Nỗi băn khoăn về sách giáo khoa:

Bài 1: "Móc túi" phụ huynh với sách giáo khoa giá cao

Thứ Hai, 04/11/2024 12:47

|

(CATP) LTS: Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cử tri các địa phương lại nêu những băn khoăn về sách giáo khoa. Trong đó có đề cập đến giá sách cao, các nhà xuất bản in ấn hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các cấp học, có những cuốn thuộc dạng không cần thiết, gây lãng phí lớn. Có ý kiến đề nghị xem lại chủ trương 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa...

Không phải đến bây giờ người dân mới kêu sách giáo khoa giá cao. Khi còn độc quyền, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam "ăn giấy" với số lượng rất lớn, đẩy giá sách giáo khoa lên cao. Với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới, dù được nhiều NXB tham gia biên soạn nhưng giá vẫn cao hơn 2-4 lần so với sách cũ. Nguyên nhân vì đâu?

NXB Giáo dục "ăn giấy" đẩy giá sách giáo khoa tăng cao

Sách giáo khoa (SGK) đang là vấn đề thời sự với cử tri và của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đặc biệt sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục Việt Nam (gọi tắt là NXB Giáo dục), về tội "nhận hối lộ".

Cuối tháng 9/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố 8 bị can vụ đưa hối lộ, nhận hối lộ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục và các đơn vị liên quan, trong đó có ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục và bà Tô Mỹ Ngọc - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng. Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Đức Thái có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty (CTNHH một thành viên NXB Giáo dục, bắt đầu từ năm 2017.

Cách mà ông Nguyễn Đức Thái nhận hối lộ gây sốc với dư luận. Theo đó, trong 6 năm, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng Tô Mỹ Ngọc đều đặn hối lộ Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái bằng cách lẳng lặng để túi tiền cạnh bàn uống nước tại phòng làm việc của ông Thái mà không cần trao, tổng số tiền 20 tỷ đồng - theo kết luận của Cơ quan CSĐT. Cả 15 lần ông Thái nhận hối lộ đều diễn ra ngay tại phòng làm việc.

Những vi phạm của lãnh đạo NXB Giáo dục diễn ra trong nhiều năm (từ 2014 đến 2019, đến khi ông Thái nghỉ hưu tháng 12/2022, nhưng cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) gần như không biết gì (?). Khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào cuộc, tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái. Ông Thái bị xác định có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo NXB Giáo dục tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa (SGK) mới.

Cuối tháng 12/2022, TTCP ban hành kết luận, cho rằng việc NXB Giáo dục lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh "có nhiều bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế". Tội lớn nhất của ông Thái là đã chỉ đạo và thực hiện một số hợp đồng cung cấp giấy in sách của NXB Giáo dục với Công ty giấy Phùng Vĩnh Hưng, bị xác định cao hơn 1,7 lần giá nhập khẩu trực tiếp, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.

Vụ án này gây chấn động trong dư luận vì tội "ăn giấy" SGK của lãnh đạo NXB Giáo dục. Với số tiền chênh lệch mua giấy in lên đến 210 tỷ đồng - chỉ với 1 đối tác là Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng - công ty này cung cấp 1/3 tổng lượng giấy in cho NXB Giáo dục, tương ứng 528.377 triệu đồng, cho thấy SGK phải đội giá lên cao như thế nào.

Với chủ trương "ăn giấy" SGK, nên lãnh đạo NXB Giáo dục cố tình xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế khiến lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in), làm tăng chi phí lãi vay, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Với giá giấy bị đẩy lên đến hơn 1,7 lần thì giá SGK bị đẩy lên cao là tất nhiên. Ngoài ra, TTCP còn cho rằng việc phát hành SGK có tỉ lệ chiết khấu lên đến 25% là cao, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác.

Bị can Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Đức Thái - Ảnh: Bộ Công an

TTCP còn chỉ ra giai đoạn 2014 - 2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB Giáo dục có sai sót dẫn đến phụ huynh học sinh phải mua bằng giá đã đăng ký giá từ năm 2011 được ấn định trên bìa sách. Mức giá mà người dân phải mua bị xác định cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85 tỷ đồng. Số tiền này Thanh tra kiến nghị NXB Giáo dục phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước.

Từ năm học 2020 - 2021, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giá SGK mới cũng tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần. Khi bị báo chí phản ánh, lãnh đạo NXB Giáo dục giải thích rằng, giá cao bởi chi phí tăng ở cả 4 yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.

Sáng 25/5/2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những giải thích xung quanh giá SGK tăng 2 - 3 lần. Ông Sơn phát biểu: "Khi chúng ta so sánh giá sách, cần so sánh tương đồng, tức là so sánh các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Theo ông Sơn, với giá đó, nếu như các bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá phát hành sách năm nay của NXB Giáo dục, là giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên. Nếu so với bộ sách cũ thì giá thành dao động từ 50.000 - 100.000 đồng, còn bộ sách mới dao động từ 200.000 - 300.000 đồng, tùy từng loại sách.

"Nếu so với sách của hệ thống cũ thì khác nhau, nhưng so với sách của chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý” - ông Sơn khẳng định. Phát biểu như vậy, cho thấy lãnh đạo Bộ GD-ĐT rất quan liêu, không biết việc NXB Giáo dục "ăn giấy" trong rất nhiều năm!

NXB Giáo dục "móc túi" phụ huynh hơn 10 năm qua

Trong 2 nhiệm kỳ của 2 nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (6/2010 đến 4/2016), Phùng Xuân Nhạ (4/2016 đến 4/2021) giá SGK đã bị lũng đoạn. Nghĩa là phụ huynh đã bị NXB này "móc túi" trong một thời gian rất dài. Có thời gian dài NXB Giáo dục báo lỗ liên tục về mảng SGK!

Tổng Giám đốc NXB GDVN Hoàng Lê Bách có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản, phát hành SGK. Ông Bách trả lời nghi vấn về "lợi ích nhóm" khi làm SGK: "Chúng tôi làm SGK là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán. Mỗi năm NXB Giáo dục bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành SGK".

Ông Bách dẫn báo cáo kiểm toán tài chính các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục ngày 26/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, kiểm toán xác nhận doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng, kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỷ đồng; doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỷ đồng, kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,3 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu doanh thu SGK của NXB GDVN là 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.

Kinh doanh SGK độc quyền, đặc biệt trong những năm 2015, 2016, 2017 mà lỗ, buộc dư luận phải hoài nghi về những con số kiểm toán này. CQĐT mới chỉ điều tra việc mua bán giấy của NXB này trong giai đoạn 2014 - 2019 đã cho thấy quá nhiều khuất tất, làm thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Ông Bách còn thanh minh: "Toàn bộ khoản chi này NXB Giáo dục phải tự hạch toán, tự cân đối, không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm của hoạt động xuất bản, phát hành SGK".

Ai tin lời ông Bách giải trình? Đây đích thị là "lỗ giả”, số tiền "lời thật" chạy vào túi các quan tham của NXB GDVN và các đối tác.

Với những sai phạm nghiêm trọng của NXB Giáo dục trong nhiều năm qua, nhưng nguyên Bộ trưởng Bộ DG-ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ nhận kỷ luật cảnh cáo; nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bị Thủ tướng kỷ luật với hình thức khiển trách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang