Cấp thiết ban hành Luật Dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin

Thứ Năm, 24/10/2024 18:02

|

(CAO) Chiều 24/10, tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8, góp ý vào Luật Dữ liệu, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng rất cần thiết phải ban hành Luật, đặc biệt trong điều kiện thực tế hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Dữ liệu và cho rằng dự thảo luật đưa ra phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, thắt chặt quản lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giai đoạn hiện nay.

Đóng góp một số ý kiến, đại biểu cho rằng, quy định Sàn giao dịch dữ liệu trong dự thảo là một bước tiến mới tạo đòn bẩy cho nền kinh tế số tại Việt Nam.

Sàn giao dịch dữ liệu ra đời không chỉ giúp các hoạt động liên quan đến dữ liệu minh bạch, an toàn, mà còn đảm bảo tính hợp pháp. Điều này tạo ra một môi trường tin cậy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, khó tránh khỏi các nguy cơ về an ninh mạng, tấn công mã hóa dữ liệu, đánh cắp, chỉnh sửa dữ liệu và lộ lọt dữ liệu.

 Do đó, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn, tôi đề nghị cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu, để có những đánh giá cụ thể trước khi luật hoá” – đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh)

Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) thì nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.

Đại biểu cho biết, hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu nói riêng còn rất hạn chế, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu (như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối…).

Trong khi đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.

Do vậy, để thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ cao liên quan đến xử lý dữ liệu; hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, phát triển dữ liệu…, cần thiết phải có quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.

Theo đại biểu, Bộ Công an cũng đã rà soát, chỉnh lý quy định rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ phải bảo đảm: Không vì mục đích lợi nhuận; Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; Hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; Không được chi trùng với ngân sách nhà nước.

Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội)

Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ cũng không trùng lắp với hoạt động chi của các loại Quỹ khác, bao gồm cả Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Về xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, đại biểu đánh giá cơ quan soạn thảo đã tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu.

Theo đó, ở nước ta đã bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 cơ sở dữ liệu quốc gia (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp, về tài chính, đất đai, hộ tịch, về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và về bảo hiểm); một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nên cần có Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia để bảo đảm không phân tán dữ liệu, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên dữ liệu quốc gia. “Việc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước từ đó có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kết nối, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu và phát triển các mô hình ứng dụng, phân tích dữ liệu chuyên sâu tạo ra nhiều giá trị mới; cung cấp sản phẩm dịch vụ mới và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội”- đại biểu phân tích.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này.

Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được cập nhật, đồng bộ, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Đồng thời, hoạt động này cũng giúp cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ

Cùng nhấn mạnh về tính cấp thiết phải ban hành Luật Dữ liệu, thậm chí cũng là muộn so với các nước trên thế giới, các đại biểu Nguyễn Trí Thức, Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề nghị rà soát lại các khái niệm để thống nhất với các Luật, bộ Luật liên quan.

Theo các đại biểu, Luật này ra đời tác động đến hội nhập quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh và rất nhiều mặt của cuộc sống, tới an ninh quốc phòng… đặc biệt trong điều kiện môi trường mạng dễ bị lộ lọt như hiện nay nên việc xây dựng Luật cần hết sức thận trọng, kĩ lưỡng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang