(CATP) Ngày 13-12-2022, Cục Hải quan Bình Phước cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại kho ngoại quan của một công ty kho vận. Mặt hàng buôn lậu được xác định là hơn 2,43 tấn hàng bách hóa.
Theo hồ sơ, ngày 22-3-2022, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Cục Hải quan Bình Phước, làm thủ tục cho lô hàng thuộc tờ khai loại hình vận chuyển độc lập (OLA) được chuyển bằng xe tải để xuất sang Campuchia giao cho Công ty Sheng Heng Huot Import Export Co,Ltd tại Phnom Penh. Hàng hóa còn nguyên niêm phong seal hải quan.
Do nghi ngờ trọng lượng, số lượng hàng hóa không đúng với khai báo nên Chi cục Hải quan Hoa Lư đã tiến hành tạm dừng, đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế hàng hóa. Kết quả kiểm tra thực tế xác định hàng hóa đã được tháo rời không còn đóng trong pallet, không còn nguyên đai, nguyên kiện; tổng trọng lượng hàng hóa thực tế chênh lệch thiếu so với khai báo là 2,43 tấn, tương đương trị giá bình quân trung bình là 2,24 tỷ đồng.
Mở rộng xác minh về lô hàng, Cục Hải quan Bình Phước xác định Công ty TNHH Gekko Link Việt Nam được Công ty V-SHIPPING có trụ sở tại Hoa Kỳ ủy quyền thực hiện các dịch vụ hàng quá cảnh cho 2 lô hàng bách hóa có tổng trọng lượng 7 tấn, trị giá 26.000 USD. Hàng hóa được vận chuyển bằng máy bay về Việt Nam theo vận đơn hàng không ngày 23-02-2022, cước phí vận chuyển là 31.290 USD; tổng cộng trị giá hàng hóa và cước phí vận chuyển về đến Việt Nam là 57.290 USD.
Khi 2 lô hàng về đến Việt Nam, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Cục Hải quan TPHCM đã tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa và xác nhận mỗi lô hàng có 7 kiện, trọng lượng 3.500kg/lô, hàng hóa thực tế đúng khai báo theo chi tiết phụ lục tờ khai. Sau đó, ngày 16-3-2022, lô hàng được vận chuyển đến kho ngoại quan trên.
Hải quan Bình Phước kiểm ra thực tế lô hàng hóa quá cảnh
Đến ngày 18-3-2022, lô hàng được xuất kho, vận chuyển đến Cửa khẩu Hoa Lư, tỉnh Bình Phước để làm thủ tục xuất sang Campuchia. Ngày 22-3-2022, lô hàng được chuyển đến cửa khẩu Hoa Lư và bị phát hiện hàng hóa thực tế thiếu so với khai báo, dù vẫn còn nguyên niêm phong seal Hải quan.
Kết quả kiểm tra, xác minh của Cục Hải quan Bình Phước ghi nhận người đại diện công ty kho vận tham gia kiểm tra thực tế hàng hóa là Hứa Phước Duy theo giấy giới thiệu ngày 10-3-2022 của công ty này. Tuy nhiên qua xác minh, đại diện công ty cho biết, Hứa Phước Duy không phải là nhân viên của mình, phía công ty không hợp đồng thuê Duy, việc Duy có giấy giới thiệu của công ty là do khách hàng chỉ định nên công ty cấp, thực tế công ty không biết Hứa Phước Duy là ai, ở đâu.
Ngoài ra, liên quan đến 2 lô hàng này còn có Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1987, ngụ Bình Thuận), không phải là nhân viên của công ty kho vận, nhưng lại tham gia vào việc giám sát bốc xếp hàng hóa, thanh toán chi phí thuê kho và cùng ông Nguyễn Văn Hoan, nhân viên của công ty kho vận, giám sát lô hàng khi đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước.
Qua làm việc, Nguyễn Thị Thùy Linh trình bày do được một người tên Tina là người Việt Nam sống ở nước ngoài (không rõ ở nước nào) là người quen biết nhờ thuê xe và giám sát việc vận chuyển lô hàng đi cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước). Linh cho biết chỉ quan hệ xã giao thông thường với người tên Tina, mỗi năm chỉ trao đổi vài lần qua mạng xã hội Viber, không liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán; sau khi xảy ra sự việc không còn liên lạc được với Tina. Theo nhận định của Cục Hải quan Bình Phước, nội dung trình bày này của Nguyễn Thị Thùy Linh có nhiều mâu thuẫn và không có cơ sở để xác nhận; người tên Tina cụ thể là ai, đến thời điểm này chưa xác định được.
Kết quả kiểm tra, xác minh giao dịch ngân hàng cũng xác định, trước và sau khi vụ việc xảy ra thì Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Thị Thùy Linh và Hứa Phước Duy có lịch sử giao dịch chuyển tiền qua lại nghi có liên quan đến 2 lô hàng trên. Ông Hoan trình bày, các giao dịch chuyển tiền là do Nguyễn Thị Thuỳ Linh nhờ giữ hộ. Trong khi Nguyễn Thị Thùy Linh trình bày việc chuyển tiền cho ông Hoan, Hứa Phước Duy là do người tên Tina nhờ chuyển nhưng không cho biết về nội dung chuyển tiền.
Cơ quan chức năng nhận định, 2 lô hàng bách hóa khi chuyển vào kho ngoại quan gồm có 14 pallets, trọng lượng 7 tấn, chở bằng 4 xe tải. Khi vận chuyển đi cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, ông Nguyễn Văn Hoan cho chất hàng hóa lên thùng 1 xe tải có tải trọng 1,99 tấn, do đó hàng hóa đã chất đầy kín thùng xe chỉ được 4.570kg, chênh lệch thiếu so với khai báo là 2,43 tấn.
Như vậy, số hàng hóa chênh lệch thiếu nêu trên đã tiêu thụ tại Việt Nam, không tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu hàng hóa, thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.