Những chuyển biến đáng mừng
Theo đánh giá của các chuyên gia về BĐS, những chuyển biến từ thị trường BĐS những tháng gần đây và tăng trưởng tín dụng BĐS đã phản ánh phần nào các yếu tố tác động thời gian tới trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Có thể nói, trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường BĐS sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành, lĩnh vực khác; trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
Tín dụng BĐS trên địa bàn TPHCM, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Tháng 3/2024, tín dụng BĐS tăng 0,96%; tháng 4/2024 tăng 1,15%, tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng 1,15% và đạt mức dư nợ 992,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng BĐS trên địa bàn TPHCM. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm). Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng BĐS mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường BĐS và tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy phát triển thị trường BĐS TPHCM
Bên cạnh đó, tín dụng BĐS để phát triển hạ tầng khu chế xuất - khu công nghiệp; văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác. Theo đó, tín dụng khu chế xuất - khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023. Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng BĐS, song tín dụng tăng đã phản ánh xu hướng phát triển và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế.
Ở góc độ quản lý, với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách, như lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội; Luật Đất đai; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Những chuyển biến tích cực trên sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường BĐS duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Hy vọng và kỳ vọng
Theo đó, triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS mới ban hành và dự kiến thi hành từ ngày 01/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đây), đã là sự hy vọng và kỳ vọng cho mọi người dân. Bởi thời gian vừa qua, ngành BĐS đã suy giảm nặng nề, dòng sản phẩm BĐS trung, cao cấp tại TPHCM hoạt động "yếu" nhất kể từ năm 2019 đến nay, với lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ sụt giảm liên tiếp.
Ngoài ra, nguồn cung sơ cấp năm 2023 giảm tới 40% so với năm trước, thấp nhất trong 5 năm qua và chủ yếu đến từ "hàng tồn kho" giá cao. Trong khi đó, nguồn cầu có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh, thành lân cận do giá bán đắt đỏ tại TPHCM và các nhà đầu tư đã có tâm lý thận trọng hơn khi ra quyết định đầu tư.
Thành phố văn minh, sạch đẹp
Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách năm 2023 cho biết, số thu tiền sử dụng đất TPHCM không đạt dự toán, giảm thu tiền sử dụng đất. Nguyên nhân do thị trường BĐS vẫn chưa phục hồi, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc duyệt dự án đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Bên cạnh đó, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, công tác chuẩn bị đầu tư chưa chủ động... Việc phục hồi ngành BĐS là cần thiết để tạo ra bộ mặt mới khang trang hơn cho đô thị thành phố và tăng thu ngân sách. Từ đó, làm cơ sở để phục hồi sự phát triển của các ngành liên quan như: xây dựng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, ciment, sắt thép...
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân hết sức vui mừng khi Quốc hội đã thông quan 3 Luật sửa đổi liên quan đến thị trường BĐS như nêu trên. Việc thực thi các Luật mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn" về cơ chế, pháp lý cho doanh nghiệp và khuyến khích sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn. Đồng thời, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ xóa bỏ tình trạng hai giá, làm cơ sở hợp lý cho việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá BĐS, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án...
Do vậy, những kiến nghị gửi đến UBND TPHCM là cần nhanh chóng triển khai 3 Luật nêu trên, tạo điều kiện cho thị trường hồi phục nhanh chóng, tháo gỡ các ách tắc, giải phóng sức sản xuất và tạo việc làm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15, TPHCM ban hành các cơ chế đặc thù, các chính sách mới, có tính đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Hy vọng và kỳ vọng cụ thể đó là giải quyết dứt điểm các công trình, dự án dở dang đã có đủ điều kiện đầu tư, mở bán; các công trình hoàn thành trên 70% tiến độ. Việc xử lý công trình dở dang ngoài việc giúp nhà đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn, còn góp phần chỉnh trang đô thị, giúp Thành phố khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Ngoài ra, Thành phố cần nhanh chóng quy hoạch, có chính sách ưu tiên xây dựng các dự án phát triển khu dân cư, xây dựng khu nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, nhà ở xã hội...