(CAO) Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật...
Ngày 18/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (sau đây gọi là dự án Luật).
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, trách nhiệm, khẩn trương, khách quan trong việc thẩm tra dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, trong đó chú ý một số vấn đề cụ thể sau:
Bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương;
Rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện nội dung điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật;
Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục;
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp lần thứ 34, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm;
Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 01/8/2024 khi Luật được Quốc hội thông qua; chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.
Giao Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất phương án điều chỉnh Chương trình kỳ họp thứ 7 phù hợp, bảo đảm đủ thời gian để tiến hành thẩm tra và cùng với các cơ quan của Chính phủ tiếp thu hợp lý, giải trình thỏa đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội, bảo đảm công tác rà soát kỹ thuật và chỉnh lý dự thảo Luật. Đưa nội dung giao nhiệm vụ và trách nhiệm cho Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương về các luật này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 7.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, đề nghị Chính phủ khẩn trương có báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án hoàn thiện dự thảo Luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.