(CAO) Ngày 8/7, Cục QLTT Tiền Giang cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ việc 2 cơ sở kinh doanh sách giáo khoa, vở các loại có dấu hiệu giả mạo hàng hóa và nhãn hiệu hàng hóa để xử lý.
Thời gian qua, công tác đấu tranh chống in lậu và tiêu thụ xuất bản phẩm giả được các lực lượng chức năng phối hợp triển khai thực hiện thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Liên quan đến nội dung Công văn số 277/NXBGDHCM-InPH ngày 10/6 của Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM (hoạt động theo ủy quyền cùa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) về việc phối hợp ngăn ngừa sách giả trên thị trường.
Ngày 27/6, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6-Cục QLTT Tiền Giang chủ trì đã tiến hành kiểm tra 02 hộ kinh doanh gồm nhà sách trên đường Đống Đa, P4, TP.Mỹ Tho và hộ kinh doanh trên đường Huỳnh Tịnh Của, P7, TP.Mỹ Tho.
Qua kiểm tra, Đoàn đã tạm giữ lần lượt tại nhà sách 200 quyển, hộ kinh doanh 1.408 quyển sách giáo khoa, vở các loại có dấu hiệu giả mạo hàng hóa và nhãn hiệu hàng hóa. Để có căn cứ xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật, Đội QLTT số 6 đã có văn bản đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định thông tin liên quan đến vụ việc và cung câp giấy tờ, hồ sơ kèm theo nhằm làm rõ số hàng hóa trên có phải là hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hay không.
Ngày 2/7, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có công văn số 1346/NXB GDVN khẳng định, “căn cứ theo danh mục tại bảng kê chi tiết hàng hóa tạm giữ tại hộ kinh doanh và nhà sách, qua kiểm tra, xem xét, đối chiếu toàn bộ 40 xuất bản phẩm được Đội QLTT số 6 cung cấp, NXB GDVN khẳng định toàn bộ số xuất bản phẩm này đều là xuất bản phẩm giả”.
Cụ thể, giả mạo nhãn hàng hóa của NXB GDVN (hàng hóa có nhãn hàng hóa giả mạo về nơi sản xuất- giả mạo tên, địa chỉ đơn vị in); giả mạo nhãn hiệu của NXB GDVN (hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu).