Mở nhiều pháp nhân để lên sàn
Bị can Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều là em gái của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Trong đó Huế đang sở hữu 1,2 triệu cổ phiếu ROS (chiếm 0,21% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) trị giá khoảng 8,8 tỉ đồng. Ngoài ra, bị can này cũng sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán BOS (mã ART) - một trong những công ty thuộc hệ sinh thái FLC với tổng giá trị khoảng 14,5 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để tổ chức mua đi bán lại nhiều lần các mã cổ phiếu thuộc họ FLC.
Trong 28 phiên giao dịch cuối năm 2021, nhóm Trịnh Văn Quyết đã "làm xiếc" để đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu tăng tới 64% và dừng lại ở mức giá 24.050 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau khi làm giá cổ phiếu thành công, tỉ phú Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.
Trịnh Văn Quyết
Được biết, khi cổ phiếu FLC chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 10-2011 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 170 tỷ đồng nhưng chỉ sau khoảng chục năm, tập đoàn này đã có tới 15 công ty con, 2 công ty liên kết do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT.
Chỉ riêng hệ sinh thái của FLC đang niêm yết trên sàn chứng khoán liên quan đến Quyết đã có các mã chứng khoán như: FLC, HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), ROS (Xây dựng FLC Faros), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS), GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) và FLC cũng là cái tên đại diện cho chủ hàng trăm dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam.
Trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, FLC vẫn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho hàng trăm dự án... và đa phần đến nay rất nhiều các dự án vẫn chỉ là các bãi đất trống như dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long" (TP.Thanh Hóa), được khởi công từ năm 2015, có quy mô diện tích trên 286ha, với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng; dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại khu vực bãi Tiền Phong và bãi Hải Đồn, Bãi Lữ thuộc xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc". Diện tích khảo sát, quy hoạch trên 600ha, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh so với trước, dự tính hơn 12.000 tỷ đồng...
Dự kiến, dự án này sẽ đưa vào hoạt động sau 2 năm triển khai xây dựng nhưng từ khi có mặt trên giấy từ năm 2017 đến nay, dự án mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, nghiên cứu khiến người dân tại địa phương hết sức bức xúc. Dư luận đang cho rằng, "chẳng chóng thì chầy" rất có thể sau 2 bà Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, sẽ có rất nhiều cái tên là những cán bộ trong bộ sậu của Trịnh Văn Quyết sẽ bị pháp luật đọc tên.
Có công giúp anh em đi... bóc lịch
Tương tự như vụ án FLC, Công ty Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành - cũng khiến hàng loạt người thân bị sa vào vòng lao lý. Đó là những người rất thân cận với Luyện như bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) cùng Huỳnh Thị Kim Thắng (nguyên kế toán trưởng Công ty Địa ốc Alibaba)... và hàng loạt nhân viên.
Được thành lập năm 2016 với ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản, Nguyễn Thái Luyện cùng Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (là anh em ruột) với tâm lý muốn giàu nhanh đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba và giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Tại những thửa đất nông nghiệp đã mua, hệ thống của Luyện và đồng bọn đã tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra những thông tin không có thật, như loan tin đây là dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng, mặc dù trên thực tế tất cả dự án do Công ty Địa ốc Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở như thông tin quảng cáo.
Ba anh em trong nhà Luyện cùng sa lưới pháp luật
Để tạo lòng tin, Luyện không ngừng mở rộng quy mô công ty, nhân lực của doanh nghiệp này có lúc đã lên tới 2.600 người đồng thời sử dụng thủ đoạn đưa ra các chính sách đầu tư hấp dẫn như cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng để tạo lòng tin và thu hút khách hàng. Kết quả là sau ít năm tồn tại, tính đến ngày 30-6-2019, Công ty Địa ốc Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.650 tỷ đồng.
Có thể thấy trong 2 vụ án trên là những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng để "lùa gà” không quá tinh vi và rất dễ bị các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhìn nhận, bắt bài để không bị rơi vào bẫy. Tuy nhiên, điều lạ là trong suốt thời gian dài các cơ quan quản lý trực tiếp như Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vẫn cứ... "bình chân như vại".
Được biết, trước khi "sa lưới" tháng 11-2017, ông Quyết đã bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin. Trong đó, các giao dịch của chủ tịch FLC được thực hiện từ ngày 20 đến 24-10-2017 khi giá FLC dao động trong khoảng 7.100-7.700 đồng/CP, ông Quyết đã bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC ước tính mang về cho ông Quyết trên 400 tỷ đồng. Sau giao dịch trên, FLC đã giảm nhanh về vùng 5.700 đồng/cổ phiếu. Sự việc bị vỡ lở, Quyết chỉ bị phạt như... "gãi ghẻ”.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".