Mua bán dầu trái phép trên biển
Khoảng 20 giờ ngày 6-12, tại khu vực biển Nam Đông Nam, cách Cà Mau 77 hải lý, Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu TG-93698TS có dấu hiệu nghi vấn nên kiểm tra. Trên tàu có 5 thuyền viên do ông Huỳnh Tấn Đào (SN 1974, quê Tiền Giang) làm thuyền trưởng. Ông Đào khai nhận, tàu đang vận chuyển khoảng 35.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Sau khi bắt giữ, đến 6 giờ 30 phút ngày 8-12, Tổ công tác đã đưa tàu TG-93698TS về cảng Hải đội 421 thuộc Hải đoàn 42 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 4) và bàn giao toàn bộ tang vật, phương tiện cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 4 để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng thời điểm trên, trong lúc tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển ở khu vực đảo Hòn Chuối, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Cà Mau đã phát hiện tàu cá KG 90773 TS do ông Trương Việt Vương (SN 1982, ngụ tỉnh An Giang) làm thuyền trưởng và tàu cá KG 90714 TS do ông Nguyễn Văn Tùng (SN 1971, ngụ tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên 2 tàu cá có nhiều thùng phuy nhựa chứa trên 16 ngàn lít.
Bước đầu, ông Trương Việt Vương thuyền trưởng tàu cá KG 90773 TS thừa nhận, ngày 15-11, ông điều khiển tàu cá trên ra biển hoạt động nghề lưới kéo cùng tàu KG 90714 TS. Xuất bến qua cửa Ba Hòn, tỉnh Kiên Giang. Từ ngày ra biển đến ngày bị Đồn Biên phòng Hòn Chuối phát hiện, bắt giữ ông đã 3 lần lấy dầu từ tàu khác không rõ địa chỉ, lần đầu không nhớ số lượng, lần 2 là 10.000 lít và lần 3 là 7.000 lít.
Từ đầu tháng 10-2022 đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ mua bán dầu lậu trên biển với số lượng đã tịch thu trên 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Đơn vị đã xử lý theo quy định của pháp luật.
Hải quan Đồng Tháp bắt ô tô chở đường lậu
Trước đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (đóng tại xã Dương Tơ, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) bắt giữ tàu chở 40.000 lít dầu không có hóa đơn cách quần đảo Thổ Chu khoảng 16 hải lý. Thông tin ban đầu, trong lúc tuần tra trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá số hiệu TG.90108.TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn tại vùng biển cách quần đảo Thổ Chu khoảng 16 hải lý, nên ra tín hiệu dừng kiểm tra.
Lúc này, trên tàu có 4 thuyền viên, do ông Lê Việt Chương (SN 1967, ngụ TP.Rạch Giá) làm thuyền trưởng. Kiểm tra, tàu không có kết nối với thiết bị giám sát hành trình và có 40.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện, xử lý hơn 25 vụ, xử phạt và tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xử vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng, tịch thu gần 1,8 triệu lít dầu DO, bán, nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ đồng.
Đường cát ngoại vượt biên
Nhận định của các cơ quan chức năng, đường bộ giáp biên giới, buôn lậu đường tái diễn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định, từ đầu năm 2022, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam đang gia tăng và diễn biến phức tạp khi nhiều vụ việc gian lận thương mại, nhập lậu đường đã bị phát hiện tại khắp các địa phương. Theo số liệu VSSA công bố, chỉ tính 7 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng trên 441.219 tấn đường nhập lậu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Và đường nhập lậu đều là đường sản xuất tại Thái Lan nhưng được đi vòng qua Campuchia hoặc Lào, sau đó tuồn qua biên giới vào Việt Nam.
Tại An Giang, buôn lậu đường cát với số lượng lớn. Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang vừa phối hợp Công an huyện Tịnh Biên tổ chức tuần tra kiểm soát chống buôn lậu thuộc khu vực khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Lực lượng phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 67C-018.62 do Phạm Quốc Cường (SN 1986, trú tại xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.
Tổ công tác phát hiện trên xe có chở 530 bao đường cát nguyên liệu thực phẩm xuất xứ Indonexia, trọng lượng 13.250kg và 20 bao phụ gia thực phẩm xuất xứ Trung Quốc, trọng lượng 500kg. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Phạm Quốc Cường không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp theo thực tế hàng hóa và không xuất trình được bộ hồ sơ nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, nghi vấn hàng hoá nhập lậu.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra tàu cá chở 35.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Đối tượng Phan Thị Mỹ Lệ (SN 1956, cư trú 247/14, khóm Bình Khánh 3, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố về tội "Buôn lậu". Sau 2 năm điều tra, đối tượng mới bị xử lý. Khoảng 2 giờ 40 phút ngày 8-8-2020, Tổ công tác thuộc phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang phối hợp tuần tra kiểm soát, khi đến khu vực ngã tư Đèn 4 ngọn, thuộc phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên thì phát hiện xe ôtô tải biển kiểm soát 67C-013.27 chở 18 tấn đường cát trắng, nhãn hiệu nước ngoài.
Đến khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, tại khu vực ấp An Hòa, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, tổ công tác tiếp tục phát hiện 3 xe ôtô tải biển kiểm soát lần lượt 67C-075.77; 67C-078.09 mỗi xe chở 8 tấn đường cát trắng, nhãn hiệu nước ngoài và 67C-116.63 chở 5 tấn đường cát trắng, nhãn hiệu nước ngoài và 50 thùng bia Crown. Tại thời điểm kiểm tra các phương tiện trên, cả 4 tài xế điều khiển phương tiện đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên. Tại cơ quan công an, các tài xế khai nhận chở thuê số hàng hóa trên cho Phan Thị Mỹ Lệ.
Các cơ quan chức năng nhận định, đầu nậu mở kho giáp biên giới để chứa đường lậu. Mới đây, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang phối hợp Công an Huyện Tịnh Biên và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên kiểm tra đột xuất kho hàng tại khóm Xuân Biên, Thị trấn Tịnh Biên, Huyện Tịnh Biên, do ông Nguyễn Văn Hải làm chủ, phát hiện 100 bao đường ghi xuất xứ Myanmar có dấu hiệu nghi vấn thay bao bì từ đường nhập lậu.
Ngoài ra, Tổ công tác còn phát hiện 105 tờ nhãn phụ bằng tiếng Việt. Làm việc với Tổ công tác, ông Nguyễn Văn Hải khai nhận, số đường cát nêu trên có xuất xứ Thái Lan, được ông mua của những người dân đi giăng lưới, nhưng không rõ họ tên, địa chỉ, với giá 800.000 đồng/bao loại 50 kg. Sau khi mua về, ông cho thay bao bì, nhãn hiệu và dán tem nhãn phụ của thương nhân nhập khẩu để hợp thức hóa, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết, lợi dụng đêm tối các đối tượng dùng phương tiện thủy lén lút vận chuyển hàng lậu, chủ yếu là đường cát... qua sông biên giới sau đó mới thay đổi phương thức vận chuyển khác. Đối với đường bộ, các đối tượng sử dụng xe gắn máy, xe khách, xe tải chở nhỏ lẻ hàng lậu vào nội địa. Riêng mặt hàng đường cát, đối tượng sử dụng xe gắn máy vận chuyển với tốc độ cao từ biên giới về TP.Hồng Ngự tập kết để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Trước và trong khi vận chuyển hàng lậu, các đối tượng luôn cảnh giới, cho người theo sát các lực lượng chống buôn lậu, nếu phát hiện bị truy đuổi, bắt giữ, đối tượng liền bỏ lại hàng thạy thoát thân. Ban Chỉ đạo 389 một số tỉnh biên giới Tây Nam nhận định, ngoài lợi dụng mùa nước nổi để gia tăng vận chuyển hàng lậu qua các cánh đồng biên giới, các đối tượng đang gom hàng chuẩn bị phục vụ thị trường tết Quý Mão 2023, nên tình trạng vận chuyển hàng lậu, trong đó có đường cát có xu hướng gia tăng.
Ngày 22-11, tại khu vực đường Võ Văn Kiệt, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Tam Nông tiến hành dừng và khám ô tô tải mang biển kiểm soát 67H-022.59 do ông Lê Thanh An (SN 1988, thường trú tại tỉnh An Giang) điều khiển, có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên ô tô vận chuyển 67 bao (tương đương 3,35 tấn) đường cát nhãn hiệu WHITE SUGAR, xuất xứ Thái Lan, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Làm việc với Đội Quản lý thị trường số 3, ông Lê Thanh An thừa nhận là người vận chuyển, đồng thời cũng là chủ lô đường cát nêu trên. Số hàng này, ông An mua qua trung gian mang về bán lẻ lại tại các cơ sở tạp hóa chứ không trực tiếp nhập khẩu. Trước đó, trên đường kiểm soát khu vực cầu Cội Tiểu và sông Sở Thượng (thuộc ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện 16 bao PP bên ngoài có dòng chữ PURE REFINED SUGER để rải rác trên bờ sông Sở Thượng, bên trong có chứa đường kết tinh, trọng lượng khoảng 800 kg.
Số hàng hóa nêu trên do hai người đàn ông điều khiển xuồng máy đi từ phía Campuchia vượt sông biên giới Sở Thượng sang bờ Việt Nam lên hàng cất giấu. Khi phát hiện Tổ công tác từ xa, hai người bỏ lại hàng và nhanh chóng điều khiển phương tiện về phía Campuchia trốn thoát...