Xóa bỏ nạn khai thác hải sản bất hợp pháp: Cần sự đồng hành của ngư dân

Thứ Năm, 04/11/2021 22:09

|

(CATP) Tháng 10-2017, ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Bốn năm qua, các cơ quan chức năng nỗ lực với nhiều phương án gỡ "thẻ vàng". Thế nhưng đến bao giờ mới gỡ thẻ vàng IUU vẫn là thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam?

"NÓNG" Ở BIỂN TÂY NAM

So với các địa phương vùng ven biển, tỉnh Kiên Giang có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước. Tỉnh hiện có 9.880 tàu cá dài từ 6 m trở lên, chiếm gần 13% số tàu cá cả nước và hơn 40% tàu cá ở ĐBSCL. Trong đó, tàu khai thác hải sản 9.430 chiếc, dịch vụ hậu cần nghề cá 450 chiếc, khai thác xa bờ 3.992 chiếc. Tàu dài từ 15m trở lên có 3.990 chiếc, nhưng 367 chiếc thuộc diện xóa đăng ký và nằm bờ hư hỏng nên còn 3.623 chiếc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đến nay đã lắp đặt được 3.608 chiếc, đạt 99,5%. Theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý vận hành, khai thác hệ thống giám sát hành trình tàu cá chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chậm lắp đặt, tự ý gỡ thiết bị hoặc tác động làm mất kết nối.

Hiện Kiên Giang còn hơn 2.300 chiếc, chủ yếu tàu nhỏ hơn 12m không đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa có biện pháp quản lý. Việc cấp giấy phép theo hạn ngạch, đánh dấu tàu cá theo quy định chỉ thực hiện được 16% số tàu đang quản lý. Tình trạng tự phát đóng mới tàu cá vẫn chưa giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của ngư dân với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, do đại dịch, khoảng 40% tàu cá dài từ 15 m trở lên phải nằm bờ nên số tàu khai thác hải sản cập cảng giảm hơn 50%. Giá hải sản giảm 20 - 40%, một số ít mặt hàng giảm 50%. Hệ thống hạ tầng cảng cá nhiều hạn chế, chỉ có 2 cảng cá (Tắc Cậu và An Thới) đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác; còn 3 cảng cá chưa đủ điều kiện (Xẻo Nhàu, Thổ Châu và Nam Du). Từ đầu năm đến ngày 15-9, Kiên Giang phát hiện 42 tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2020; tịch thu 6 tàu cá, xử phạt hành chính 5 chủ tàu hơn 4,8 tỷ đồng.

Tàu neo đậu ở Phú Quốc

Tỉnh Cà Mau có gần 5.000 phương tiện khai thác đánh bắt thủy hải sản. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2021 đến nay thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Sở NN&PTNT phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 725 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến khai thác IUU là 19 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 486,5 triệu đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra các tàu cá hoạt động khai thác trên biển được tổ chức triển khai thường xuyên liên tục. Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đóng chốt tại 5 cửa biển trọng điểm luôn duy trì sự hiện diện trên biển từ 10 - 15 ngày/tháng, để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp tàu cá vi phạm về chống khai thác IUU.

1.001 LÝ DO VI PHẠM

Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, các chủ tàu thường tìm nguyên nhân để "né" tội. Một số chủ tàu khẳng định không biết IUU dù mới được các cơ quan chức năng tuyên truyền. Tỉnh Kiên Giang cho rằng, công tác chống khai thác IUU đang đứng trước hai thách thức lớn. Đó là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát 100% tàu cá hoạt động trên biển; giảm số tàu khai thác để khôi phục nguồn lợi hải sản, chú trọng chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Qua theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, cơ quan chức năng đã phát hiện 236 trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; hơn 2.000 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chiếm 55,5% số tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã làm việc với 149 trường hợp tàu vượt ranh giới biển và mất tín hiệu trên biển quá 10 ngày, xử phạt vi phạm hành chính 89 trường hợp với số tiền 1,65 tỷ đồng cho các hành vi vi phạm như: không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng... Nguyên nhân chủ yếu do thuyền trưởng chưa quen sử dụng thiết bị, chưa nhận biết cảnh báo của thiết bị khi tàu cá vượt biên giới trên biển; lỗi của phần mềm hệ thống không phát cảnh báo khi tàu cá vượt biên giới biển; mất kết nối do lỗi kỹ thuật của thiết bị mà nhà mạng không xác định được nguyên nhân; nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ do ngư dân không đóng hoặc trễ hạn đóng phí thuê bao; một số trường hợp thuyền trưởng cố tình vô hiệu hóa hoạt động của thiết bị khi hoạt động trên biển; chủ tàu cố tình để thiết bị trên bờ và vô hiệu hóa thiết bị, sau đó tìm cách đưa tàu ra biển hoạt động...

Lực lượng tuần tra trên biển Tây Nam

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã điều động tàu KN 270 cơ động tiếp cận tàu cá đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Malaysia là tàu CM-99275-TS; tiến hành tuyên truyền và yêu cầu tàu cá trên di chuyển về vùng biển Việt Nam để tiến hành kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra và theo lời khai của thuyền trưởng, tàu cá CM-99275-TS có chiều dài 18,4m, hành nghề cào đơn, do ông Lê Quốc Khanh (SN 1976) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, 8 thuyền viên trên tàu không có giấy tờ tùy thân, thiết bị giám sát hành trình đã bị tháo và không duy trì hoạt động, giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu đã hết hạn. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và dẫn giải tàu cá CM-99275-TS về bờ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

KHÔNG GỠ "THẺ VÀNG" NẾU CÓ TRƯỜNG HỢP VI PHẠM

Từ năm 2012 đến nay, EC cảnh báo thẻ về IUU đối với 27 nước. Trong đó, 21 nước bị cảnh báo "thẻ vàng" và 6 nước bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Đến nay, đã có 3 nước gỡ được "thẻ đỏ", 14 nước gỡ được "thẻ vàng". Tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Thái Lan và Philippines đã gỡ được "thẻ vàng", Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ. EC cho rằng, Việt Nam vẫn còn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn bất cập. Nếu không giải quyết được các vấn đề về IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ".

Đáng lo ngại, khi bị "thẻ vàng", 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Trường hợp bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ" thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Sau 4 năm gỡ thẻ vàng IUU, Bộ NN&PTNT nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ chống khai thác IUU. Từ đầu năm đến nay, xảy hơn 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, giảm 21 vụ/35 tàu so với cùng kỳ năm 2020. Việc chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến. Phía EC khẳng định, không gỡ "thẻ vàng" nếu còn trường hợp vi phạm.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU đã có kết quả bước đầu. Cụ thể, năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 62 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13,7 tỷ đồng. Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận... Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế.

Qua kiểm tra, Bộ NN&PTNT khẳng định, các địa phương chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các tỉnh có tỉ lệ lắp đặt thiết bị quản lý, giám sát tàu cá (VMS) còn thấp như Quảng Trị (đạt 64,1%), Trà Vinh (đạt 67,17%), Hà Tĩnh (đạt 68,66%), Quảng Ninh (67,05%)...

Nguyên nhân do việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá để phục vụ cho kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu... Công tác phối hợp giữa các Bộ (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, NN&PTNT) và 28 tỉnh ven biển trong triển khai các biện pháp để xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định đối với hành vi khai thác IUU; đặc biệt là công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; trong đó mục tiêu trong năm 2021 giảm thiểu ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD... Thế nhưng sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được "thẻ vàng" mà còn có nguy cơ bị nâng lên "thẻ đỏ". Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài - đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định trách nhiệm...

Bình luận (0)

Lên đầu trang