Gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể do Covid-19

Thứ Hai, 22/02/2021 11:34

|

(CATP) Theo thông tin mới nhất vừa được Bộ Xây dựng công bố, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, ngành bất động sản có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5% so với năm 2019; số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch vào khoảng gần 9.000 căn.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, quý 4-2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn. Nhờ đẩy mạnh hoạt động bàn giao sản phẩm, chuyển nhượng cổ phần dự án, thanh lý tài sản cùng sự trỗi dậy bất động sản công nghiệp đã giúp một loạt doanh nghiệp bất động sản có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn...

Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn cho thấy với số liệu kinh doanh khả quan các tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra.

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2020, ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 kinh doanh bất động sản là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 978 doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2020 vẫn có xu hướng tăng từ đầu năm đến cuối năm. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 8.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 6-2020, dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên gần 8.500 tỷ đồng. Đến hết quý 3-2020, dư nợ tín dụng bất động sản là gần 8.600 tỷ đồng và đến hết năm 2020, con số này tăng lên đến hơn 8.800 tỷ đồng.

Nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19

Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm vì đại dịch, việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, tính đến 20-12-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75,04% so với cùng kỳ năm 2019. Về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết quý 1-2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn. Trong quý 2 và quý 3, do tác động ảnh hưởng tiêu cực của tình hình đại dịch Covid-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung bất động sản trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể.

Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam...

Bình luận (0)

Lên đầu trang