Công ty Xuyên Việt Oil gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng (kỳ cuối)

Thứ Tư, 06/11/2024 12:03

|

(CATP) Vụ án Công ty Xuyên Việt Oil chuẩn bị đưa ra xét xử đã gây thiệt hại đặc biệt lớn (hơn 1.463 tỷ đồng). Trong đó có các bị can nguyên là cán bộ cấp cao tại Bộ Công thương và Bộ Tài chính liên quan đến hành vi "nhận hối lộ". Đáng chú ý, có 6 bị can nhận hối lộ tiền tỷ…

"Bôi trơn" số tiền lớn

Theo cáo trạng, Mai Thị Hồng Hạnh (chủ Công ty Xuyên Việt Oil) và đồng phạm đã đưa hối lộ cho Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương), Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) và Đặng Công Khôi (cựu Phó Cục trưởng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính).

Để được cấp giấy phép, Hạnh đã đưa hối lộ với số tiền lớn cho Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công thương). Theo đó, Hải có thẩm quyền ký cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước, là đơn vị có chức năng tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Khi Hạnh liên hệ nhờ "giúp đỡ”, Hải đã liên lạc, chỉ đạo Hoàng Anh Tuấn xem xét, tạo điều kiện cấp sớm Giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Ngày 19/11/2021, trên cơ sở đề xuất của Hoàng Anh Tuấn, Hải đã ký cấp Giấy phép số 55 ngày 19/11/2021 cho Công ty Xuyên Việt Oil. Ngày 22/12/2021, sau khi ký cấp Giấy phép trên, Hải đã nhận hối lộ 50.000USD (tương đương 1.139.000.000 đồng) của Hạnh tại phòng làm việc.

Từ tháng 8/2017 đến tháng 6/2023, Đông là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước có thẩm quyền chỉ đạo, quản lý chung mọi lĩnh vực công tác, lãnh đạo, quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, điều hành hoạt động của Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương. Giữa tháng 6/2021, Đông được Hoàng Anh Tuấn báo cáo việc Mai Thị Hồng Hạnh nhờ "giúp".

Ngày 30/9/2021, Tuấn đưa Nguyễn Văn Thắng đến phòng làm việc của Đông tại Vụ Thị trường trong nước và Thắng đã đưa hối lộ 250.000USD. Sau khi Thắng ra về, Tuấn cùng Đông phân chia số tiền 250.000USD (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng) thành 2 phần, trong đó Đông giữ lại 120.000USD và đưa cho Tuấn 130.000USD.

Còn Đặng Công Khôi nhận hối lộ trong việc kiểm tra, giám sát Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Công ty Xuyên Việt Oil. Là Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, Khôi có quyền hạn kiểm tra, giám sát Quỹ tại các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil. Tuy nhiên, từ tháng 10/2017 đến đầu năm 2023, Công ty Xuyên Việt Oil và ngân hàng (nơi Công ty Xuyên Việt Oil mở tài khoản) không thực hiện gửi sao kê tài khoản Quỹ đến Cục Quản lý giá Bộ Tài chính theo quy định.

Đỗ Thắng Hải
Lê Duy Minh
Lê Đức Thọ
Trần Duy Đông
Hoàng Anh Tuấn
Phan Kiến Anh

Tuy nhiên, Khôi lại không chỉ đạo áp dụng biện pháp xử lý kịp thời, không nhắc nhở Công ty Xuyên Việt Oil chấp hành đúng quy định của pháp luật. Qua đó, đã gián tiếp tạo điều kiện cho Hạnh chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền phải trích nộp vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngoài ra, năm 2021, Khôi làm Trưởng Đoàn kiểm tra thực tế tình hình thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ của Bộ Tài chính tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Dù biết rõ các sai phạm nhưng do được Hạnh chi tiền hối lộ nên Khôi không chỉ đạo, đề xuất áp dụng biện pháp xử lý kịp thời đối với Công ty Xuyên Việt Oil nhằm ngăn chặn hành vi làm trái quy định pháp luật của Hạnh và đồng phạm, dẫn đến gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Bị can đã nhận hối lộ 20.000USD của Hạnh.

Nhận hối lộ để bưng bít nợ thuế

Cáo trạng xác định, Công ty Xuyên Việt Oil là doanh nghiệp tư nhân, thuộc sở hữu của Mai Thị Hồng Hạnh và do Hạnh nắm toàn quyền quyết định, định đoạt về mọi mặt hoạt động (kinh doanh, tài chính, sử dụng tiền, tài sản). Đồng thời, Hạnh đứng tên chủ tài khoản đối với tất cả tài khoản ngân hàng của Công ty Xuyên Việt Oil.

Trong việc được pháp luật giao thu hộ tiền thuế bảo vệ môi trường từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, Hạnh đã vi phạm quy định của pháp luật về khai thuế, tính thuế, nộp thuế, Luật Thuế bảo vệ môi trường. Hạnh cố ý không chuyển nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã được Nhà nước giao thu hộ, quản lý vào ngân sách theo quy định mà sử dụng vào các mục đích cá nhân, dẫn đến mất khả năng hoàn trả lại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 1.124 tỷ đồng.

Nhằm bao che số nợ thuế "khủng" hàng ngàn tỷ đồng, Hạnh gặp Cục trưởng Cục Thuế TPHCM với 5 lần đưa hối lộ nhiều tỷ đồng. Cụ thể, từ ngày 21/01/2020 đến 11/11/2022, Lê Duy Minh (Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) có quyền hạn phụ trách chung, chịu trách nhiệm toàn diện về các mặt công tác của Cục Thuế TPHCM và trực tiếp phụ trách một số phòng nghiệp vụ, trong đó có Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Minh cũng là người xem xét, ký ban hành văn bản, quyết định xử lý nợ tiền thuế, chậm nộp thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền nợ thuế.

Tháng 01/2020, Công ty Xuyên Việt Oil chuyển khai báo, nộp thuế từ Chi cục Thuế Quận 3 đến Cục Thuế TPHCM do Lê Duy Minh làm Cục trưởng. Với mục đích chậm nộp thuế để có nguồn tiền trong kinh doanh, Mai Thị Hồng Hạnh liên hệ với Minh trong việc nhờ "giúp đỡ”, tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil được chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Minh đã nhận hối lộ của Hạnh 190.000USD (tương đương hơn 4,3 tỷ đồng) và 500 triệu đồng.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận bao nhiêu tiền?

Năm 2018, Lê Đức Thọ là Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng, có thẩm quyền phê duyệt hạn mức, cấp giới hạn tín dụng và xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Cuối năm 2021, Thọ chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Trong giai đoạn năm 2019 đến 2021, Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Trong đó có việc xin cho Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại ngân hàng mà Thọ quản lý và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng.

Từ năm 2019 đến tháng 01/2020, Thọ đã 2 lần nhận tiền hối lộ với tổng số tiền 600.000USD (tương đương hơn 13,8 tỷ đồng) của Hạnh. Chưa hết, Thọ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên là Chủ tịch HĐQT một ngân hàng để tác động, gây ảnh hưởng đến giám đốc ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.

Ngoài ra, Thọ đã nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị từ Hạnh, gồm: 200.000USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) vào ngày 28/3/2022; 1 bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng); 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe (trị giá 421.000USD - tương đương hơn 9,8 tỷ đồng); 1 ôtô Mercedes Ben S450 Luxury (trị giá hơn 6,6 tỷ đồng).

Cáo trạng còn truy tố bị can Phan Kiến Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nhận hối lộ của Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm. Theo đó, Anh ký nhiều hợp đồng với Công ty Xuyên Việt Oil khi thị trường khan hiếm và được áp dụng chính sách mua hàng xăng dầu ưu đãi..., đã nhận hối lộ 6 lần với tổng số hơn 3,2 tỷ đồng.

Sáu cựu quan chức nhận hối lộ tiền tỷ trở lên có khung hình phạt cao nhất là tử hình, gồm: Lê Đức Thọ (nguyên Chủ tịch HĐQT một ngân hàng, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre), Hoàng Anh Tuấn (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Trần Duy Đông (nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương), Lê Duy Minh (nguyên Cục trưởng Cục Thuế TPHCM), Đỗ Thắng Hải (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) và Phan Kiến Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Công ty Xuyên Việt Oil gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng (kỳ 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang