Nhiều điểm mới trong dự thảo luật nhà giáo
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (QH), dự kiến ngày 09/11 sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về DTLNG.
Thông tin mới nhất cho thấy, Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo, đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Việc này phù hợp và thể hiện sự lắng nghe các ý kiến của cơ quan soạn thảo.
Trước đó, tại dự thảo (DT) luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, trong đó có đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Đề xuất sau đó đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa phần cho rằng chưa hợp lý, có thể tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục (GD).
Trước đó, UBTVQH đã ký ban hành kết luận về DTLNG (đã cho ý kiến lần 2). Theo đó, UBTVQH thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, hồ sơ dự luật cơ bản đủ điều kiện trình QH xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Ủy ban Thường vụ QH lưu ý, DL cần bảo đảm nguyên tắc không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi những luật chuyên ngành; chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của QH, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương.
Dự luật có nhiều điểm mới. Theo đó, nhà giáo sẽ được nâng vị thế, được xã hội tôn vinh, ghi nhận và bảo vệ uy tín, danh dự; được tạo điều kiện về môi trường làm việc, cơ hội học tập bồi dưỡng, cơ hội để chủ động và sáng tạo hơn. Ngành GD cũng sẽ có sự chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người giỏi vào nghề.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về Dự thảo
Luật Nhà giáo hôm 08/10. Ảnh: Quochoi.vn
Dự thảo luật cũng tạo bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập (CL) và ngoài CL. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài CL được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động. Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở GD ngoài CL do cơ sở GD quyết định, bảo đảm không ít hơn tiền lương và những chính sách theo lương quy định nêu trên, trừ khi có thỏa thuận khác.
Đây là điểm mới nhưng để thực hiện là cả vấn đề lớn khi các trường tư hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thường lương của giáo viên (GV) các trường ngoài CL là theo thỏa thuận, định mức đóng bảo hiểm xã hội thường rất thấp, ảnh hưởng đến chế độ nghỉ hưu sau này của GV tư thục... Do đó cần có những hướng dẫn riêng biệt mà không trái với các luật liên quan.
Lương GV công lập thực tế đã được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo Nghị quyết (NQ) 29-NQ/TW năm 2013 và NQ 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chiếm 35% tổng quỹ lương cơ bản của toàn ngành.
Tại DTLNG, Bộ GD-ĐT đã thiết kế 10 chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo với nhiều ưu đãi; trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về tiền lương, đãi ngộ với GV trong cơ sở GD công lập. Theo đó, lương cơ bản nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy tính chất công việc, theo vùng và quy định pháp luật.
Nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu: tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương HCSN, vì lương GV có thâm niên dưới 5 năm hiện rất thấp, mục đích nhằm khuyến khích người trẻ vào nghề dạy học.
Chứng chỉ hành nghề với nhà giáo cũng được rút khỏi đề xuất trong dự thảo luật này, là tin vui đối với GV. Đa số nhà giáo không đồng tình với việc phát sinh thêm giấy phép hành nghề, lo phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và "giấy phép con" trong lĩnh vực GD.
Hiện chuẩn nghề nghiệp với GV được quy định trong Luật GD năm 2019. Giáo viên, giảng viên tùy theo năm công tác, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của bộ sẽ được phân hạng từ I - III. Đây là cơ sở để xếp lương nhà giáo trong các trường CL. Những GV, giảng viên trường tư khi chuyển sang CL phải thi tuyển viên chức, học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng một số quy định khác.
Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?
Lương và thu nhập của GV là vấn đề "nóng" nhiều thập niên qua. Còn nhớ ngày 17/11/2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân trong buổi gặp gỡ thân mật các giáo sư, nhà giáo nhân dân được công nhận đợt năm 2006 đã tuyên bố: Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho GV, để đến năm 2010 GV có thể sống được bằng lương. Thế nhưng, hơn 10 năm sau đó, lương của GV cũng chưa được cải thiện so với các ngành nghề khác.
Lương GV thấp luôn là vấn đề "nóng" trong GD. Không ít GV bỏ việc vì lương thấp, phải tìm công việc khác và nghề giáo trở nên thiếu hấp dẫn với người giỏi. Nhiều người có năng lực, đam mê nhưng không thể theo nghề một phần cũng vì lương thấp.
Năm 2017, Bộ trưởng GD-ĐT lúc đó là ông Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, nếu chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng, phải đổi mới trong khi điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, thậm chí cả danh dự, không được bảo vệ một cách chính đáng thì không được... Nhưng Bộ trưởng Nhạ lúc đó cũng biết rằng Bộ GD-ĐT không quyết định được vấn đề lương GV nên đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, làm sao triển khai thật tốt NQ29- NQ/TW của Trung ương, để GV được hưởng thang bậc lương cao nhất.
Đến năm 2019, khi bàn thảo để sửa đổi Luật GD 2019, DT ban đầu đưa vào nội dung "lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo, nội dung này đã được đưa ra khỏi DT Luật GD 2019 trình QH thông qua. Lý do: Hai bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đều không đồng tình với nội dung trên và cho rằng đề xuất như vậy sẽ "phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề"...
Vấn đề "lương của GV phải xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp" là quan điểm của Đảng trong thời gian khá dài, không phải đến NQ29- NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT mới đề cập đến, mà đã có từ NQ Trung ương năm 1996. Thế nhưng ai cũng biết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không thể một mình "quyết" được vấn đề này, tiền cho GD do Bộ Tài chính quyết trong khi biên chế GV lại do Bộ Nội vụ quyết định, vậy nên một mình Bộ GD-ĐT không thể làm nổi. Vấn đề là cần phải luật hóa thì "giấc mơ” GV có thể sống được bằng lương mới thành hiện thực.
Cho đến nay, sau cải cách tiền lương 01/7/2024, ngoài Quân đội và Công an, lương GV đã được hưởng ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương HCSN và có thêm những phụ cấp khác như thâm niên, đứng lớp...
Về chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - đại diện Ban soạn thảo DTLNG - cho biết: Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại DT Nghị định về lương nhà giáo theo Luật Nhà giáo (nếu được QH thông qua) thì bảng lương của GV mầm non, phổ thông CL có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học; đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến được điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%). Theo đó, chi phí phát sinh dự tính tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo vào khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.
Lương giáo viên bao nhiêu mới đủ sống?
Câu hỏi này rất khó trả lời. Có đại biểu QH mới đây cho rằng lương GV hiện nay rất cao so với viên chức ngành khác. Ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, GV còn có 2 lần phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Ngoài chuyện dạy thêm, chỉ tính riêng mức lương và phụ cấp thì thu nhập của GV không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương. Đại biểu này cho rằng, lương GV thấp là so với mặt bằng chung của cuộc sống, nhưng phải so sánh với hệ thống công chức và viên chức khác trong xã hội.
Mặt bằng chung có thể thấy như vậy, nhưng thực chất GV có thể sống bằng lương không? Câu trả lời là chưa, đặc biệt với GV mới ra trường, thâm niên dưới 5 năm. Họ chỉ cần đủ sống. Khái niệm "đủ sống" cũng khó định lượng, nhưng lương GV phải trả ở mức tương đối với công sức họ bỏ ra. Lương GV thấp sẽ khó thể thu hút sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm để đào tạo những "chiếc máy cái" cho ngành GD thì hậu quả thế nào, chúng ta cũng biết.
Bản chất nghề giáo không được thiết kế để làm giàu, mà là nghề nghiệp phụng sự xã hội, lấy sự phát triển của con người làm thành công của nghề nghiệp. Công việc của GV hết sức phức tạp, nặng nề, không chỉ lên lớp mà còn hàng trăm công việc lớn nhỏ khác khi phải tiếp xúc với học sinh, phụ huynh và nhiều mối quan hệ, làm việc khác. Như vậy làm sao có thể "sòng phẳng" với nhà giáo theo quy luật cung - cầu? Chỉ trường tư mới có thể trả lương cao. Do vậy, khó thể trả lương nhà giáo theo thị trường, vì học phí trường công ở nước ta vẫn ở mức tượng trưng, nhiều nước khác còn miễn phí bậc phổ thông.
Phụng sự xã hội, với nghề cao quý, nhưng GV cũng cần được trả lương ở mức có thể bảo đảm chi trả những nhu cầu tối thiểu của gia đình, để tái tạo sức lao động. Với mức lương GV trường công hiện tại, họ phải cố gắng lắm mới có thể sống được với nghề. Phần lớn chỉ mong "đủ sống" và giảm bớt những áp lực không đáng có về vật chất. Do đó, lương GV cần phải được luật hóa và đủ để họ theo nghề, đủ để hấp dẫn người giỏi vào nghề Sư phạm.
Có như vậy mới thực hiện được yêu cầu nghiêm ngặt có tính chất nguyên tắc "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".