(CATP) Ngày 26-2, Viện KSND TPHCM cho biết đã gia hạn thời hạn quyết định truy tố ông Tất Thành Cang (SN 1971, ngụ Long An; trú Q6) - nguyên phó ban chỉ đạo công trình lịch sử TPHCM) cùng đồng phạm về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” đến ngày 14-3.
Truy nã Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim
Theo kết luận điều tra, trong số các bị can thì ông Phạm Nhật Vinh (SN 1977, ngụ Bình Định, trú Q9) là tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim cũng là thành viên HĐQT Công ty SADECO có vai trò quan trọng trong vụ án. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thành (SN 1953, ngụ tỉnh Bình Định, trú huyện Nhà Bè) là đại diện của Công ty Nguyễn Kim cũng có hành vi cùng các thành viên HĐQT Công ty SADECO biểu quyết thống nhất chọn Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược, với giá phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 40.000 đồng/cổ phần tại cuộc họp HĐQT Công ty SADECO vào ngày 2-8-2017, không thông qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định. Do gây thất thoát, thiệt hại cho Công ty SADECO số tiền là 940,401 tỷ đồng nên ông Vinh phạm vào tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Phạm Nhật Vinh, tuy nhiên do ông này đã xuất cảnh đi nước ngoài nên ngày 31-12-2020, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã quốc tế và đề nghị Cục Đối ngoại - Bộ Công an thực hiện các thủ tục truy nã đối với ông Phạm Nhật Vinh. Cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của ông Phạm Nhật Vinh, tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim và tạm đình chỉ điều tra vụ án với bị can Phạm Nhật Vinh. Khi bắt được bị can sẽ phục hồi điều tra theo quy định.
Quá trình điều tra, công an đã tiến hành khởi tố bắt giam nhiều bị can về tội "Tham ô tài sản", "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Trong số này có ông Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Trúc...
Cấp dưới làm giả tờ trình?
Tất Thành Cang khai rằng, theo tờ trình nêu trên ông Cang chỉ đồng ý cho đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Do vốn của Văn phòng Thành ủy đầu tư là 16,7% nên không thể biết được Đại hội đồng cổ đông Công ty SADECO năm 2017 sẽ chọn phương án nào. Sau Đại hội đồng cổ đông, người đại diện vốn phải báo cáo, xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy. Sau khi biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông thì nhóm người đại diện vốn phải báo cáo việc thực hiện tiếp theo (giá bán, đối tượng bán, phương thức bán...) để ông Cang cho ý kiến trước khi thực hiện.
Ông Tất Thành Cang nhận quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam
Ông Cang còn khai nội dung Tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy là dựa trên kết quả thẩm định của Văn phòng Thành ủy, giá 40.000 đồng/cổ phần chỉ là giá dự kiến để tính toán trên nhu cầu vốn 360 tỷ đồng của Công ty SADECO. Ông Cang không quyết định giá 40.000 đồng/cổ phần. Việc người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy biểu quyết giá phát hành 40.000 đồng/cổ phần là không đúng quy định pháp luật.
Theo ông Cang, Huỳnh Phước Long (nguyên đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy) cùng với Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên tổng giám đốc Công ty SADECO) đã làm giả, hợp thức hóa Tờ trình số 12A (chỉ nêu tiêu chí chọn cổ đông chiến lược, không nêu cụ thể cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim), thay cho tờ trình số 13 (nêu cụ thể cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim) để làm căn cứ đưa vào Tờ trình 1148, trình cho Văn phòng Thành ủy xin chủ trương đồng ý của ông Cang.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu điều tra và lời khai của các cá nhân có liên quan, cơ quan điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định ông Cang nắm rõ quy định việc bán cổ phần phát hành thêm của Công ty SADECO phải thực hiện đấu giá và thực hiện thẩm định giá trị cổ phần theo quy định, nhưng Tất Thành Cang vẫn phê duyệt đồng ý chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo phải đấu giá để chọn cổ đông chiến lược. Việc bút phê "Đồng ý” tại Tờ trình 1148, với giá phát hành cổ phần là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trong quá trình điều tra ông Tất Thành Cang cùng các đồng phạm, Công an TPHCM đã phát hiện 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã tách để điều tra xử lý. Các vụ việc được Thanh tra thành phố chuyển theo kết luận Thanh tra số 33/KL-TTTP-P6 kết luận 1 số sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Cổ phần phát tiển Nam Sài Gòn (SADECO) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Cũng theo kết luận điều tra, do 7 vụ việc này đã hết thời hạn điều tra vụ án mà chưa có kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, kết quả cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời còn một số tình tiết cần tiếp tục điều tra làm rõ xác định có phạm tội hay không. Do đó, cơ quan điều tra quyết định tách 7 vụ việc trên để điều tra xử lý sau.