Gây nhiều bất cập và lãng phí
Năm 2019, Quốc hội (QH) thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật này có nhiều thay đổi quan trọng. Nếu như Luật Giáo dục 2005 quy định cả nước thực hiện thống nhất 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa (SGK), thì luật Giáo dục 2019 thay đổi theo hướng dù vẫn thực hiện thống nhất 1 chương trình, nhưng mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK theo quy định của pháp luật. Điều này cho thấy, việc xã hội hóa SGK và thực hiện 1 chương trình, mỗi môn học có thể nhiều SGK đã được luật hóa. Tuy nhiên, điểm mới này vẫn còn gây nhiều tranh luận, thậm chí bị cử tri phản ứng.
Gần đây, một số ý kiến cử tri Q.12 (TPHCM) kiến nghị cần có sự thống nhất trong việc sử dụng SGK giữa các trường để học sinh (HS) chuyển trường tiếp tục được học đúng phân phối chương trình, HS khóa sau có thể sử dụng lại, tránh lãng phí. Cử tri Lê Phương Thúy (P.Tân Chánh Hiệp, Q12) kiến nghị, tình trạng sử dụng SGK còn chồng chéo trong các trường học. "Hiện 2 bộ sách được các trường sử dụng để dạy là Cánh Diều và Chân trời Sáng tạo, khi tổ chức thi thì chỉ có một đề thi, điều này có thể gây khó khăn trong tiếp thu cho học sinh. Trong gia đình có 2 chị em, người chị lên lớp cũng không thể cho người em sử dụng lại sách cũ, do có phần bài tập được in bên trong sách, điều này gây lãng phí”, cử tri này phát biểu. Cử tri nhiều địa phương khác cũng gửi đến Ban Dân nguyện của QH ý kiến tương tự.
SGK xã hội hóa đủ đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong ảnh là SGK Cánh Diều. Ảnh: TTXVN
Trên mạng xã hội (MXH) gần đây, nhiều người yêu cầu Bộ GD-ĐT nên thống nhất dùng 1 bộ SGK. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của rất đông người trên MXH, cho thấy đây là một vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thấu đáo.
Có ý kiến bày tỏ: "Cả nước chỉ cần một bộ SGK duy nhất. Vấn đề ở đây là cách truyền đạt và hướng dẫn giúp HS học. Mấy năm qua cứ loay hoay đổi SGK, nhưng cuối cùng các em vẫn phải học thuộc lòng, vẫn phải lo sợ mỗi kỳ thi".
Một ý kiến khác: "SGK do nhà trường chọn, phụ huynh phải chọn mua đúng cuốn đó. Có vài cuốn sách cả năm không sử dụng lần nào, nhưng trường cũng buộc các con phải mua. Chưa kể, do có mấy bộ SGK khác nhau, nên các nhà xuất bản (NXB) phải cạnh tranh lẫn nhau, buộc phải chiết khấu rất cao cho các trường để sách của mình được chọn. Và đó chính là nguyên nhân giá SGK bị đội lên cao".
36 tỉnh, thành phố đề nghị chỉ 1 bộ SGK thống nhất
Ngày 14/8/2023 tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH, đánh giá việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK.
Ông Vinh dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện (thuộc UBTVQH) cho biết, 36 tỉnh, TP đề nghị nên có 1 bộ SGK thống nhất để sử dụng chung trên cả nước. Do vậy, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, trình QH xem xét. Sau khi nghe ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát, UBTVQH bỏ kiến nghị này. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích: Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Trong khi SGK là học liệu, là công cụ để hỗ trợ giáo viên (GV) chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học. Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?
Theo Bộ trưởng Sơn, Bộ GD-ĐT đang hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu GV thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà GV sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK của Nhà nước không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa SGK, mà "quan trọng hơn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp" - Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Sơn cũng cho rằng, đề nghị của Đoàn giám sát rất khác với nội dung Nghị quyết số 122/2020 (Nghị quyết kỳ họp 9 QH khóa XIV) cho phép Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. "Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn. Vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề” - ông Sơn nêu quan điểm.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH nhấn mạnh: Nghị quyết 88 của QH đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK và lưu ý, Nghị quyết 122 chỉ là "giải quyết tình thế", cho phép SGK nào thị trường biên soạn rồi thì Bộ GD-ĐT không cần biên soạn sách đó. "Nghị quyết 122 không phủ nhận và không thay thế cho Nghị quyết 88. Làm gì có nghị quyết nào nói không thực hiện chủ trương của Nghị quyết 88, không có văn bản nào hết" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ tịch QH đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát, cho rằng cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88 về việc biên soạn một bộ SGK của Nhà nước. "Nếu Chính phủ, Bộ GD-ĐT trong quá trình thực hiện thấy cần điều chỉnh Nghị quyết 88 thì phải báo cáo QH sửa đổi.
Một bộ sách giáo khoa "của nhà nước" có cần thiết?
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023), thảo luận về báo cáo phát triển kinh tế xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH - tiếp tục nêu hàng loạt băn khoăn trong việc biên soạn SGK, trong đó có nội dung đề nghị QH yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước. Theo bà Thúy, số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra để làm SGK phải trên 1.200 tỷ đồng. "Có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để làm thêm một bộ SGK nữa hay không? Việc ra đời một bộ SGK "của Bộ" có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không?".
Thời điểm này, việc giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK của Bộ là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, GV và người dân không đồng tình với sự thay đổi này, ĐB Thúy đề nghị QH giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK trước khi quyết định có cần làm một bộ SGK của Bộ hay không.
Cùng ý kiến với ĐB Thúy, ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) không tán thành khi đề cập tới việc giao cho Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK, vì không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 và Luật Giáo dục năm 2019. Cả hai văn bản đều đã điều chỉnh Nghị quyết 88/2014/QH13. ĐB Thanh cho rằng, việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK còn không phù hợp với thực tế, khi chủ trương xã hội hóa đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi. "Việc này dẫn đến việc phủ nhận xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền SGK" - ông Thanh phát biểu.
Tuy nhiên ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, Bộ GD-ĐT cần biên soạn 1 bộ SGK để đảm bảo chủ động trong mọi tình huống. Ý kiến này bị ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phản biện và cho rằng, Luật Giáo dục năm 2019 cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK mà không quy định nhiệm vụ biên soạn một bộ SGK của Bộ GD-ĐT.
Dù còn nhiều tranh cãi, thậm chí gay gắt, nhưng ngày 20/9/2023, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ký Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 sau cuộc giám sát về đổi mới chương trình SGK, trong đó có việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ SGK. Trước đó vào ngày 16/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có Công điện số 747/CĐ-TTg nêu một số vấn đề về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Trong đó, có việc yêu cầu Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung 1 bộ SGK của Nhà nước.
Tại Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 17 khóa IX của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN), tổ chức ngày 09/5 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: "Từ góc độ làm chính sách, khi chương trình đã đi nửa chặng đường, nếu thời điểm này lại thay đổi chính sách quay lại 1 chương trình 1 bộ SKG thì sẽ đi ngược lại tinh thần triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đã đặt ra, cũng như dẫn đến sự hỗn loạn trong triển khai chính sách giáo dục phổ thông".
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cảm thán: "Người dân thường kêu giáo dục hay thay đổi, năm nào cũng thay đổi, nay mà thay đổi nữa không biết uy tín của ngành giáo dục sẽ ra sao".
(Còn tiếp...)
(CATP) LTS: Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cử tri các địa phương lại nêu những băn khoăn về sách giáo khoa. Trong đó có đề cập đến giá sách cao, các nhà xuất bản in ấn hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các cấp học, có những cuốn thuộc dạng không cần thiết, gây lãng phí lớn. Có ý kiến đề nghị xem lại chủ trương 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa...