Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhiều đại biểu đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh còn băn khoăn về một số quy định để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Trước phiên thảo luận, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật có nhiều quy định chuyên biệt, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên (NCTN) phạm tội. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 5 phần, 11 chương và 176 điều.
Phát biểu góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho biết, về cơ bản, ông nhất trí với các quy định về dự thảo Luật Tư pháp NCTN. Đại biểu Nguyễn Thanh Sang chỉ nêu ý kiến về Điều 36 “nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”. Theo đại biểu, dự thảo quy định như khoản 4 Điều 36 là chưa phù hợp với chính sách hình sự đối với NCTN là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho NCTN, phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang
Bởi ngay từ khi tiến hành khởi tố, cơ quan điều tra đã xác định được nhân thân, tuổi chịu trách nhiệm hình sự của bị can nên việc áp dụng thủ tục rút gọn hay là tách vụ án để xử lý NCTN, quá trình điều tra áp dụng biện pháp gì, phương pháp gì. Theo đại biểu, đây là một thiệt thòi và chưa phù hợp với chính sách hình sự. “Đối với khoản 4 Điều 36 này chỉ phù hợp trong trường hợp NCTN phạm tội ở tuổi dưới 18 tuổi nhưng khi phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử mà họ đã đủ 18 tuổi trở lên thì không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với những người phạm tội này mà áp dụng các quy định về xử phạt NCTN. Nếu chúng ta quy định như thế này theo tôi là không phù hợp, làm xấu đi tình trạng của NCTN phạm tội”-đại biểu nhìn nhận.
Quan tâm đến việc giải quyết trường hợp NCTN chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội khác, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau: "Bộ luật Hình sự hiện nay không quy định chế tài xử lý đối với NCTN được áp dụng biện pháp giám sát giáo dục, biện pháp tư pháp nhưng vi phạm nghĩa vụ dẫn đến nhờn luật và gây tâm lý e ngại cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp này trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Dự thảo luật đã bổ sung chế tài áp dụng trong trường hợp NCTN được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhưng vi phạm nghĩa vụ". Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính phòng ngừa chung của những quy định này bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự bức xúc của người bị hại và gia đình họ. Đại biểu mong cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có sự cân nhắc thêm.
Cũng quan tâm đến nội dung liên quan đến xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân đồng tình với Ban soạn thảo về việc cần giữ bí mật cá nhân của NCTN trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng. Góp ý thêm, đại biểu cho rằng người làm công tác xã hội rất cần thiết đối với việc thực hiện và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội.
Đại biểu đề nghị cần phải có 2 người làm công tác xã hội để xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng để đảm bảo sự khách quan, chất lượng. Đại biểu còn đề nghị cần bổ sung quy định gia đình của NCTN phạm tội vi phạm pháp luật phải cam kết chịu trách nhiệm về việc gia đình và NCTN để chấp hành tốt các quy định xử lý chuyển hướng. Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Sang đã phân tích khá rõ, đại biểu đề nghị nếu người phạm tội đã đủ 18 tuổi thì vẫn áp dụng các biện pháp chuyển hướng.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân
Còn đại biểu Lê Thanh Phong góp ý về thẩm quyền quyết định bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản khi xử lý chuyển hướng. Theo dự thảo về trình tự, thủ tục trong quá trình xử lý chuyển hướng nếu có tranh chấp về tài sản, vấn đề tịch thu thì lại tách ra giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc quy định này sẽ tạo thêm một vụ kiện mới và có thể dẫn đến một xung đột mới khi xử lý chuyển hướng và làm tốn kém thêm thời gian, không đảm bảo quyền lợi của người bị hại, người được bảo vệ.
Do vậy, cần phải chỉnh sửa và cần phải giải quyết cùng lúc khi xem xét chuyển hướng và buộc gia đình, người giám hộ, xã hội phải có trách nhiệm cùng với người chưa thành niên phạm tội phải xử lý vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản trước. Về người có quyền khiếu nại kiến nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (theo dự thảo thì viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định áp dụng xử lý chuyển hướng của cơ quan điều tra).
“Nếu viện kiểm sát áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì ai là người có quyền hủy bỏ quyết định của cơ quan viện kiểm sát, tôi thấy quy định này có mâu thuẫn và chưa phù hợp với nguyên tắc là quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp và mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ” - đại biểu đánh giá.
Đại biểu Lê Thanh Phong
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.