Vụ "rút ruột" hơn 86 tỷ đồng tại ĐHBK Đà Nẵng: Hiệu trưởng nhiều lần ký séc khống

Thứ Ba, 14/02/2023 17:27

|

(CATP) Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin vụ án Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thông đồng cùng Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng - Đại học Đà Nẵng tham ô hơn 86 tỷ đồng. Vì sao một khoản tiền rất lớn bị "rút ruột" nhưng vẫn qua mặt được nhiều cán bộ quản lý, ngay cả Ban Giám hiệu nhà trường? Lật lại hàng loạt những sự việc xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đã có những kết luận thanh - kiểm tra, cho thấy rất nhiều "vấn đề” cần được làm rõ.

Ai đã tiếp tay cho những lần "thụt két"?

Dư luận đặc biệt quan tâm, đó là trách nhiệm người đứng đầu, cũng như bao nhiêu cán bộ cấp quản lý, cho đến Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (ĐHBKĐN). Từ thời điểm xảy ra vụ việc (năm 2021), trong vòng 1 năm để xảy ra vụ án "rút ruột" hơn 86 tỷ đồng, cho đến khi Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng phát hiện, khởi tố điều tra vụ án, khởi tố với 2 bị can (ngày 09-02-2023). Bằng sự thông đồng của Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) và Lâm Thị Hồng Tâm (Thủ quỹ) đã tham ô số tiền rất lớn trong tài khoản của ĐHBKĐN. Vụ án này, dư luận đặc biệt quan tâm đến cả trách nhiệm của ông Đoàn Quang Vinh (SN 1962, nguyên Hiệu trưởng nhà trường).

Qua điều tra, cho thấy sự "khó hiểu" xảy ra ngay tại Trường ĐHBKĐN. Năm 2014, Lâm Thị Hồng Tâm từ vị trí cán bộ kế toán, được ĐHBKĐN bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính. Đến tháng 5-2018, Tâm xin thôi chức vụ này và giới thiệu Hoàng Quang Huy thay thế vị trí và được Ban Giám hiệu nhà trường chấp nhận.

Từ tháng 7-2020, Tâm lại được Huy phân công làm "thủ quỹ” cho đến khi bị bắt tạm giam vì hành vi phạm tội. Theo điều tra, đầu năm 2021, Tâm nhờ Huy cho Tâm "mượn tạm" 500 triệu đồng từ ngân quỹ của Trường ĐHBKĐN để giải quyết việc cá nhân và được Huy đồng ý. Do quỹ tiền mặt không đủ, Tâm đề nghị Huy cho rút tiền từ tài khoản của ĐHBKĐN tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng.

Để thực hiện việc rút tiền, Tâm sử dụng quyển sec ngân hàng đang được giao quản lý, tự điền thông tin vào và đưa Huy ký xác nhận, sau đó trình cho ông Đoàn Quang Vinh (Hiệu trưởng Trường ĐHBKĐN) là chủ tài khoản ký duyệt. Sau khi vụ rút tiền đầu tiên được thực hiện suôn sẻ, Tâm nói với Huy là cần thêm nhiều tiền để chung vốn làm ăn với người khác nên đề nghị được tiếp tục "mượn" tiền từ tài khoản của trường.

Bị can Tâm nhiều lần đề nghị ông Hiệu trưởng Trường ĐHBKĐN, là chủ tài khoản Đoàn Quang Vinh ký sec với lý do rút tiền nhập vào quỹ tiền mặt của Trường ĐHBKĐN để phục vụ các chi tiêu. Do cần rút số tiền lớn, Tâm bàn với Huy để trống số tiền cần rút trên sec khi trình lãnh đạo ký duyệt. Khi ông Đoàn Quang Vinh hỏi tại sao không ghi rõ số tiền vào các tờ sec, Tâm trình bày là đã bàn với Huy và đợi Huy cân đối số tiền trong tài khoản rồi mới ghi vào cho phù hợp...

Thế nhưng ông chủ tài khoản Trường ĐHBKĐN vẫn ký "khống" khi tờ sec để trống số tiền(!?). Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, chính ông Hiệu trưởng Đoàn Quang Vinh đã nhiều lần ký các tờ sec "khống" như vậy theo đề nghị của Tâm. Sau đó Tâm tự ghi số tiền muốn rút vào sec, rồi đến ngân hàng chuyển vào các tài khoản cá nhân của Tâm và người khác để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến khi hành vi bị phát hiện, Tâm đã tham ô của ĐHBKĐN tổng số tiền hơn 86,6 tỷ đồng. Có thể nói, chỉ riêng ở góc độ này, ông Đoàn Quang Vinh cũng đã sai phạm so với các quy định, quy tắc về quản lý tài chính và sẽ phải chịu trách nhiệm của mình?

Công an TP.Đà Nẵng đọc lệnh tạm giữ bị can Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường ĐHBKĐN)

Kết luận thanh - kiểm tra đã nêu rõ nhiều "vấn đề”

Trường ĐHBKĐN có quy mô hàng chục ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trường có vai trò nòng cốt, giữ vị trí quan trọng trong các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Tháng 12-2017, ông Đoàn Quang Vinh được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ĐHBKĐN nhiệm kỳ 2017-2022.

Bên cạnh vụ án "rút ruột" hơn 86,6 tỷ đồng xảy ra tại Trường ĐHBKĐN mà hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đang tiến hành điều tra xử lý, thì trước đây Thanh tra Bộ GD&ĐT đã từng yêu cầu rà soát "Kết luận Thanh tra của Đại học Đà Nẵng". Đó là Đại học Đà Nẵng đã ban hành Kết luận thanh tra về công tác đào tạo và tài chính đối với Trường ĐHBKĐN. Ngày 19-01-2021, Giám đốc Đại học Đà Nẵng ban hành Kết luận thanh tra số 431/QĐ-ĐHĐN về việc thanh tra công tác đào tạo và tài chính tại Trường ĐHBKĐN, từ ngày 01-3 đến 06-3-2021. Đến ngày 31-5-2021, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã ban hành Kết luận thanh tra số 1988/KL-ĐHĐN (Kết luận thanh tra số 1988) về công tác đào tạo và tài chính tại Trường ĐHBKĐN, trong đó, có rất nhiều "vấn đề”, như "đào tạo, bổ nhiệm, thu học phí”...

Hay mới đây, ngay cả phản ánh về "Giáo trình Hệ thống điện - điện tử động cơ ôtô” cũng có "vấn đề” và đã có kết luận thanh tra về việc xảy ra tại Trường ĐHBKĐN lập khống - ký khống biên bản, gây bức xúc trong dư luận. Cuốn giáo trình được công nhận là chính thức tại Trường ĐHBKĐN bị tố, sau đó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã yêu cầu: "Tổ chức rà soát, thực hiện lại việc đánh giá, thẩm định và công nhận Giáo trình "Hệ thống điện - điện tử động cơ ôtô” của ông P.Q.T. Tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với ông D.V.D, bà V.H.T trong việc lập khống 2 biên bản họp bộ môn. Tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với ông P.Q.T trong việc thực hiện nhiệm vụ với vai trò là cán bộ quản lý Khoa; với vai trò là giảng viên biên soạn giáo trình".

Bị can Lâm Thị Hồng Tâm (Thủ quỹ, Trường ĐHBKĐN) bị tạm giữ

Kết quả xác minh các nội dung tố cáo, qua kiểm tra hồ sơ giải quyết tố cáo và hồ sơ xét, công nhận Giáo trình "Hệ thống điện - điện tử động cơ và ôtô” của ông P.Q.T đang lưu tại Trường ĐHBKĐN và làm việc với các cá nhân có liên quan, xác định: Giáo trình "Hệ thống điện và điện tử trên ôtô” của ông P.Q.T đã được Trường ĐHBKĐN công nhận là giáo trình chính thức được sử dụng trong công tác đào tạo theo Quyết định số 1205/QĐ-ĐHBK ngày 22-6-2020 của Hiệu trưởng Trường ĐHBKĐN.

Việc biên soạn, thẩm định và đánh giá, lựa chọn, duyệt sách phục vụ đào tạo của Trường ĐHBKĐN ban hành kèm theo Quyết định số 04/QĐ-ĐHBK ngày 02-01-2020 của Hiệu trưởng ĐHBKĐN (gọi tắt là Quy định 04). Về sự tồn tại và giá trị pháp lý của 2 biên bản họp bộ môn trong hồ sơ xét, công nhận Giáo trình "Hệ thống điện - điện tử động cơ và ôtô” của ông P.Q.T đang lưu tại Trường ĐHBK có 2 biên bản họp... Nội dung 2 biên bản họp nêu trên thể hiện ông D.V.D với vai trò là Trưởng bộ môn là người chủ trì cuộc họp, bà V.H.T tham dự cuộc họp với vai trò là Thư ký.

Phần cuối 2 biên bản có chữ ký của ông D.V.D ký tại vị trí Trưởng bộ môn và chữ ký của bà V.H.T ký tại vị trí Thư ký. Cũng theo Thông báo Kết luận của Giám đốc Đại học Đà Nẵng, qua kết quả xác minh, xác định 2 biên bản họp đánh giá đề cương và bản thảo giáo trình đều được lập khống, không có giá trị pháp lý để làm căn cứ đề nghị Trường ĐHBKĐN xét, công nhận giáo trình.

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Kết luận của Đại học Đà Nẵng cũng nêu rõ: "Về xác định trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến 2 biên bản họp bộ môn được lập khống", đối với ông D.V.D, kết quả xác minh cho thấy, trách nhiệm của Trưởng bộ môn là tổ chức họp bộ môn để đánh giá đề cương và bản thảo giáo trình. Việc ông D.V.D tự ý ký biên bản họp bộ môn nhưng không tổ chức họp là không làm đúng trách nhiệm của người quản lý và ông D. phải chịu trách nhiệm về 2 biên bản họp bộ môn đã ký khống vào ngày 04-3-2020 và ngày 05-5-2020.

Đối với bà V.H.T, tuy không tham gia cuộc họp nhưng đã tự ký vào vị trí Thư ký trong các biên bản họp là đã không trung thực, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Bà T. phải chịu trách nhiệm cùng với ông D.V.D về việc tạo ra 2 biên bản họp bộ môn khống ngày 04-3-2020 và ngày 05-5-2020. Việc ông T. biết là trong quy trình phải có bước họp bộ môn để đánh giá đề cương, bản thảo giáo trình trước bộ môn nhưng không có ý kiến phản hồi để bộ môn thực hiện đúng quy trình là chưa thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của viên chức trong việc tuân thủ quy định của đơn vị.

Với vai trò là Trưởng Khoa, ông T. có trách nhiệm phải nắm bắt quy định để triển khai trong đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, chưa hoàn thiện trong quá trình thực hiện các công việc tại Khoa, nhưng ông T. đã không có ý kiến về việc không thực hiện đúng quy trình đánh giá đề cương và bản thảo giáo trình của bộ môn ôtô và máy động lực, là chưa thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bô... và chưa hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ quản lý Khoa.

Hai cán bộ 'rút ruột' hơn 86 tỷ đồng của Đại học Bách khoa Đà Nẵng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang