Hội nhập TPP: Doanh Nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Thứ Năm, 08/10/2015 10:54  | TSKH Trần Quang Thắng

|

(CAO) Doanh Nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì trước ngưỡng cửa hội nhập TPP?. Báo Công an TP.HCM xin giới thiệu bài viết của TSKH Trần Quang Thắng, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM.

TSKH Trần Quang Thắng, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM.

TPP sẽ là khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, tương đương gần 25.000 tỉ USD.

Đây là hiệp định tiêu biểu nhất cho thế kỹ 21. Ngoài việc tạo thuận lợi về thương mại cho 12 nước thành viên (Australia, Peru, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Singapore, Mỹ và Việt Nam), hiệp định còn giúp tăng cường cả quan hệ kinh tế và an ninh giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được đặc biệt quan tâm đối với khía cạnh tăng cường năng lực cạnh tranh. Các chuẩn mực cao về lao động, chuẩn mực về môi trường cũng được đòi hỏi.

Trong 11 đối tác thành viên của Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, chưa thiết lập quan hệ thương mại tự do nên cơ hội chủ yếu của Việt Nam sẽ mở rộng ở 4 thị trường này.

Các doanh nghiệp có vốn trong nước cũng sẽ cạnh tranh mạnh với chính các doanh nghiệp FDI tại đây, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI mới chắc chắn sẽ hình thành mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm hưởng lợi từ nguồn gốc xuất xứ và mức thuế suất thấp do TPP mang lại.

Các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị chú ý nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ thuật, quy mô sản xuất và năng lực quản lý do chúng ta đang có cách biệt quá lớn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cố gắng tham gia của các doanh nghiệp công nghiệp-công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ và nông nghiệp bắt đầu từ việc là một mắt xích hiệu quả cho các chuỗi cung ứng liên kết mở rộng của các đối tác thành viên có thể sẽ là một cách hội nhập khôn khéo để vừa phát triển nội lực, vừa tăng cường học hỏi và chuẫn bị cho việc triển khai các chuỗi cung ứng riêng cho mình sau này.

Sau khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ được lợi nhờ bán thêm gạo, giày, quần áo. Không còn thuế nữa thì cơ hội bán hàng của Việt Nam lớn hơn nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa và đối tượng dễ bị tổn thương của Việt Nam là nông dân phải đối mặt với sản phẩm giá rẻ. Chăn nuôi gà Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị lao đao.

Đối với chăn nuôi lợn, dù Việt Nam có ưu thế bởi người dân có thói quen sử dụng thịt tươi, tuy nhiên xu hướng tiêu dùng này cũng sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh...

Đối với chăn nuôi bò, hiện thịt bò NK từ Mỹ, Australia hay từ các nước ASEAN đã có giá rất cạnh tranh do quy mô chăn nuôi của các nước lớn, trong khi chăn nuôi bò tại Việt Nam quy mô nhỏ, giống chất lượng kém, do đó rất khó để nói về khả năng cạnh tranh thắng lợi của ngành chăn nuôi bò của Việt Nam.

Đối với sản phẩm dệt may thì TPP quy định từ sợi trở lên phải có hàm lượng TPP 70%. Điều đó có nghĩa là người Việt Nam phải phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt may như nhuộm, chỉ may, cúc áo, chất độn để cho hàm lượng đạt được 70%. So với hiện nay chủ yếu là nguyên liệu Trung Quốc là nước không phải TPP chiếm đến 60-70% tùy từng loại mặt hàng, đấy là một thách thức.

Ngành Chăn nuôi, với quy mô sản xuất nhỏ, không đồng đều, số lượng DN lớn ít, đang cần phải chuẩn bị với tốc độ và chất lượng nhanh hơn các ngành khác bởi nhiều thành viên TPP, đặc biệt là Mỹ, Canada, Australia, New Zealand là các nước có thế mạnh về XK sản phẩm chăn nuôi, trong khi các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng kém và chưa XK được vào các thị trường lớn do “vướng” về quy mô và các rào cản kỹ thuật.

Các mặt hàng như thịt heo từ Đan Mạch, từ Canada, Hoa Kỳ rất rẻ. Hay thịt bò, sữa…đấy là các thách thức rất lớn Quy định các nông hóa phẩm phải có bảo hộ sáng chế, vì vậy chi phí sản xuất sẽ cao trong khi hiện nay người nông dân vẫn đang phải gánh chi phí rất lớn cho thuốc bảo vệ thực vật, thú y...

Ngoài ra, việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP cũng khắt khe hơn, chưa kể theo đề xuất sử dụng chỉ dẫn địa lý của TPP, thương hiệu ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ trước.

Nhiều loại rau, quả Việt Nam đang được nhiều thị trường quốc tế "bật đèn xanh", cần phải phát huy hơn nửa

Trong nhiều nghiên cứu định lượng của nhiều chuyên gia nước ngoài, Việt Nam là một trong những nước hưởng nhiều lợi ích từ TPP. Trong khi phần lớn các nước có lợi khoảng 1-2 điểm % thì Việt Nam có được khoảng 5 điểm %.

Theo kịch bản đến năm 2025, nếu không tham gia TPP, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng thêm 36 tỷ USD và GDP tăng 10,5% nhưng nếu là thành viên của liên minh này, xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD và GDP tăng 28,4%.

Trong TPP hiện nay chưa có Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia cho nên các đối thủ cạnh tranh về gạo cũng như các thứ khác của các quốc gia này hiện là lợi thế tiềm năng cho Việt Nam.

Một số lợi ích cho Việt Nam:

Lợi ích từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP

Lợi ích từ những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Hoa Kỳ, Nhật và các nước đối tác TPP

Lợi ích đến từ những hoàn thiện thể chế hay cải cách để đáp ứng những đòi hỏi chung của TPP

Lợi ích đến từ việc mở cửa thị trường mua sắm công

Lợi ích đến từ việc thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường

Bình luận (0)

Lên đầu trang