Hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng
Cục Thuế TPHCM cho biết, đồng hành cùng DN và người dân vượt khó khăn, trong năm 2024, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất thuộc diện được miễn, giảm khoảng 17.435 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã hỗ trợ DN với số tiền thuế được gia hạn trong năm 2024 ước tính khoảng 16.109 tỷ đồng.
Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý thuế trên địa bàn, sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được ban hành, Cục Thuế đã tham mưu UBND TP và các Bộ, ngành Trung ương trong việc tổng hợp ý kiến, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn nội dung liên quan đến chính sách miễn thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân đối với các đối tượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TPHCM...
Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế - Mai Xuân Thành - phát biểu tại hội nghị
Thời gian tới, Cục Thuế TPHCM sẽ triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP trong việc triển khai các biện pháp quản lý thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát với thực tế phát sinh.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND có chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho DN sớm triển khai dự án và đi vào hoạt động, từ đó huy động kịp thời các khoản thu từ đất; phối hợp có hiệu quả với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý thu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ, cá nhân và DN.
Cục Thuế tiếp tục triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, phát triển các kênh thông tin mới có hiệu quả và phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của người nộp thuế trên nền tảng số. Song song đó, ngành thuế chú trọng công tác tổ chức, tham gia hội nghị đối thoại trực tiếp giữa chính quyền thành phố, cơ quan thuế với cộng đồng DN, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn cho DN, nhà đầu tư, hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng DN, đặc biệt các DN hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.
Thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế và hiệu quả các biện pháp quản lý thuế trên địa bàn; triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch cải cách theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và UBND TPHCM. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính thuế, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; tiếp tục mở rộng việc cung cấp các dịch vụ thuế điện tử đối với DN, hộ, cá nhân kinh doanh.
Về biện pháp quản lý nguồn thu và quản lý kê khai, ngành thuế tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; tích hợp lưu trữ, khai thác dữ liệu kê khai thuế phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra; triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác chuẩn hóa, xác thực định danh chính xác thông tin giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với dữ liệu đăng ký thuế (Đề án 06), hỗ trợ triển khai hiệu quả các giải pháp trong công tác quản lý thuế trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế...
Cán bộ thuế hướng dẫn người nộp thuế
Chống thất thu thuế và quản lý nợ thuế
Cục Thuế TPHCM cho biết sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đối với tất cả các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra, thanh tra thuế... nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế; phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách Nhà nước; tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt bảo đảm thời hạn, tiến độ, trọng tâm là thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, DN có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn, tiếp tục thực hiện các chuyên đề chống thất thu, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác kê khai của người nộp thuế (kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế).
Theo đó, ngành thuế tập trung triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Đặc biệt tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng trong hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đối với hộ, cá nhân kinh doanh để tránh thất thu thuế. Qua đó, thuế giám sát dữ liệu hóa đơn điện tử, đảm bảo tất cả các mã số thuế đã xuất hiện cảnh báo đều sẽ được rà soát lại về tình hình kê khai, kịp thời phát hiện các trường hợp DN gian lận hóa đơn, có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp; phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế.
Về các biện pháp tăng cường đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, sẽ triển khai ứng dụng tự động hóa các khâu trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo kế hoạch của Tổng cục Thuế. Song song với các biện pháp về nghiệp vụ, Cục Thuế cũng chú trọng quản lý nội ngành; đặt trọng tâm công tác năm 2025 là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, tối ưu hóa các chức năng quản lý thuế nhằm phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế.
Cục Thuế khẳng định, kiểm tra kiến thức đối với công chức làm cơ sở để đánh giá chất lượng và bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, trình độ của công chức, tiếp tục triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định về kê khai tài sản, thu nhập, chú trọng các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thi hành công vụ.
Kết quả Cục Thuế đạt được năm 2024: tổng thu nội địa năm 2024 ước thu được 373.572 tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán năm, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đến ngày 30/11/2024, có 273.888 DN đang hoạt động, trong đó DN mới thành lập là 46.284; DN ngưng nghỉ, giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh là 27.999. Số lượng hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đang hoạt động là 251.596 hộ (trong đó hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế GTGT, thu nhập cá nhân là 167.547 hộ).