Nhiều nhà xuất bản tham gia, giá SGK vẫn không giảm
Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông".
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan trong đổi mới SGK phổ thông.
"SGK triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung SGK cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn" - Đoàn giám sát nhìn nhận.
Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra, như việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số SGK chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm. Chất lượng một số SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế; một số SGK có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng.
Đề cập đến giá SGK theo Chương trình mới, Đoàn giám sát nêu, giá tăng 2 - 4 lần giá SGK Chương trình cũ. Chẳng hạn, với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000 - 194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000 đồng/cuốn, trong khi bộ sách cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn. Các bộ SGK lớp 2 mới có giá từ 179.000 - 186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000 đồng/cuốn; bộ cũ có giá 53.000 đồng... Tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.
Đáng chú ý, Đoàn giám sát chỉ ra, dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK, có nhiều bộ SGK, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. "Giá SGK môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần" - báo cáo nêu.
Quang cảnh phiên họp
Cạnh đó, chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Đoàn giám sát phản ánh, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo Chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022 - 2023, chiết khấu với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
"Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, chi phí phát hành (chiết khấu) cao, giá SGK khá cao" - Đoàn giám sát nêu.
Lưu ý việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ chi phí chiết khấu có cấu thành nên giá thành của SGK không. Kết luận là chiết khấu "không chỉ cấu thành mà còn tác động lớn vào giá sách".
36 địa phương đề nghị có 1 bộ sách dùng chung
Qua giám sát, Đoàn giám sát khuyến cáo, việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Theo quy định Nghị quyết 88 về biên soạn SGK, chỉ có Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách). Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK.
Việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK, theo Đoàn giám sát, gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK. Cử tri tại nhiều địa phương đề nghị thực hiện một bộ sách thống nhất trong phạm vi toàn quốc hoặc một địa phương.
Dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện, Đoàn giám sát thông tin, có 36 tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị nên có 1 bộ SGK để sử dụng chung.
Nêu quan điểm trong phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và UBTVQH cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết. Ông Sơn nói rằng, trong phiên làm việc giữa Đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7, cơ quan chịu sự giám sát cũng đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này.
"Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới" - ông Sơn bày tỏ. Ông phân tích, Nhà nước (Bộ GD-ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học. Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không.
"Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặt vấn đề.