Sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam:

Bán sách giáo khoa lãi càng nhiều, phụ huynh càng tốn kém

Thứ Tư, 15/02/2023 17:02

|

(CATP) Chỉ tính giai đoạn 2014-2019, một công ty giấy đã trúng thầu hơn 83% số lượng giấy của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (gọi tắt là NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, gọi tắt là Bộ GD&ĐT), trị giá hơn 1.890 tỷ đồng. Qua kiểm tra xác suất, cơ quan chức năng phát hiện giá giấy bán cho NXB này cao gấp 1,7 lần giá nhập khẩu, số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng. Cùng với nhiều chi phí vô lý khác, NXB đã "đẩy" giá thành sách giáo khoa lên cao ngất.

Số tiền chênh lệch rất lớn

Như Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin, ngày 13-02-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại NXB Giáo dục Việt Nam.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thái (nguyên Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam 2 nhiệm kỳ, từ năm 2017 đến tháng 12-2022), Nguyễn Thị Thanh Thủy (nguyên Trưởng ban Kế hoạch marketing của NXB trên), cùng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đinh Quốc Khánh (nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch marketing), Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐTV Công ty cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng), cùng về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy đã bị bắt tạm giam trước đó trong vụ án sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành SGK, do Bộ GD&ĐT đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn, có nhiệm vụ sản xuất, phát hành SGK. Đơn vị này có vốn điều lệ là 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với 3 bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.

Nguyễn Đức Thái

Liên quan đến trách nhiệm của hai Bộ trưởng

Trong năm trước, ngày 05-7-2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Nguyễn Đức Thái (Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam). Theo đó, Thái đã vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa (SGK) mới... Hôm sau, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội tiến hành xác minh thông tin tố giác Nguyễn Đức Thái có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong việc mua sắm giấy in SGK phục vụ năm học 2022-2023.

Đến ngày 24-10-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng - Bộ GD&ĐT (nhiệm kỳ 2016-2021), liên quan đến ông Phùng Xuân Nhạ (nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Ban Bí thư nhận thấy Ban Cán sự Đảng - Bộ GD&ĐT (nhiệm kỳ 2016-2021) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để Bộ GD&ĐT và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ; thực hiện một số dự án đầu tư công; xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK...; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 và năm 2021 xảy ra nhiều vi phạm, một số cán bộ ngành Giáo dục bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Ban Bí thư đánh giá vi phạm của Ban Cán sự Đảng - Bộ GD&ĐT (nhiệm kỳ 2016-2021) và cá nhân ông Phùng Xuân Nhạ đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra, để xảy ra sai phạm tại NXB Giáo dục Việt Nam liên quan đến trách nhiệm của 2 cá nhân là ông Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ tháng 6-2010 đến tháng 4-2016) và ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ tháng 4-2016 đến tháng 4-2021).

Nghịch lý trong giá sách giáo khoa

Ngày 08-7-2022, Chuyên đề Công an TPHCM đã đăng bài Nhà xuất bản Giáo dục lãi kỷ lục: Phụ huynh học sinh càng khổ! lý giải vì sao SGK tăng gấp 2-3 lần, mang lại lợi nhuận rất lớn cho NXB Giáo dục Việt Nam, chứ không phải do "khổ to, giấy đẹp" như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình với các Đại biểu Quốc hội vào ngày 25-5-2022.

Việc buông lỏng quản lý đối với NXB Giáo dục Việt Nam kéo dài hàng chục năm gây hậu quả rất nghiêm trọng. Là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định, đơn vị này phải công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, đầu tư, báo cáo tài chính... Nhưng đơn vị này đã không công bố báo cáo tài chính các năm 2020, 2021, kế hoạch kinh doanh các năm 2021, 2022 trên website và cho cơ quan quản lý vốn là Bộ GD&ĐT. Giai đoạn 2016-2020, đơn vị này cũng không công bố các báo cáo tương tự.

Nguyễn Đức Thái (bìa trái) cùng 3 đồng phạm

Năm 2022, NXB Giáo dục Việt Nam mới công bố "báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021". Theo đó, năm 2021, đơn vị này phát hành 164,6 triệu bản SGK (đạt 140% so với kế hoạch), tổng doanh thu đạt 1.828,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của NXB Giáo dục Việt Nam đạt 287,4 tỷ đồng (bằng 250% so với kế hoạch được cơ quan chủ quản giao). Đây là mức lãi kỷ lục của đơn vị này. Những năm trước, lợi nhuận của đơn vị này chỉ từ 120-150 tỷ đồng.

NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều hoạt động thiếu minh bạch, như: các công đoạn, chi phí tổ chức bản thảo (nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm...), chi phí vật tư, công in, marketing. Tuy nhiên, trước mắt, cơ quan điều tra tập trung vào công đoạn đấu thầu giấy, công in, với công ty trúng thầu là Công ty cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng. Giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng đã trúng thầu hơn 83% số lượng giấy của NXB Giáo dục Việt Nam, với giá trị hơn 1.890 tỷ đồng. Chỉ qua kiểm tra xác suất một số hợp đồng, cơ quan điều tra phát hiện giá giấy mà công ty này bán cho NXB Giáo dục Việt Nam cao bình quân gấp 1,7 lần giá nhập khẩu, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.

Chưa kể đến định lượng giấy bị sai lệch nghiêm trọng, không đúng như hợp đồng, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia (định lượng được tính theo gram trên mỗi mét vuông, định lượng càng cao thì giấy càng tốt). Điều này gây thiệt hại cho NXB Giáo dục Việt Nam và người tiêu dùng (học sinh). NXB này còn lãng phí khi lập kế hoạch sản xuất không sát thực tế, để lượng giấy in tồn kho lớn, làm tăng chi phí lãi vay, đẩy giá thành SGK lên cao bất hợp lý gấp nhiều lần.

Thanh tra Chính phủ xác định, NXB Giáo dục Việt Nam bán 3 loại giấy in (mức thuế suất GTGT đầu vào là 5%) cho các nhà thầu trúng thầu in SGK, nhưng NXB tính chung với mức thuế dịch vụ in SGK (mức thuế suất GTGT là 10%), đẩy giá thành SGK tăng cao, mà người chịu thiệt thòi là phụ huynh và học sinh, kéo dài từ năm 2011 đến nay, lên đến 14,8 tỷ đồng. Cộng với việc phát hành SGK qua nhiều bước trung gian, đẩy tỉ lệ chiết khấu SGK lên đến 25% là cao, vì SGK là mặt hàng độc quyền.

Cũng theo cơ quan thanh tra, từ năm 2014 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện xây dựng tiêu chí cụ thể, để phân bổ chi phí chung không đúng tỉ lệ doanh thu của SGK trên tổng doanh thu, làm tăng chi phí chung cho SGK. Điều này dẫn đến việc phụ huynh và học sinh phải mua SGK bằng giá NXB này đã đăng ký từ năm 2011, cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá, với số tiền gần 70 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB Giáo dục Việt Nam có sai sót, dẫn đến phụ huynh và học sinh phải mua SGK cao hơn giá phải đăng ký đúng giá, với số tiền hơn 85 tỷ đồng.

NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được cho phép sản xuất, phát hành, kinh doanh SGK. Lợi dụng điều này, NXB Giáo dục Việt Nam xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (giá SGK được NXB Giáo dục Việt Nam đăng ký giá từ năm 2011), có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK.

Những sai phạm trên liên quan đến đấu thầu giấy in ấn và một số hạng mục, còn các khâu khác thì cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ, như: vốn vay ngân hàng trong nước, vốn vay Ngân hàng Thế giới, các khoản chi phí tổ chức biên soạn SGK... Trong kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra đã kiến nghị buộc NXB Giáo dục Việt Nam phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền phụ huynh đã phải mua SGK cao hơn giá phải đăng ký đúng giá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang