Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ‘không nhớ đã đòi hỏi Việt Á đưa tiền’

Thứ Tư, 03/01/2024 20:35

|

(CAO) Sau khi được Tòa cho đối chất với bị cáo Nguyễn Huỳnh, bị cáo Nguyễn Thanh Long cho rằng bị cáo không nhớ đã nói những gì với Huỳnh và không nhớ là đã đòi hỏi Việt đưa tiền. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai lầm của bị cáo.

Chiều 3/1, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á chuyển sang phần xét hỏi. Trước khi tiến hành thẩm vấn các bị cáo, Hội đồng xét xử đã quyết định cho cách ly 3 bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ), Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng).

Nâng giá bán "khủng", rồi chi hoa hồng bán kit test tới 40%

Bị cáo đầu tiên bị Hội đồng xét xử thẩm vấn là Phan Quốc Việt (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á-Công ty Việt Á).

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Việt khai khi triển khai Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm, bộ kit test của Công ty Việt Á ưu việt hơn so với bộ kit test của Học viện Quân y nên đã quyết định chọn bộ kit test của Công ty Việt Á để nghiệm thu đề tài.

Quá trình thực hiện, Việt đã trực tiếp và chỉ đạo nhân viên đưa hối lộ cho nhiều cán bộ, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ... để đồng ý cho Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài; thông đồng, tạo điều kiện cho Công ty được cấp số đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm, sản xuất, bán thương mại kit test trên phạm vi cả nước...

Theo cáo trạng, một kit test của Việt Á chỉ có giá 143.000 đồng, gồm tất cả chi phí kèm theo 5% lợi nhuận. Tuy vậy, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận bán với giá cao hơn nhiều, lên mức 470.000 đồng/test. Với mức lợi nhuận cao này, Việt đã trích lại cho các đại lý bán với mức hoa hồng lên tới 40% giá trị kit test xét nghiệm (như đối với Công ty Giang San).

Để được chấp nhận giá bán 470.000 đồng/test này, Việt đã đưa tiền cho nhiều cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ... để nhận được sự hậu thuẫn cho mức giá này.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) biết hồ sơ Hiệp thương giá kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á chưa đầy đủ theo quy định nhưng không kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chi phí cấu thành giá, làm căn cứ tính giá, mà báo cáo Nguyễn Thanh Long và quyết định, thống nhất hiệp thương với giá 470.000 đồng/test.

Bị cáo Nguyễn Thanh Long tại toà. Ảnh: Gia Khánh

Ngoài việc chịu sự tác động, chỉ đạo của Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Nam Liên còn nhận của Phan Quốc Việt 100.000 USD để giúp Việt Á, trong đó có việc chậm kiểm tra giá hiệp thương và đề xuất Bộ Y tế thanh toán 200.000 kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á theo giá hiệp thương.

Mặt khác, khi làm Trưởng đoàn kiểm tra giá Hiệp thương, Liên biết Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất nhưng không tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý dẫn đến Bộ Y tế công bố giá kit test xét nghiệm đã được Việt Á nâng khống lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá để Công ty này tiêu thụ kit test xét nghiệm trái phép, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước 402 tỷ đồng.

Cựu lãnh đạo Bộ KH-CN "hết lòng" nâng đỡ Việt Á

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) thừa nhận những nội dung cáo trạng truy tố bị cáo là xác đáng. Bị cáo thừa nhận đã cầm của Việt 200.000 USD và cho rằng đây là bài học đau xót của bị cáo.

Trong vụ án này, bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) biết rõ Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm thuộc quyền sở hữu Nhà nước nhưng khi Trịnh Thanh Hùng tham mưu, vẫn ký các Quyết định giao Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu Đề tài.

Còn Phạm Công Tạc đã ký Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài trái quy định, dẫn đến Công ty Việt Á sử dụng biên bản nghiệm thu, lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm trái quy định của pháp luật.

Mặt khác, Chu Ngọc Anh còn đề nghị khen thưởng cho Công ty Việt Á; đồng ý để Phạm Công Tạc chủ trì tổ chức họp báo, ra thông cáo báo chí, hỗ trợ truyền thông về kết quả nghiên cứu và cấp số lưu hành kit test xét nghiệm; quảng bá, đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho Công ty Việt Á, tạo điều kiện để Công ty biến kit test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, gây thất thoát 18,98 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước.

Cựu Bộ trưởng Y tế "không ưu ái riêng cho Việt Á và Phan Quốc Việt..."

Quay trở lại phòng xử sau khi bị cách ly, bị cáo Nguyễn Thanh Long cho rằng việc cấp phép và cấp phép tạm thời lúc đó là cần thiết vì muốn có nhiều sản phẩm để chống dịch, đã có 169 sản phẩm được cấp phép. Bị cáo khẳng định bản thân không ưu ái riêng cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt...

Sau 10 tháng cấp phép tạm thời cho Công ty Việt Á, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nhận tổng số 2.250.000 USD, trong đó Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) đưa cho bị cáo Long 2,2 triệu USD và Việt đưa 50.000 USD. Số tiền này đã được gia đình cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nộp lại toàn bộ để khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Trong phần trình bày của mình, bị cáo Long khẳng định bản thân không đòi hỏi hay vòi vĩnh, yêu cầu Công ty Việt Á đưa tiền. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh khai bị cáo Long đã 2 lần gợi ý Việt hỗ trợ, mỗi lần khoảng 1 triệu USD để lo công việc.

Sau khi được Tòa cho đối chất với bị cáo Huỳnh, bị cáo Nguyễn Thanh Long cho rằng bị cáo không nhớ đã nói những gì với Huỳnh và không nhớ là đã đòi hỏi Việt đưa tiền. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai lầm của bị cáo.

 
 38 bị cáo trong vụ án gồm những ai?

Trong vụ án này, 38 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Trong số đó, có 2 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ” gồm: Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (Việt vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 25 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật); Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (Hiệp cũng vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 6 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật).

Sáu bị cáo bị truy tố tội “nhận hối lộ” gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế-Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Hùng vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 15 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương).

Hai bị cáo: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ba bị cáo bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”: Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương), Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương).

Hai bị cáo: Phạm Tôn Noel Thảo (Trợ lý Khối tài chính, Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) bị truy tố về tội “đưa hối lộ."

Hai bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên SNB Holdings) cùng bị truy tố về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi."

21 bị cáo còn lại cùng bị truy tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Trần Thị Hồng, Lê Trung Nguyên, Trần Tiến Lực (cùng là nhân viên Công ty Việt Á), Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương), Nguyễn Thị Trang (cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính, Sở Tài chính Hải Dương), Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang), Ngụy Thị Hậu (cựu Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch, CDC Bắc Giang), Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Phan Anh-Bắc Giang), Phan Thị Khánh Vân (nghề nghiệp tự do), Vũ Văn Doanh (Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thăng Long), Tạ Ngọc Chức (Giám đốc Công ty thẩm định và đầu tư Toàn Cầu), Nguyễn Văn Định (cựu Giám đốc CDC Nghệ An), Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An), Hồ Công Hiếu (thẩm định viên Công ty Cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam, Chi nhánh Nghệ An), Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương), Tiêu Quốc Cường (cựu Kế toán trưởng, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế Bình Dương), Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên CDC Bình Dương), Trần Thanh Phong (Phó trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Bình Dương), Nguyễn Trường Giang (Tổng Giám đốc Công ty VNDAT), Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc dự án Công ty VNDAT), Ninh Văn Sinh (cựu Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thẩm định giá Trung Tín).

Hành vi sai phạm của các bị cáo:

Chuyển tài sản của Nhà nước sang công ty tư nhân

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, năm 2020, COVID-19 bùng phát nên Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phòng chống dịch. Sau đó, việc nghiên cứu kit test COVID-19 được giao Học viện Quân y chủ trì với kinh phí 18,9 tỷ đồng.

Do có mối quan hệ quen biết, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng tác động để Công ty Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y thực hiện đề tài này. 

Bị cáo Chu Ngọc Anh (khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) ký quyết định đồng ý việc này. Kết quả nghiên cứu này là tài sản của Nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện sở hữu nhưng bị cáo Chu Ngọc Anh đã cùng cấp dưới là Thứ trưởng Phạm Công Tạc để Công ty Việt Á mang đi đăng ký sở hữu.

Cơ quan tố tụng xác định khi làm những việc vi phạm pháp luật nhưng có lợi cho Việt Á, Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD còn Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD.

Do vậy, bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” còn Trịnh Thanh Hùng bị truy tố về tội “nhận hối lộ."

Giúp Việt Á sản xuất, bán kit xét nghiệm trái phép ra thị trường

Sai phạm tiếp theo xảy ra tại Bộ Y tế trong quá trình cấp phép lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Cáo trạng thể hiện Phan Quốc Việt dùng kết quả nghiên cứu cùng Học viện Quân y đi đăng ký tại Bộ Y tế, để Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán ra thị trường.

Khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) đã lợi dụng chức vụ, hướng dẫn Phan Quốc Việt soạn thảo các văn bản liên quan cấp phép; tác động đến người của Bộ Y tế để giúp Việt. Nhờ vậy, bị cáo Trịnh được Việt cảm ơn 200.000 USD và đã bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ."

Ngoài ra, một số bị cáo khi đó là lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Y tế cũng bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ, làm sai quy định giúp Công ty Việt Á được phép sản xuất kit xét nghiệm, bán thương mại, trong đó có bị cáo Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh nhận 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn nhận 300.000 USD; Nguyễn Nam Liên nhận 100.000 USD.

Vi phạm trong đấu thầu

Sai phạm còn lại là vi phạm trong đấu thầu xảy ra khi Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm với giá cao cho nhiều cơ quan trên địa bàn cả nước. Quá trình này, Phan Quốc Việt cũng hối lộ hàng loạt bị cáo là những người có thẩm quyền.

Cáo trạng nêu rõ, một kit xét nghiệm của Việt Á chỉ có giá 143.000 đồng, gồm tất cả chi phí kèm theo 5% lợi nhuận. Tuy nhiên, Phan Quốc Việt bán với giá cao hơn nhiều, như tại Hải Dương là 470.000 đồng.

Tổng cộng, có hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm được Công ty Việt Á bán ra, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho Nhà nước 402 tỷ đồng. Trong số 402 tỷ đồng thiệt hại này, có 222 tỷ đồng do CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương gây ra trong quá trình mua, tiêu thụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Còn 15 tỉnh, thành khác gây thiệt hại 180 tỷ đồng.

Sai phạm trong quá trình mua bán kit xét nghiệm

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát cáo buộc 2 bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty SNB Holdings) đã lợi dụng ảnh hưởng của mình với “người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước," yêu cầu Công ty Capital (của Singapore) mua số kit xét nghiệm trị giá 1 triệu USD (23,5 tỷ đồng) từ Việt Á để tặng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dùng cho phòng, chống dịch.

Từ việc này, Phan Quốc Việt đã chi 40% “hoa hồng” cho Thủy và Linh, tương đương hơn 8 tỷ đồng. Viện Kiểm sát đã truy tố Thủy và Linh về cùng tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi."

Xét xử hai cựu Bộ trưởng cùng ông chủ Việt Á trong vụ án kit test Covid-19
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang