Vụ gây thất thoát 1.103 tỷ đồng tại SADECO:

Tề Trí Dũng khai chỉ biết mình sai phạm khi làm việc với CQĐT

Thứ Hai, 27/12/2021 23:13

|

(CAO) Ngày 27-12, TAND TPHCM đưa ra xét xử vụ tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Vụ án có 20 bị cáo bị truy tố về các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trong đó, ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM), Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy), Nguyễn Hữu Thành, Lê Hoàng Minh, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Trường Bảo Khánh, Trần Mạnh Khôi, Đoàn Minh Lý, Lâm Văn Tuấn, Phùng Đức Trí, Đoàn Thị Minh Trang, Lương Trí Cường bị Viện KSND TPHCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Các bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO), Đỗ Công Hiệp, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh, Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO) bị Viện KSND TPHCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và tội tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị Viện KSND TP.HCM truy tố tội tham ô tài sản.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Gần một ngày đầu, phần thủ tục, HĐXX cho biết một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có mặt. Trong đó, bị cáo Lương Trí Cường (cựu chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch IPC) có đơn xin xét xử vắng mặt do đang điều trị COIVID-19.

Sau khi VKS công bố 59 trang cáo trạng, vào phần xét hỏi, bị cáo Tề Trí Dũng được xác định là người cầm đầu xuyên suốt vụ việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần gây thất thoát 1.103 tỷ.

Tề Trí Dũng là người đầu tiên được xét hỏi, đã thừa nhận hành vi sai phạm như cáo buộc của VKS. Tuy nhiên bị cáo cho rằng tại thời điểm phát hành cổ phần nhằm tăng vốn công ty, không phải mua bán nên chỉ hiểu đơn thuần là vậy nên không thẩm định giá, đấu giá. Chỉ đến khi làm việc với CQĐT và ra tòa, ông mới thấu hiểu rằng đó là hành vi pháp luật không cho phép, là sai.

Bị cáo Tề Trí Dũng được dẫn giải đến toà

Nội dung cáo trạng thể hiện, SADECO là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá.

Theo Hội đồng định giá tài sản kết luận thời điểm tháng 1-2017, giá trị tài sản của Công ty SADECO là 3.245 tỷ đồng, giá trị các khoản nợ phải trả là 481 tỷ đồng. Thiệt hại của Công ty SADECO trong việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim được xác định là 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TPHCM là 485 tỷ đồng, vốn của Thành ủy TPHCM là 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Dũng khai đã đồng ý thực hiện các thủ tục trên là làm theo sự chỉ đạo của ông Cang. Trong khi ông Cang thì khai "đồng ý là do người đại diện vốn báo cáo không trung thực, che giấu việc lựa chọn Công ty Nguyễn Kim, không cung cấp đủ thông tin khi xin ý kiến Thành ủy”.

Ngày mai 28-12 tiếp tục phần xét hỏi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang