Chợ tiền giả giăng 'thiên la địa võng' trên mạng

Thứ Tư, 14/09/2016 07:17

|

(CAO) “Chỉ cần bỏ ra 3 'chai' (3 triệu đồng), các bạn có ngay 15 triệu giống hệt tiền thật; 4 triệu thì nhận 25 triệu; còn 5 triệu thì tăng lên gấp 8 lần, xài thả ga!”, đó là một trong những lời mời chào của gã thanh niên có nickname trên mạng Zalo là 'Huy K.'.

Liều lĩnh hơn, 'Huy K.' còn cho số điện thoại 'đẹp' để liên hệ, rồi mạnh miệng giới thiệu mình là một 'đại lý' của mạng lưới tiền giả xuyên quốc gia với nhiều ông 'trùm' cung cấp 'hàng' số lượng không giới hạn (!)…

Một thật đổi tám giả!?

Một nạn nhân liên hệ Báo Công an TP.HCM kể lại việc bị một đối tượng tên Huy, có nickname trên mạng Zalo là 'Huy K.' (sinh ngày 1-7-1991) lừa đảo chiếm đoạt 3 triệu đồng bằng thủ đoạn 'đổi tiền giả, lấy tiền thật'. Từ những thông tin mà nạn nhân cung cấp, phóng viên (PV) Báo CATP 'kết bạn làm quen' và được 'Huy K.' đồng ý ngay.

Sau vài lời giới thiệu, 'Huy K.' vào thẳng vấn đề: “Muốn đổi thật lấy giả hay hợp tác tiêu thụ, hãy xem kỹ thông tin trên trang cá nhân của mình rồi nói chuyện tiếp!”.

Thông tin mà Huy đưa ra kèm theo hình ảnh rất sống động: “Mình đang có lô tiền giả, bạn nào muốn tham gia hợp tác tiêu thụ thì liên hệ với mình theo số điện thoại 09392092...”.

Đối tượng “Huy K.” rao bán tiền giả trên mạng Zalo

Về tỷ lệ quy đổi, 'Huy K.' đưa ra con số cụ thể: Cứ 3 triệu đồng thật thì đổi được 15 triệu tiền giả, đảm bảo giống thật 99%, chỉ có soi bằng máy mới biết được giả. Nếu bỏ tiền thật nhiều hơn thì được 'khuyến mãi' lớn. Chẳng hạn, khách hàng móc hầu bao 4 triệu đồng thì có ngay 25 triệu tiền giả; nếu tăng lên 5 triệu thì nhận lại 40 triệu (!)…

Đối với khách mới, 'Huy K.' đưa ra 'luật' riêng: “Để đảm bảo an toàn cho mình cùng những người làm chung, các bạn phải làm theo và bên mình không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của các bạn đưa ra. Để tránh bị công an gài, lần đầu tiên bên mình không giao dịch trực tiếp mà thông qua ngân hàng và dịch vụ giao 'hàng' nhanh.

Nếu các bạn lấy 'hàng' thì thanh toán trước qua ngân hàng, sau đó chụp hình hóa đơn kèm theo số điện thoại và địa chỉ, bên mình sẽ thuê người giao 'hàng' hoặc gửi xe cho các bạn. Các bạn ở Sài Gòn thì sau khi thanh toán từ 1 - 2 tiếng sẽ có 'hàng'. Nói trước để không mất thời gian của nhau…”.

Qua điện thoại, chúng tôi đặt vấn đề mua 30 triệu đồng tiền giả mang về miền Tây, 'Huy K.' hý hửng: “Trên Sài Gòn còn chút nghi ngại vì sợ bị máy soi sẽ rắc rối, chứ về miệt nông thôn thì cứ thoải mái xài, vì tiền giống như thật, dân quê mùa có 'mắt thần' cũng không thể phát hiện, nên anh cứ yên tâm!”.

Về cách thức thanh toán, 'Huy K.' đưa ra yêu cầu: Vì tính 'bảo mật' nên lần đầu 'hợp tác' phải thực hiện tại ngân hàng. Khi nào đến nơi, chúng tôi liên lạc qua điện thoại báo tin để Huy cho số tài khoản chuyển tiền. Sau khi nộp xong thì chụp hình biên lai gửi cho 'Huy K.'; ngay lập tức sẽ cho người liên lạc hẹn đến một điểm nào đó để nhận 'hàng' nhưng phải đảm bảo không bị 'gài'! Tại TP.HCM, chỉ cần vài phút là có kết quả, còn chậm nhất cũng không quá hai giờ!

Huy cho biết, khách có thể chọn bốn loại tiền mệnh giá 50, 100, 200 và 500 nhưng loại 50 'đứt hàng' nên chỉ còn ba mệnh giá, muốn đổi bao nhiêu cũng có! Tuy nhiên lần đầu tiên khách chỉ được đổi tối đa 5 triệu đồng nhận lại 40 triệu tiền giả; thấp nhất là 2 triệu, đổi được 8 triệu giả. 'Huy K.' tự nhận mình là một 'tay con' trong đường dây mua bán tiền giả, sẽ giới thiệu chúng tôi gặp 'đại ca' sau vài lần 'giao dịch', tạo sự tin tưởng; khi đó muốn đổi bao nhiêu tiền giả cũng không giới hạn (?)

Khi chúng tôi đề cập đến việc có người đã bị 'sập bẫy' sau khi đến ngân hàng nộp tiền, 'Huy K.' hằn học: “Không tin thì đừng có liên hệ mất thời gian của người ta”. Nói xong anh ta cúp máy.

Coi chừng bị lừa!

Không chỉ trên Zalo, nạn rao bán tiền giả thực chất là lừa đảo đang lan tràn trên các mạng xã hội khác, nhất là facebook. Chỉ cần gõ 'mua bán tiền giả' trên Google sẽ có ngay 1,34 triệu kết quả trong vòng 0,34 giây! Nhiều lời chào mời rất hấp dẫn, như: “Buôn bán tiền giả uy tín, mọi người có thể liên hệ chúng tôi...”; “Mua bán tiền giả an toàn nhất”; “Mua bán, trao đổi tiền giả chất lượng, giao hàng theo yêu cầu”; “1 đổi 8 không phải đặt cọc, rất được nhiều người tin tưởng”…

Một “khách” được “Huy K.” giới thiệu đã “giao dịch” thành công

Để cạnh tranh với 'đối thủ', nhiều chiêu 'giảm giá, khuyến mãi' khi mua tiền giả được tung ra: “Hàng vừa cập bến luôn nhé anh em ơi! Hãy đến với chúng tôi, dịch vụ bán tiền giả uy tín, chất lượng toàn quốc. Loại tiền 50, 100, 200, 500 giống tiền thật 97%, 'hàng tốt chỉ ngân hàng phát hiện ra; giao dịch nhanh gọn, mua trên 5 triệu thì giảm giá cực tốt! Đặt biệt có 'khuyến mãi' cho khách quen! Ai quan tâm vui lòng 'inbox', mình sẽ trả lời trong thời gian ngắn nhất!”.

Sau mỗi lời rao bán, trao đổi, là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt 'like' và chia sẻ cùng những lời rủ rê bạn bè cùng tham gia để kiếm nhiều tiền xài.

Dù báo chí đăng tải nhiều về nạn rao bán tiền giả qua mạng xã hội với mục đích lừa đảo, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều tài khoản Facebook, Zalo... vô tư quảng cáo với những lời 'có cánh', tạo thành ma trận như 'thiên la địa võng' khiến nhiều người sập bẫy. Ngoài thủ đoạn chiếm đoạt tiền qua tài khoản, thẻ ngân hàng, các đối tượng còn dụ 'con mồi' mua thẻ cào điện thoại gửi qua tin nhắn, sẽ nhận được 'hàng'.

Còn nhớ, vào dịp Tết Bính Thân vừa qua, nhiều tài khoản trên facebook công khai rao bán, trao đổi tiền giả. Khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an vào cuộc điều tra, nhiều đối tượng đã sa lưới, trong đó Hà Văn Lâm (ngụ xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) hiện mở cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Hà Nội.

Lâm tạo tài khoản Facebook mang tên 'Sang Ngoc', rao bán tiền giả lấy tiền thật, với lời chào mời 500.000 đồng tiền thật mua được 1,7 triệu đồng tiền giả; 1 triệu mua 3,5 triệu tiền giả. Đã có nhiều người chuyển tiền cho 'Sang Ngoc' (thấp nhất là 500.000 đồng) để mua tiền giả; sau khi dụ được 'con mồi', Lâm chặn Facebook và không nghe điện thoại.

Sau khi các đối tượng sa lưới, nạn lừa đảo lắng đi một thời gian, nay lại bùng phát mạnh. Theo luật sư Lê Hà Gia Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, vi phạm điều 180, Bộ luật Hình sự (BLHS) với hình phạt cao nhất là tù chung thân. Còn hành vi gian dối, 'rao bán tiền giả' để chiếm đoạt tiền thật là cấu thành tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo điều 139 BLHS.

Quan trọng hơn hết là mọi người phải hết sức nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tham gia các giao dịch liên quan đến tiền giả để tránh 'tiền mất, tật mang'.

Bình luận (0)

Lên đầu trang