nhiều tàu khai thác cát công suất lớn ngang nhiên hút cát giữa ban ngày. Theo phản ánh của người dân, cát tặc nghi là một nhóm người địa phương.
Các tàu xuất hiện "chớp nhoáng" hút cát gây bức xúc cho người dân địa phương
Điều đáng báo động là các tàu cát tặc rút ruột lòng sông cách hệ thống bờ kè kiên cố dọc sông không xa, ngay gần trạm bơm thủy lợi và nhà dân đang sinh sống.
Nhóm tàu "khủng" hút cát rầm rộ giữa ban ngày
Các tàu “lạ” này có mặt trên sông Đà đoạn chảy qua xóm Bến Đình luôn nổ máy inh ỏi giữa thanh thiên bạch nhật rồi vô tư hút cát như chốn không người.
Mỗi lần thọc vòi xuống sông “quần thảo” khoảng 45 phút cát được hút đầy, những tàu này này lại rồng rắn di chuyển ngược lên phía thượng nguồn hướng về Hòa Bình. Cứ như thế, cát tặc "oanh tạc" tại đây mà theo quan sát của chúng tôi không gặp trở ngại nào.
Bà Nguyễn T.L. (SN 73 tuổi, trú thôn Sơn Hà, xã Khánh Thượng) cho biết, người dân ở đây bức xúc nhưng không làm gì được.
"Bức xúc cũng chả làm được gì. Có mà con kiến đi kiện củ khoai. Những tàu này trước đây khai thác chỗ khác bị đuổi nên giờ về đây. Làm cả năm nay, dân kêu không thấu”, bà L. cho hay.
Với vòi hút khổng lồ, chỉ khoảng 45 phút là đầy tàu và di chuyển đưa cát đi tập kết
Theo bà L., tình trạng cát tặc lộng hành khiến người dân sống ở ven sông lo lắng vì cuộc sống của họ bị đảo lộn, nhà cửa, đất đai có nguy cơ bị “hà bá” nuốt trôi.
Nói xong, bà L. dẫn chúng tôi ra phía sau nơi gia đình bà sinh sống chỉ vào khu vực đất đang nứt nẻ với tâm trạng âu lo. Bà cho hay, tàu hút cát gần bờ chẳng mấy chốc bờ kè tiền tỷ của nhà nước nguy cơ bị cuốn, đất của người dân cũng bị sạt lở.
"Có những hôm, vài tàu cùng neo đậu hút cát ngay cạnh bờ phía Hà Nội, ức lắm mà không làm gì được”, bà L. nói với giọng ấm ức.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Chìu – Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết, riêng địa phận Hà Nội không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát, sỏi.
“Xã không đủ lực lượng, không đủ thẩm quyền, chỉ phối hợp với lực lượng chức năng khi có thông tin báo của người dân. Cái này xử lý rất khó vì ranh giới dưới mặt nước. Khi phát hiện các tàu sẽ chuyển vị trí ngay”, ông Chìu cho hay.
Một tàu của cát tặc quần thảo ngay ở vị trí cách mép bờ sông Đà khu vực giáp ranh Hà Nội
Trước hình ảnh phóng viên ghi được một người tên B. được cho là “trùm cát tặc” ở địa phương, lãnh đạo xã hứa rằng sẽ xác minh lại cụ thể người này.
Cũng theo ông Chìu, để giám sát việc khai thác cát, xã đã giao cho lực lượng chức năng xã và các thôn theo dõi.
Trước hình ảnh, clip phóng viên cung cấp về tình hình hút cát, ông Chìu cho rằng việc xác định ranh giới giữa Phú Thọ và Hà Nội là rất khó.
Cát tặc lợi dụng việc quản lý khó khăn, ngang nhiên "móc ruột" sông Đà như chốn không người.
Tuy nhiên, khi phóng viên lập luận và chứng minh bằng hình ảnh việc hút cát của các tàu “lạ” cách bờ sông Đà không xa, một cán bộ Công an xã nói rằng theo hình ảnh thì không phải các tàu này hút thường xuyên.
Các tàu hút cát tác oai tác quái, chẳng lẽ chính quyền địa phương đành bó tay?
"Các tàu này chỉ chộp thời cơ xong sẽ chở cát lên mạn Hòa Bình. Khi lực lượng chức năng lên đến nơi thì nhóm tàu liền quay đi”, một cán bộ xã Khánh Thượng cho hay.
Cũng theo vị cán bộ này, do phương tiện kỹ thuật không có nên xã chỉ theo dõi từ xa thu thập hình ảnh rồi báo cáo, còn việc tiếp cận nhóm này là rất khó vì đi bằng thuyền mượn của dân thì không theo kịp.