Trà Vinh:

Khi cán bộ 'xí' phần đất công - Kỳ 1: Đất đai là 'chùm khế ngọt'

Thứ Hai, 29/05/2017 11:30  | Đào Văn

|

(CAO) Thời gian qua, nhiều đơn tố giác của cán bộ hưu trí và người dân huyện Duyên Hải, Trà Vinh đã gởi đến các cơ quan chức năng tố giác cán bộ địa phương “xí” phần đất công để trục lợi. Dù đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

Sau một thời gian thu thập, tìm hiểu tố giác của người dân huyện nghèo Duyên Hải, chúng tôi nhận thấy, kiến nghị của họ là có cơ sở.

Chỉ cho chúng tôi khu đất nuôi tôm tiếp giáp với biển, phía trước mặt tiền là những căn nhà khang trang bề thế, ông T., một cán bộ hưu trí chua xót nói: “Nơi đây là rừng phòng hộ và “lá phổi xanh” của người dân thị xã. Vậy mà, hàng chục năm nay nó bị “xẻ thịt” cho cán bộ. Từ khu rừng phòng hộ đến đất để các cơ quan ban ngành chia chát...”.

CƠ NGƠI CỦA NGUYÊN BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Gần đây, người dân thị xã Duyên Hải, Trà Vinh trầm trồ trước khối tài sản kếch sù của ông Nguyễn Văn Cách, nguyên Bí thư huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải). Từ ngày về hưu, ông Cách xây dựng căn nhà mặt tiền rất lớn như một dinh thự nối liền với hàng chục công đất nuôi tôm tại khóm Long Thạnh, thị xã Duyên Hải.

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nơi. Men theo con lộ bê-tông công nghiệp, qua khu nhà ẩm thấp của người dân, chúng tôi thấy căn nhà như dinh thự được bao bọc xung quanh những cây kiểng đắt tiền. Ngay cổng có tảng đá khá lớn có dòng chữ ghi tên 3 người thân của ông Cách “Thúy Vy, Tường Vy và Đức Việt”.

Ông T. cho biết, từ lâu phía nam huyện Duyên Hải có khu rừng đước rộng gần 500 ha. Hòa bình lập lại, huyện giao một phần khu rừng đước trên cho Công an huyện, Huyện ủy làm kinh tế; phần còn lại xem như rừng phòng hộ được cán bộ kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Khoảng năm 2000, lúc ông Nguyễn Văn Ngó làm Bí thư và ông Nguyễn Văn Cách làm Chủ tịch huyện liền tìm cách tận dụng đất rừng. Lúc bấy giờ, huyện tiến hành thi công ngay con lộ công nghiệp với lý do bảo vệ đê biển. Và không bao lâu, khu rừng đước này bị “xẻ thịt”.

Ban đầu, ông Cách tự cắm mốc 3ha rừng để... “giải quyết khó khăn” cho cán bộ. Không bao lâu, khu rừng đước được san bằng trở thành một công trường. Hàng ngày, nhiều xe cuốc, xe ủi đào bới mở rộng ao nuôi tôm. Phía trước, ông Cách đắp nền để ngày về hưu xây dựng cơ ngơi bề thế như thế.

Nhà nghỉ huyện giao cho con trai nguyên bí thư huyện ủy thuê đã được sửa tên thành khách sạn Tường Vy

Thời gian này, dù không khó khăn về nhà ở, nhưng ông Cách được cấp nền đất ở ngang gần 10m, dài hàng chục mét tại thị xã Duyên Hải. Huyện xây nhà khách bề thế. Công trình hoàn thành, UBND huyện cho con trai ông Cách là Nguyễn Văn Toàn thuê. Tận dụng khu đất Nhà nước còn trống, ông Toàn xây dựng không phép khu nhà nghỉ riêng biệt.

“Khi thuê được vài tháng, ông Toàn cho người khác thuê lại kiếm lời. Thời gian sau, công trình Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải được thi công, Toàn cho nhà thầu Trung Quốc thuê lại lấy tiền tỷ. Hiện nay, nhà thầu trả lại cho ông Toàn. Ông lại sửa tên thành khách sạn Tường Vy, trùng với công ty mình thành lập. Tài sản Nhà nước vô tình được giao cho người thân ông Cách”, một cán bộ hưu trí cho biết.

Phía trước nhà ông Cách là hàng rào bề thế cùng cây kiểng đắt tiền và tảng đá in tên 3 người thân của ông

ĐẤT RỪNG “XẺ THỊT”

Ông Cách được giao đất rừng không đúng quy định nên nhiều cán bộ khác tham gia “xí” phần. Với lý do giải quyết khó khăn và cải thiện đời sống cán bộ, những người chức vụ từ bí thư, phó bí thư huyện Duyên Hải lúc bấy giờ đều được giao đất rừng để nuôi tôm. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Ngó, Chủ tịch kiêm Phó bí thư huyện được giao vài chục công để cải thiện đời sống.

Ông Dương Hoàng Nghĩa, cán bộ tỉnh được tăng cường về huyện giữ chức Bí thư huyện Duyên Hải vài năm rồi chuyển công tác về tỉnh cũng được giao vài chục công đất rừng. Ông Trương Trọng Vũ lên giữ chức Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải cũng không thua kém, đàn anh “chấm” vài héc-ta khu đất rừng.

Ông X., người dân địa phương nhớ lại: “Khi được giao đất, các cán bộ trên liền đào liếp, đắp mương nuôi tôm, cây đước bị chặt phá la liệt. Trước đó, người dân địa phương chỉ cần chặt một cây đước liền bị công an, kiểm lâm xử lý. Đằng này, họ tự cấp rồi tự khai phá. Người dân bức xúc nhưng đành chấp nhận”.

Khu đất rừng giao cho cán bộ, nay đã thành ao tôm

Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay khu đất rừng giao cho các cán bộ trên đều được hợp thức hóa bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ban đầu khi nhận đất, một số cán bộ, không có nhu cầu sản xuất đã cho thuê lại để phát canh thu tô. Tự dưng được cấp hàng chục công đất rừng, một số cán bộ trên trở thành đại gia, nhà xây dựng khang trang, bề thế.

“Nhiều năm qua, chúng tôi hết sức bức xúc về sự việc này. Trong kháng chiến, chúng tôi để lại một phần máu thịt, đến hòa bình, tham gia sản xuất. Thế nhưng, chúng tôi không chấp nhận hành vi của một số cán bộ huyện qua các thời kỳ. Họ tự ra luật bất thành văn để “xí” phần đất rừng nhằm trục lợi. Hơn 15 năm, chúng tôi khiếu nại nhưng vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng”, ông H. chia sẻ.

Để rõ thực hư về thực trạng quản lý đất công tại huyện Duyên Hải, ngày 23-5, chúng tôi liên hệ với ông Kiên Quân, Bí thư huyện đăng ký làm việc. Ông Quân viện lý do: “Tôi mới nhận công tác nên không nắm những thông tin trước đây. Hiện nay, tôi bận đi công tác tại xã nên không gặp nhà báo được. Mong anh thông cảm”.

Trong những ngày tìm hiểu về những sai phạm quản lý đất đai tại huyện Duyên Hải, Trà Vinh, chúng tôi thu thập nhiều thông tin bất ngờ. Ngoài việc “xí” phần đất rừng, lãnh đạo địa phương thời điểm trên còn “vô tư” xem thường pháp luật, vi phạm quản lý đất gây bức xúc cho người dân và cán bộ hưu trí. (Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang