Địa ốc Alibaba lừa đảo, chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 nạn nhân:

Kỳ 1: "Ông trùm" Nguyễn Thái Luyện dùng thủ đoạn gì để lừa khách hàng?

Thứ Hai, 12/12/2022 17:49

|

(CATP) Vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền" xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đang được TAND TPHCM xét xử, trong đó bị cáo Nguyễn Thái Luyện được xác định có vai trò cầm đầu tổ chức, cùng 22 đồng phạm. Ra tòa, "ông trùm" Nguyễn Thái Luyện vẫn cho rằng "không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai". Song thực tế, hàng ngàn khách hàng là nạn nhân của Luyện và đồng phạm đang lâm vào cảnh "tiền mất tật mang", thậm chí gia đình xào xáo vì nợ nần, trắng tay…

Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền, hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng... Đây là một trong những thủ đoạn mà Nguyễn Thái Luyện cùng những nhân viên dưới quyền đã áp dụng, nhằm đưa các nhà đầu tư sa vào "bẫy".

Vẫn lòng vòng chối tội

Những ngày qua, Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin, phản ánh diễn biến phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (viết tắt là Alibaba). Tuy nhiên, Nguyễn Thái Luyện là bị cáo có vai trò cầm đầu, tổ chức, vẫn khăng khăng cho rằng mình "không lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đứng trước vành móng ngựa, "ông trùm" Luyện không hề ăn năn hối cải về những hành vi kéo dài của chính bản thân bị cáo này cùng các đồng phạm. Vụ lừa đảo đã đẩy hàng ngàn gia đình là nạn nhân trong vụ án phải lâm vào hoàn cảnh "tán gia bại sản" chỉ vì tin vào những lời quảng cáo, rao bán "đường mật" sai sự thật của Alibaba.

Đến tham dự phiên tòa, nhiều nạn nhân đã bật khóc vì uất ức, có người cố nén cay đắng vì hoàn cảnh gia đình, anh em mâu thẫn lẫn nhau vì lỡ mua những nền đất "ảo" của Alibaba mà giờ này tán gia bại sản. Họ đến tòa với mong muốn trả lại sự công bằng, đạo lý. Chỉ vì tin lời Alibaba, tin vào lời rao bán những "đô thị ảo", những "dự án ma" mà giờ lâm cảnh trắng tay.

Càng uất nghẹn hơn khi nghe chính lời "ông trùm" lừa đảo Nguyễn Thái Luyện, đứng trước tòa vẫn một mực cho rằng "mình trong sạch, chỉ là giao dịch dân sự". Các nạn nhân chỉ còn biết trông chờ vào luật pháp nghiêm minh, tòa án phân xử để trả lại sự công bằng. Những kẻ phạm tội nhưng vẫn trân tráo trước luật pháp, bất chấp chà đạp lên hàng ngàn nỗi đau của nạn nhân cần phải trả giá và nghiêm trị thích đáng.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện với vai trò cầm đầu, tổ chức lừa đảo

Bị cáo Luyện nại ra rằng mình áp dụng quy định này, điều luật nọ, từ khi bị tạm giữ để phục vụ điều tra cho đến ra trước tòa án xét xử những ngày qua... Song Luyện vẫn chưa thấy chính những hành vi của bản thân đã kéo theo biết bao người thân trong gia đình vướng vào lao lý. Luyện còn cho rằng "toàn bộ bản cáo trạng truy tố mình là không đúng, bị oan", vậy những hành vi của Luyện đã làm gì, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thế nào?

Thủ đoạn lừa đảo của địa ốc Alibaba

Alibaba vào ngày 05-5-2016 đặt trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ (P15, Q.Bình Thạnh, TPHCM) có vốn điều lệ đăng ký 1 tỷ đồng, thay đổi lần thứ 3 ngày 26-9-2017 với số vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỷ đồng (tăng vốn chỉ trên giấy tờ) do Nguyễn Thái Lĩnh làm Giám đốc. Các cổ đông gồm: Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) giữ 49,5%; Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO), điều hành tất cả các hoạt động của công ty giữ 1%; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) giữ 49,5%.

Phục vụ cho việc kinh doanh của Alibaba có 22 công ty trực thuộc, hoạt động ở các lĩnh vực bất động sản, truyền thông, vận tải... đứng tên Giám đốc các công ty là những người thân trong gia đình của Luyện, đó là em, vợ và một số thân nhân khác.

Theo đó, Alibaba có phần vốn góp vào hầu hết các công ty, như Công ty Alibaba Law Firm, Công ty vận tải Alibaba, Công ty Tia Chớp... Cá nhân Luyện đứng tên Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Ali; Võ Thị Thanh Mai đứng tên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Alibaba Law Firm và Công ty TNHH xây dựng Maluna; Nguyễn Thái Lực đứng tên Tổng Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thương mại địa ốc Xanh, Công ty địa ốc Long Thành Ali và có phần góp vốn trong đa số các công ty.

Các công ty còn lại do các cá nhân khác trong hệ thống Alibaba đứng tên giám đốc, đại diện pháp luật. Cơ quan CSĐT xác định, các pháp nhân này được Luyện thành lập dùng làm phương tiện cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Luyện và các đồng phạm. Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các "dự án" do bị cáo này tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân, cụ thể:

Bước 1: Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất nêu trên lập Hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ "dự án" không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện (tất cả các dự án đều không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất, không thực hiện các thủ tục theo quy định Pháp luật về việc thành lập dự án).

Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các Dự án (tự vẽ, không có thật) trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa từ 100m2 đến dưới 400m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm.

Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Alibaba, để Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản mà đồng ý mua.

Bước 5: sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký Hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng Quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Các bị cáo vụ án Alibaba tại tòa

Chiêu dụ khách hàng sập bẫy

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, bị cáo Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền, hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy CNQSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các Hợp đồng quyền chọn hoặc Phụ lục hợp đồng kèm theo.

Thực tế, toàn bộ các "dự án" đều do Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Alibaba quảng cáo, thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất. Việc đưa ra quyền chọn hoặc các Phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các "dự án".

Ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như nêu trên, Alibaba cùng 22 pháp nhân trực thuộc không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác. Toàn bộ 22 pháp nhân trực thuộc cùng chi nhánh đều không có hoạt động kê khai, báo cáo, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chỉ khai báo nộp thuế môn bài, đều do hệ thống nhân viên Alibaba đứng tên, vận hành, dưới sự chỉ đạo của Luyện, không phát sinh doanh thu độc lập. Các con dấu pháp nhân, chi nhánh và hồ sơ đăng ký kinh doanh do một mình Võ Thị Thanh Mai, là vợ Luyện, trực tiếp quản lý, chỉ giao cho Trang Chí Linh mỗi khi sử dụng.

Bản chính các Giấy CNQSDĐ sau khi hoàn tất nhận chuyển nhượng, sang tên từ chủ đất nông nghiệp, toàn bộ đều do Mai trực tiếp quản lý, chỉ giao cho Linh mỗi khi sử dụng, chủ yếu để giới thiệu cho khách hàng tin là Alibaba có nguồn đất hợp pháp, đúng mục đích sử dụng theo nội dung quảng cáo, mà ký kết Hợp đồng thoả thuận, chuyển nhượng.

Ngoài ra, để tăng thêm sự tin tưởng về quy mô Alibaba và thu hút khách hàng nộp tiền, Luyện tổ chức, ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Mắt Bão để lập tên miền www.Tapdoandiaocalibaba.com, thuê dịch vụ máy chủ, đăng tin quảng cáo gian dối về các Dự án bất động sản không có thật. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã thu giữ được toàn bộ thông tin đăng tải sai sự thật, quảng cáo gian dối từ trang web www.Tapdoandiaocalibaba.com. Hơn nữa, Luyện còn chỉ đạo lập các tài khoản gồm: tài khoản YouTube có tên: "Thời sự Ali24h"; fanpage có tên là "Địa ốc Alibaba"; trên mạng xã hội Facebook và các website: www.diaocalibaba.com, www.diaocalibaba.vn... cũng với mục đích quảng cáo gian dối về các dự án không có thật, tuyên truyền về tính quy mô trong hoạt động, kinh doanh của Alibaba, để khách hàng tin tưởng đầu tư.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang