Quảng Trị:

Đảo lộn đất, sổ đỏ của dân sau khi bồi thường

Chủ Nhật, 04/09/2016 07:35

|

(CAO) Nhiều hộ dân ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đem sổ đỏ đi giao dịch thì tá hỏa biết đất bị thiếu hụt, phải nộp lại nhiều tiền, được vận động, thỏa thuận nộp tiền mới điều chỉnh sổ đỏ…

Tranh chấp đất, vợ chồng con trai đánh bố chấn thương sọ não

“Chế biến” đủ kiểu trên sổ đỏ, đất đai

Qua đường dây nóng, PV Báo CATP.HCM nhận được phản ánh của nhiều hộ dân ở huyện Hải Lăng về những lùm xùm, khuất tất trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường cho người dân tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ (QL) 1A. Năm 2014, anh Lê Phước Long (SN 1977, trú thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng) có khu đất 1.930m2 (có 200m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây hàng năm) bị thu hồi 398m2 (có 57m2 đất ở), được bồi thường, hỗ trợ 272.328.000 đồng (1m2 đất ở được tính 1.260.000 đồng và 588.000 đồng/1m2 đất trồng cây hàng năm. Anh Long còn 1.532m2.

Điều đáng nói, anh Long đã có sổ đỏ nhưng khi UBND xã Hải Thượng và các cơ quan: Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Hải Lăng đưa vào diện chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Anh Long đem sổ đỏ đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn thì được hướng dẫn là đem đến cơ quan chức năng để điều chỉnh lại. “Gần 2 năm nay, tôi mất nhiều thời gian, công sức đến hỏi 2 cơ quan trên nhưng vẫn chưa được giải quyết, điều chỉnh. Bên này đổ lỗi cho bên kia và ngược lại khiến người dân như tôi khổ sở”, anh Long bức xúc.

Bà Bùi Thị Lạc (trái) và bà Đào Thị Hồng (phải) trình bày những sai sót của chính quyền và các cơ quan chức năng

Ngày 26-4-2016, Văn phòng đăng ký đất chi nhánh huyện xác nhận trên sổ đỏ của anh Long: nhà nước thu hồi 282m2 (có 57m2 đất ở và 225 đất trồng cây hàng năm khác). Diện tích còn lại 1.648m2. Thì ra ngày 19-4-2016, UBND tỉnh ra Quyết định (QĐ) “Điều chỉnh bồi thường, hỗ trợ về đất do áp giá nhầm” điều chỉnh diện tích thu hồi của anh Long từ 398m2 (có 57m2 đất ở) xuống còn 282m2 (có 17m2 đất ở). Số tiền thay đổi từ 272.328.000 đồng thành 245.448.000 đồng và anh Long phải trả lại 26.880.000 đồng. Văn phòng đăng ký đất đã xác nhận sai trên sổ đỏ của anh Long, không thực hiện theo QĐ điều chỉnh với 17m2 đất ở mà căn cứ theo QĐ cũ là 57m2 đất ở. Ngoài ra, trên sổ đỏ của anh Long thể hiện được cấp 1.930m2 nhưng trong các danh sách chi trả chỉ thể hiện 1.830m2 (thâm hụt 100m2).

Rắc rối hơn là trường hợp của ông Đào Xuân Hà (SN 1933) và bà Bùi Thị Lạc (SN 1961, cùng trú thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng). Ông Hà có thửa đất 2.098m2 (có 200m2 đất thổ cư) sử dụng từ năm 1977, được cấp sổ đỏ năm 2006 thuộc thửa 41/1, tờ bản đồ 12. Năm 2002, ông Hà bán cho bà Lạc 535m2 đất vườn, đến nay vẫn chưa tách thửa và bà Lạc vẫn chưa có sổ đỏ. Như vậy đất ông Hà và bà Lạc vẫn nằm trong diện tích 2.098m2, sổ đỏ do ông Hà đứng tên và trong tất cả các bản đồ đều thể hiện điều này. Tuy nhiên không hiểu vì sao chính quyền và các cơ quan chức năng lập danh sách xét duyệt, chi trả bồi thường cho bà Lạc lại “chế biến” ra được thửa đất 41/1 có diện tích 535m2 và ông Hà thuộc thửa 41 với diện tích 1.563m2.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị

Điều khó tin hơn nữa là bà Lạc bị thu hồi 178m2 đất (có 75m2 đất ở và 103m2 đất trồng cây hàng năm khác, được bồi thường 155.054.000 đồng. Trong khi ông Hà bị thu hồi 478m2 đất vườn cùng thửa đất có nhà ở, ngoài diện tích cấp giấy, được bồi thường 281.064.000 đồng. Như vậy 200m2 đất ở của ông Hà đã được tính sang đất của bà Lạc trong khi bà Lạc cũng thừa nhận thửa đất của mình chưa có sổ đỏ và hoàn toàn không có đất ở nhưng vẫn được bồi thường đất ở.

“Tôi không biết về việc mình được bồi thường đất ở mà do cán bộ đến lập danh sách. Mặc dù không hề có văn bản, quyết định nào nhưng sau đó cán bộ địa chính xã và của Hội đồng bồi thường huyện nói tôi phải trả lại 50 triệu đồng cho nhà nước. Nghĩ mình chưa có sổ đỏ, không có đất ở và khi nhà nước điều chỉnh thu hồi lại thì vui vẻ đem đi trả. Nhưng khi tôi làm đơn xin trả lại tiền và đem tiền đi trả thì cán bộ không nhận”, bà Lạc bày tỏ.

Thừa nhận sai sót và hứa điều chỉnh

Bà Đào Thị Hồng (SN 1967, trú thôn Đại An Khê, xã Hải Thương, là con gái ông Hà) bức xúc: “Gia đình tôi có sổ đỏ với 200m2 đất ở nhưng chỉ được tính tiền bồi thường đất vườn là thiệt thòi lớn. Và sau này chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì gia đình càng tốn kém. Gần 2 năm nay, bố con tôi đã hàng chục lần đến chính quyền và các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ sai sót và yêu cầu điều chỉnh nhưng chưa được. Lãnh đạo, cán bộ các bên đều đùn đẩy, đỗ lỗi cho nhau. Bố tôi tuổi cao, đang đau yếu không sống được lâu nữa nhưng ông rất trăn trở, để tâm chuyện này”.

Biên bản về việc điều chỉnh thu hồi, bồi thường hỗ trợ đất

Ngoài những rắc rối trên khiến người dân khổ sở, thiệt thòi thì hàng chục hộ dân khác bất bình trước việc điều chỉnh, thay đổi QĐ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ. Theo QĐ 817 ngày 19-4-2016 của UBND tỉnh Quảng Trị thì điều chỉnh phê duyệt kinh phí bồi thường cho 47 trường hợp từ hơn 4,9 tỷ đồng (theo QĐ 1641 ngày 11-8-2014 của UBND tỉnh) xuống còn hơn 3,7 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch, giảm hơn 1,2 tỷ đồng buộc người dân phải trả lại. Nhiều hộ đồng ý nhưng có không ít hộ bức xúc với QĐ này, tìm cách chây lì hoặc không còn tiền để trả lại. Các cán bộ các cơ quan chức năng nhiều lần đến từng nhà vận động, xin lại tiền nhưng mới chỉ thu được gần nửa, số còn lại rất khó khăn.

Điều nghiêm trọng là việc thu hồi lại hơn 1,2 tỷ đồng này được thực hiện trước khi có QĐ của UBND tỉnh. Như vậy, Hội đồng bồi thường của huyện đã hợp thức hóa việc thu lại tiền của người dân rồi mới kiến nghị tỉnh ra QĐ. Với câu hỏi số tiền thu lại để làm gì, ông Trương Nhất Linh – phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất kiêm phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường cho biết thu nộp ngân sách (!?)

Ông Trần Kim Quang – phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Hải Lăng cho biết, trường hợp sai sót của ông Lê Phước Long là do đơn vị chưa cập nhật QĐ “điều chỉnh bồi thường, hỗ trợ về đất do áp giá nhầm” của UBND tỉnh. Vì thế đơn vị sẽ điều chỉnh lại trên sổ đỏ của ông Long. Trường hợp xảy ra sai sót của ông Hà, bà Lạc là do xác nhận của UBND xã và Hội đồng bồi thường của huyện nên sẽ kiến nghị điều chỉnh lại cho phù hợp.

Ông Lê Ngọc Anh – Chủ tịch UBND xã Hải Thượng thừa nhận xã có sai sót trong việc lập danh sách, xác nhận bồi thường của các hộ dân. Việc làm này là do cán bộ địa chính Trần Kim Vinh thực hiện ban đầu. Xã sẽ mời các hộ dân họp bàn để giải quyết ổn thỏa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang