Chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam

Thứ Hai, 22/08/2022 13:36  | Đăng Khoa

|

(CATP) Biên giới Tây nam giáp biên giới Campuchia có chiều dài khoảng 1.137km. Lợi dụng địa hình phức tạp, các đối tượng tổ chức buôn lậu trở nên táo bạo hơn. Đặc biệt, các đối tượng thường tổ chức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm với số lượng lớn gây thất thoát ngân sách.

Từ thực tế trên, lực lượng công an các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Để giữ bình yên ở biên giới, lực lượng công an phải đối mặt bao khó khăn, vất vả...

Thủ đoạn mới vận chuyển hàng cấm

Theo nhận định của lực lượng công an, tình hình buôn lậu ở biên giới Tây Nam rất phức tạp, nhất là vận chuyển hàng cấm như thuốc lá ngoại nhập lậu. "Các đối tượng thường dùng những thủ đoạn mới để đối phó với lực lượng công an. Trong thời gian qua, lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu", một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho biết.

Do nhu cầu tiêu thụ mạnh, lợi nhuận cao, dễ vận chuyển nên các đối tượng thường tìm mọi thủ đoạn để nhập lậu thuốc lá qua biên giới. Phương thức, thủ đoạn có điểm mới so với trước là không tập kết hàng tại một điểm nhất định mà nhanh chóng chuyển sang phương tiện khác để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ, điểm trung chuyển cũng được thay đổi thường xuyên.

Đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu thường là cư dân biên giới thông thạo địa bàn, dưới sự điều hành của một số đầu nậu, sử dụng nhiều loại phương tiện để thực hiện hành vi buôn lậu, từ vận chuyển bằng xe máy, xuồng gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao, vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần từ biên giới Campuchia qua các đường mòn cánh gà cửa khẩu, qua đồng ruộng, kênh rạch và cả tuyến quốc lộ.

Số lượng lớn đường cát tinh luyện không giấy tờ bị cơ quan chức năng tỉnh An Giang thu giữ

Tại tỉnh Đồng Tháp, lực lượng công an tỉnh cho rằng, hàng lậu được chuyển qua sông biên giới bằng xuồng máy (có lúc qua sông biên giới hoặc đi vào nội đồng phía Việt Nam); họ thực hiện rất nhanh và không theo quy luật; trên bờ sông có người chờ sẵn, đưa hàng lên xe gắn máy và chạy nhanh vào nội địa. Trên đường bộ thì sử dụng xe gắn máy, xe khách, xe tải chở nhỏ lẻ hàng lậu vào nội địa. Riêng mặt hàng đường kết tinh, thuốc lá ngoại, họ sử dụng xe gắn máy vận chuyển với tốc độ cao từ biên giới về TP.Hồng Ngự.

Trước và trong khi vận chuyển hàng lậu, các đối tượng luôn cảnh giới, cho người theo sát các lực lượng chống buôn lậu, cản trở khi bị bắt giữ. Phần lớn các vụ vận chuyển thuốc lá lậu bị phát hiện, các đối tượng vận chuyển đều bỏ lại hàng chạy thoát thân. Đáng chú ý, đã xuất hiện thủ đoạn mới, cất giấu thuốc lá rất tinh vi khi vận chuyển, như: giả danh người đi du lịch, giao hàng... để vận chuyển hàng lậu.

Ngoài phương thức, thủ đoạn mới trên, các đối tượng vận chuyển hàng cấm còn cử người cảnh giới, dò đường từ xa. Khi phát hiện lực lượng chức năng, chúng dùng điện thoại để thông báo cho nhau nhằm né tránh, sử dụng mô tô thay đổi đặc tính, điều khiển xe chạy với tốc độ cao tránh sự rượt đuổi của lực lượng chức năng, hoặc dùng ôtô con, ôtô tải ngụy trang chở hàng cấm.

Chỉ tính riêng lực lượng Công an, Hải quan Đồng Tháp đã phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ buôn lậu, vận chuyển, chứa trữ thuốc lá nhập lậu trong 6 tháng qua. Trong đó, lực lượng Công an bắt và xử lý 111 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với 25 đối tượng, thu giữ hàng hóa trị giá ước tính gần 1,2 tỷ đồng; lực lượng Hải quan phát hiện trên 50 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa gần 2 tỷ đồng...

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp thu số lượng lớn thuốc lá lậu

Tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mặc dù được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thường chỉ bắt giữ được tang vật, các cửu vạn thì tìm mọi cách thoát thân. Riêng các đối tượng chủ mưu thì lợi dụng tình trạng không có việc làm của cư dân biên giới để lôi kéo, mua chuộc họ vào đường dây buôn lậu và thường điều khiển từ xa. Địa bàn biên giới dài, rộng, nhiều đường mòn lối mở; biên giới biển tiếp giáp nhiều nước cũng là điều kiện thuận lợi để buôn lậu hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã phát hiện, bắt giữ 168 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, khởi tố 8 vụ với 8 đối tượng. Trong đó, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 95 vụ, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,4 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 51 vụ, thu nộp ngân sách gần 700 triệu đồng, khởi tố 5 vụ, 5 đối tượng và đang điều tra xử lý 42 vụ, 3 đối tượng.

Chỉ riêng trong tháng 7, lực lượng chức năng tỉnh này đã bắt giữ trên 15.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu và nhiều tang vật khác. Đối với mặt hàng thuốc lá lậu, ngoài việc sử dụng các thủ đoạn như chia nhỏ, sẵn sàng chống trả, giành giật khi bị bắt giữ, các đối tượng còn đưa thuốc lá lậu từ biên giới Hà Tiên ra đảo Phú Quốc bằng thủ đoạn dùng thùng xốp chứa thuốc lá lậu dán kín, không ghi thông tin người nhận, gửi theo tàu hàng, phà, tàu cao tốc và chỉ liên lạc từ xa để giám sát và lấy hàng khi thấy an toàn.

Những kho đường lậu ở vùng biên

Ngoài buôn lậu thuốc lá, đường cát là mặt hàng mà con buôn vận chuyển vượt biên. Đặc biệt, từ khi Thông tư số 23/2019/TT-BCT ngày 13-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN, theo đó những trường hợp nhập khẩu có C/O mẫu D sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 5%. Tại một số cửa khẩu đã phát sinh hoạt động nhập khẩu mặt hàng này, đồng thời phát sinh hiện tượng đối tượng buôn lậu sử dụng bộ hồ sơ hải quan của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát của Campuchia để đối phó khi các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.

Một đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu trên xe khách tuyến Hà Tiên - Rạch Giá bị bắt giữ

Công an TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra, phát hiện bắt quả tang tại chỗ ở của ông Nguyễn Lê Vĩnh Nghi (SN 1976, ngụ tại phường An Thạnh, TP.Hồng Ngự có tàng trữ 46 bao đường cát nhập lậu (khoảng 2,5 tấn). Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, do chênh lệch giá giữa hai nước nên đường kết tinh được các đối tượng buôn lậu tìm cách vận chuyển qua biên giới. Dọc tuyến biên giới phía Campuchia, các điểm chứa hàng lậu vẫn duy trì hoạt động, chờ cơ hội thuận tiện vận chuyển trái phép vào Việt Nam.

Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp kiểm tra căn trại hoang (tuyến đường nội đồng khu vực Nam Hang thuộc tổ 39, ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) đã phát hiện và tạm giữ 1.400kg đường kết tinh. Số đường trên có nguồn gốc từ Thái Lan, được để bên trong căn trại hoang, không có người trông giữ, quản lý. Tổ công tác đã tiến hành truy xét nhanh tìm chủ sở hữu nhưng không có ai đến nhận.

Ông Khải thừa nhận số lượng đường không có giấy tờ chứng minh
Hàng chục tấn đường tinh luyện nghi nhập lậu tại nhà ông Khải

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 2, tiến hành làm việc với ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty TNHH Chiêu Dương để làm rõ nguồn gốc hợp pháp đối với hơn 43 tấn đường cát và 90 thùng nhang trừ muỗi, vừa bị 2 cơ quan này kiểm tra bắt giữ tại một kho hàng ở phường Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá.

Trước đó vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 22-7, Đội Quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục quản lý thị trường Kiên Giang) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra kho hàng tại số F5-39-42 (đường Lê Chân, phường Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) của Công ty TNHH Chiêu Dương do ông Nguyễn Văn Khải làm Giám đốc. Lực lượng chức năng phát hiện có 865 bao đường cát tinh luyện, trên bao bì in nhãn hiệu Ktis More than sugar và Than Daung OO với tổng trọng lượng 43,25 tấn; 90 thùng (540 hộp) nhang trừ muỗi (trên hộp in nhãn hiệu Ranger). Tại thời điểm kiểm tra, phía Công ty TNHH Chiêu Dương không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên nên lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Khải thừa nhận, trong số 865 bao đường cát bị tạm giữ nói trên có 485 bao (nhãn hiệu Ktis More than sugar, xuất xứ Thái Lan) và 90 thùng nhang trừ muỗi (xuất xứ Thái Lan) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp (mua bán hàng hóa nhập lậu). Còn lại 380 bao đường cát nhãn hiệu Than Daung OO (xuất xứ Myanmar), có hóa đơn chứng từ nhưng chưa xuất trình kịp tại buổi làm việc. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh làm rõ nguồn gốc 380 bao đường cát còn lại. Đồng thời, tiến hành các thủ tục liên quan để xử lý nghiêm hành vi sai phạm của Công ty TNHH Chiêu Dương và những người có liên quan theo quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang