Hai người phụ nữ cùng chung “chiêu trò” liên kết với những công ty “ma”, chiếm đoạt của nhà nước trên 35 tỷ đồng tiền thuế. Bất chấp pháp luật, cán cân công lý, Hội đồng xét xử ngành tòa án hai cấp tỉnh và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tuyên cho 2 đối tượng này “trắng án”, “miễn” thu hồi số tiền trốn thuế khổng lồ trên (?!). Tuy nhiên, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng, Vụ pháp chế của Tổng cục thuế đã kiên trì theo đuổi vụ án đến cùng.
Doanh nghiệp trốn thế, Cục thuế “nhờ vả” công an
Vào cuối năm 2013, qua công tác thanh, kiểm tra, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng phát hiện Cty TNHH TMDV Diễm Như do Lê Thùy Diễm làm giám đốc và Cty TNHH TMDV XNK Long Khang do Nguyễn Thị Thanh Xuân làm giám đốc, đều có trụ sở tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có hành vi gian lận thuế, cấu kết với các DN khác chiếm đoạt, trốn thuế GTGT gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Cục thuế tỉnh Lâm Đồng chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các công ty này.
Kết quả điều tra, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế - chức vụ công an Lâm Đồng, xác định các đối tượng liên quan đã phạm vào tội “Trốn thuế”, được quy định tại Điều 161 BLHS.
Số tiền trốn thuế GTGT liên quan đến Cty Diễm Như là 15,4 tỷ đồng và liên quan đến Cty Long Khang là 17,5 tỷ đồng. Đối với vụ án Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng đồng bọn can tội trốn thuế và mua bán hóa đơn, chứng từ”, cơ quan công an xác định, bị can Xuân với vai trò là người chủ mưu và thực hành, Phan Vũ có vai trò là đồng phạm giúp sức.
Lê Thùy Diễm cũng phạm thêm tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ”, Trần Văn Tiên, Hồ Xuân Hòa là đồng phạm. Cả hai thành lập 2 công ty “ma” nhằm mục đích in, mua bán trái phép hóa đơn GTGT bán cho Diễm.
Hành vi cụ thể của Diễm là mua 500 số hóa đơn GTGT, sau đó đã sử dụng 228 hóa đơn khống để kê khai khấu trừ thuế GTGT, qua đó chiếm đoạt 15,4 tỷ đồng tiền thuế của NSNN. Xét vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND TP.Bảo Lộc, công an tỉnh Lâm Đồng sau đó đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND TP.Bảo Lộc.
Cáo trạng một đằng, truy tố một nẻo (!?)
Tại 2 bản cáo trạng của VKSND TP.Bảo Lộc, mặc dù đều xác định buộc Nguyễn Thị Thanh Xuân giao nộp số tiền 17,5 tỷ đồng và bị can Lê Thùy Diễm phải nộp số tiền 15,4 tỷ đồng, song VKSND TP.Bảo Lộc chỉ đề nghị truy tố ra trước TAND TP.Bảo Lộc để xét xử 2 bị can Xuân và Diễm về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ” mà không đề nghị truy tố về tội “Trốn thuế” với lý do, vận dụng Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013 của Chính phủ ban hành thì hành vi “Trốn thuế” của các bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (!?).
Theo đó, TAND TP.Bảo Lộc đã xét xử các bị cáo trong cả hai vụ án trên chỉ với tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ” với các mức án từ 12 đến 18 tháng tù và đều được hưởng án treo (!). Không xét xử các bị cáo về tội “Trốn thuế”, cũng không tuyên xử về trách nhiệm của các bị cáo đối với số tiền đã chiếm đoạt từ NSNN là 35 tỷ đồng do hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ của các bị cáo gây ra.
Vụ án được xét xử “âm thầm”, TAND TP.Bảo Lộc không mời cơ quan thuế tham dự với tư cách đơn vị đại diện quyền lợi của nhà nước bị xâm hại cũng như không gửi kết quả xét xử (!?). Sự việc sau đó bị bại lộ một cách bất ngờ.
Ngày 23-7-2014, đại diện của Cty TNHH TMDV XNK Long Khang đến Cục thuế tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu hoàn trả số tiền gần 1,5 tỷ đồng là tiền đã khắc phục hậu quả trong vụ án hình sự. Lúc này, cơ quan thuế mới té ngửa khi biết vụ án đã được xét xử, không những số tiền thất thoát của nhà nước không đòi được mà nhà nước có nguy cơ mất thêm tiền.
Lãnh đạo Cục thuế tỉnh Lâm Đồng sau đó nhiều lần gửi văn bản đến UBND tỉnh Lâm Đồng, VKSND tỉnh và TAND Tối cao kháng nghị bản án, đề nghị truy tố các đối tượng đúng tội danh “Trốn thuế” nhằm thu hồi số tiền thuế bị các họ chiếm đoạt, đồng thời báo cáo sự việc với cấp trên.
Lê Thùy Diễm tại phiên tòa sơ thẩm
Ngành thuế quyết tâm đòi công lý
Nhận được báo cáo của Cục thuế Lâm Đồng, Tổng cục thuế đã chủ động xem xét tính pháp lý toàn vụ án, trình Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan gồm: VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính. Liên Bộ, ngành sau đó thành lập đoàn công tác trực tiếp báo cáo, làm việc với UBND, thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng về vụ án.
Ngày 4-11-2014, dưới sự đồng chủ trì của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng (đ/c Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yên) và Trưởng đoàn của Đoàn công tác liên ngành (Thiếu tướng Lê Huỳnh Quốc - Phó Cục trưởng Cục an ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư - Tổng cục II Bộ Công an), Đoàn công tác liên ngành đã làm việc với các cơ quan liên quan, gồm: TAND tỉnh Lâm Đồng, cơ quan CSĐT công an tỉnh Lâm Đồng, VKSND tỉnh Lâm Đồng, VKSND TP.Bảo Lộc, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả đi đến thống nhất cần xem xét lại hai bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo trình tự thủ tục xét xử giám đốc thẩm được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ngày 9-12-2014, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.Bảo Lộc, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy phần trách nhiệm dân sự của bản án nêu trên, giao hồ sơ cho TAND TP.Bảo Lộc xét xử lại phần dân sự theo hướng buộc Nguyễn Thị Thanh Xuân và Lê Thùy Diễm nộp số tiền thuế GTGT gần 35 tỷ đồng vào NSNN.
Ngày 24-3-2015, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở các phiên tòa giám đốc thẩm để xem xét lại các bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo kháng nghị của VKSND tỉnh Lâm Đồng và ra phán quyết: hủy phần trách nhiệm dân sự của các bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.Bảo Lộc, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Bảo Lộc giải quyết lại phần xử lý vật chứng theo đúng quy định của pháp luật.
Qua 2 lần hoãn xử, ngày 31-7-2015, TAND TP.Bảo Lộc đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm lại 2 bản án hình sự nêu trên. Tuyên xử: buộc bị cáo Lê Thùy Diễm phải nộp lại số tiền 15,4 tỷ đồng và bị cáo Nguyễn Thị Thanh Xuân phải nộp lại số tiền 16,1 tỷ đồng để sung quỹ nhà nước.
Thật oái oăm, kết quả xét xử của TAND TP.Bảo Lộc một lần nữa bất chấp tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp luật, không những giảm cho các bị cáo số tiền trốn thuế mà còn không hề đệ cập đến tội trạng “Trốn thuế” của 2 bị án Diễm và Xuân; giữ nguyên mức án tù treo với các bị cáo.
Hồ sơ vụ án
Tòa án tỉnh bao che?
Không chấp nhận bản án “sót người lọt tội” bất chấp pháp luật đến thế, theo hướng dẫn của Tổng cục thuế, Cục thuế tỉnh Lâm Đồng đã có kháng cáo 2 bản án trên đến TAND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời Tổng cục thuế có công văn gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Trưởng ban Nội chính TW đề nghị xem xét lại quá trình giải quyết các vụ án hình sự về tội trốn thuế xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 9-7-2015, Đoàn Kiểm tra, giám sát số 2 của Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Chủ tịch nước) làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định pháp luật, đưa vụ án trốn thuế đối với 2 bị cáo Lê Thùy Diễm, Nguyễn Thị Thanh Xuân mà ngành Tòa án tỉnh Lâm Đồng xét xử “ưu ái” vào văn bản chỉ đạo 12 vấn đề cần giải quyết tại Lâm Đồng.
Vào các ngày 22-10 và 12-11-2015, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở các phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 2 vụ án hình sự nêu trên. Tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của Cục thuế tỉnh Lâm Đồng, và giữ nguyên 2 bản án sơ thẩm của TAND TP.Bảo Lộc với lý do: Theo quyết định giám đốc thẩm thì bản án sơ thẩm đã có hiệu lực về phần tội danh và trách nhiệm hình sự, mặt khác, cấp phúc thẩm cũng chỉ có thẩm quyền xem xét những nội dung mà bản án sơ thẩm đã quyết định, do vậy không có căn cứ để xem xét lại tội danh “Trốn thuế” đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Xuân và Lê Thùy Diễm theo yêu cầu kháng cáo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng.
Phán quyết trên của TAND tỉnh Lâm Đồng một lần nữa khiến những cán bộ ngành thuế và các liên bộ, ngành khác “bật ngửa”, bất bình.
Ngày 6-1-2016, Tổng cục thuế tiếp tục có văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Trưởng ban Nội chính TW, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị xem xét toàn diện quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự về tội trốn thuế liên quan đến Cty TNHH TMDV Diễm Như và Cty TNHH TMDV XNK Long Khang đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, tội danh, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước.
Sự kiên trì của ngành thuế đã được đáp trả. Ngày 20-9-2016, Chánh án TAND Tối cao có Văn bản số 13 và số 14 kháng nghị đối với 2 bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng. Nội dung kháng nghị nhận định: VKSND tỉnh Lâm Đồng chỉ truy tố Nguyễn Thị Thanh Xuân và Lê Thùy Diễm về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN” là bỏ lọt tội “Trốn thuế”; quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng không kết luận Xuân và Diễm phạm tội “Trốn thuế” nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm trong phần quyết định về xử lý vật chứng lại tuyên buộc 2 bị cáo nộp lại tiền để sung quỹ nhà nước là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.
Ngoài ra, Cty Diễm Như còn phải bị xem xét về hành vi gian lận thuế với số tiền trên 5,6 tỷ đồng. Theo đó, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ các bản án hình sự trước đó của TAND hai cấp tỉnh Lâm Đồng để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, quá trình xét xử 2 vụ án kéo dài từ năm 2014 đến nay qua 8 lần xét xử vẫn chưa kết thúc. Dư luận mong chờ vào một bản án công minh, đảm bảo tính răn đe của luật pháp đối với các đối tượng có hành vi trốn thuế và những kẻ bao che cho sai phạm.
Hành trình theo đuổi vụ án đã thể hiện sự kiên trì, quyết tâm của ngành thuế tỉnh Lâm Đồng, Tổng cục thuế và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật thuế, xâm hại lợi ích hợp pháp của nhà nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.