Trong Quý I/2023, Phòng CSKT - CATP đã đấu tranh, phát hiện mới 439 vụ, với 336 cá nhân, 32 tổ chức có dấu hiệu vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, trật tự xã hội, công nghệ cao... gây thiệt hại ước tính trên 640 tỷ đồng; đã xử lý 453 vụ, 285 cá nhân, 72 tổ chức, chuyển kỳ sau tiếp tục giải quyết 260 vụ, 54 đối tượng.
Ngăn chặn vụ nhập lậu lô sữa ngoại giá trị lớn
Khoảng 20 giờ ngày 12/4/2023, tổ công tác thuộc Đội 6 - Phòng CSKT - CATP phát hiện xe đầu kéo BS: 61H-092.17, rơ-moóc BS: 61R-035.44 của Công ty TNHH Vận tải Đình Đô đang vận chuyển container số hiệu FFAU3402217 từ cảng Cát Lái đến khu vực bãi đất trống trên đường Võ Chí Công thuộc P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, có dấu hiệu nghi vấn nên đã phối hợp Công an P.Phú Hữu tiến hành kiểm tra. Thời điểm kiểm tra, trên rơ-moóc có 4.171 thùng sữa Ensure, Glucerna và Horizon (dư 521 thùng so với khai báo hải quan). Trần Quốc Khánh - Giám đốc Chi nhánh Công ty Busan không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận lô hàng nhập khẩu trên được Trần Quốc Khánh tổ chức nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam tiêu thụ, thông qua pháp nhân Công ty Busan. Trước khi nhập khẩu mặt hàng sữa về Việt Nam tiêu thụ, Khánh biết rõ sản phẩm sữa nhãn hiệu Ensure, trên bao bì có dòng chữ thông tin bằng tiếng Anh: "Not to be sold in Vietnam or Mexico", có nghĩa là không được bán tại Việt Nam hoặc Mê-xi-cô.
Qua tìm hiểu, Khánh biết để được nhập khẩu sản phẩm sữa cần phải có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp, nên đã nhờ Nguyễn Phúc Lộc - cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Nam Định làm giả thủ tục công bố sản phẩm gồm: 3 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 006/2022/ĐKSP, 007/2022/ĐKSP, 008/2022/ĐKSP đối với 3 mặt hàng sữa nhãn hiệu Ensure, Glucerna và Horizon, với giá 10 triệu đồng.
Phòng CSKT phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng lậu
Ngày 01/02/2023, Khánh đặt mua số lượng 4.172 thùng sữa nước các loại như trên của người phụ nữ tên Thúy, cư trú tại bang California (Mỹ) với giá 50.000 USD, trong khi giá bán tại Việt Nam là hơn 4,6 tỷ đồng. Sau khi nhận được hợp đồng ngoại thương, số lượng hàng hóa thực tế và hóa đơn số lượng hàng hóa dùng để khai báo hải quan do Thúy gửi qua email, trong số lượng hàng hóa đặt mua, Khánh sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do Lộc làm như trên để thực hiện hành vi nhập khẩu trái phép 3.411 thùng sữa nhãn hiệu Abbott Ensure Original Nutritinon Shake Vanilla từ Mỹ về Việt Nam trị giá hơn 3,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Khánh còn chỉ đạo Trần Ngọc Dâng thao tác trên ứng dụng phần mềm Microsoft Excel trong máy tính cá nhân của Dâng, chỉnh sửa số liệu, dữ liệu, cắt dán chữ ký trên invoice số ICT110700 ngày 10/02/2022 của Công ty Medi-19 Corp thấp hơn số lượng thực tế và đơn giá hàng nhập khẩu để khi khai báo hải quan được giảm số thuế nhập khẩu phải nộp. Khánh yêu cầu Dâng khai báo và truyền dữ liệu tờ khai đến cơ quan hải quan thấp hơn thực tế số lượng 521 thùng sữa các loại, trị giá hơn 574,5 triệu đồng.
Ngày 21/4/2023, Cơ quan CSĐT - CATP ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Trần Quốc Khánh và Trần Ngọc Dâng về hành vi "buôn lậu".
Hàng hóa bị bắt giữ trong các vụ buôn lậu
Lật mặt các đối tượng làm giả hồ sơ, chiếm đoạt tiền bảo hiểm
Công ty cổ phần (CP) Vận tải - giao nhận và thương mại Quang Châu là khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới của Công ty B.M.S.G (thành viên của Tổng công ty B.M) từ năm 2016 đến nay. Trong giai đoạn 2017 - 2018, Công ty Quang Châu có 9 hồ sơ bảo hiểm trách nhiệm dân sự liên quan tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Đam Rông, Lâm Đồng, được Tổng công ty B.M giải quyết bồi thường, có dấu hiệu bị làm giả.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CATP xác định đối tượng L.T.Th. - Trưởng phòng Tổ chức pháp chế của Công ty Quang Châu là chủ mưu, cùng với sự giúp sức của T.X.D. - nhân viên Phòng Tổ chức pháp chế đã có hành vi cấu kết làm giả hồ sơ tai nạn giao thông gồm: biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám phương tiện, biên bản giải quyết vụ tai nạn của Công an huyện Đam Rông, Lâm Đồng; giấy ra viện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, giấy nhận tiền và đơn bãi nại của người bị tai nạn.
Sau đó, cắt dán chữ ký của các cá nhân có tên trên biên bản rồi phôtô, sử dụng con dấu giả Công an huyện Đam Rông (L.T.Th. mua từ một đối tượng không rõ lai lịch trên mạng) đóng lên tài liệu phôtô. Sau đó, T.X.D cung cấp toàn bộ hồ sơ cho Tổng công ty B.M để xét duyệt bồi thường và chi trả tiền bồi thường qua tài khoản cá nhân của L.T.Th., tổng cộng hơn 1,33 tỷ đồng để chiếm đoạt.
Ngày 30/3/2023, Cơ quan CSĐT - CATP đã ra quyết định khởi tố bị can đối với L.T.Th. và T.X.D về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2019, với thủ đoạn tương tự, 2 bị can trên còn làm giả hồ sơ của 8 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện Văn Lãng, Lạng Sơn; huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh và huyện Diễn Châu, Nghệ An, nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Tổng công ty B.M.
Cơ quan CSĐT - CATP đang củng cố tài liệu, chứng cứ để tiếp tục điều tra, xử lý đối với các hành vi khác của L.T.Th. và T.X.D., đồng thời tiến hành làm rõ trách nhiệm của các cán bộ thuộc Tổng công ty B.M trong việc thực hiện xét duyệt, thẩm định bồi thường các hồ sơ tai nạn có liên quan đến Công ty Quang Châu.
Sữa nhập lậu bị các trinh sát Phòng CSKT phát hiện
Triệt phá "lò“ mua bán hóa đơn
Qua công tác nắm tình hình, Phòng CSKT - CATP phát hiện đường dây mua bán hóa đơn với quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống lên đến gần hàng chục nghìn tỷ đồng, do H.Đ.N.M.Tr. là đối tượng cầm đầu; H.N.P.Tr., N.T.B.Th. và M.T.M. là các đối tượng giúp sức. Việc in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại TPHCM và các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ngày 09/3/2023, sau khi nắm rõ hoạt động của đường dây này, Phòng CSKT - CATP đã đồng loạt triển khai nhiều mũi kiểm tra, bắt giữ đối các đối tượng, đồng thời tiến hành khám xét 9 địa điểm trên địa bàn TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Quá trình khám xét, tạm giữ 70 con dấu doanh nghiệp, nhiều ổ cứng máy vi tính, điện thoại di động, một số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận từ năm 2018 đến khi bị bắt đã sử dụng thông tin CMND của người thân và CMND, CCCD mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 "công ty ma" tại TPHCM, 10 "công ty ma" tại Đồng Nai, sau đó tìm khách hàng trên mạng Internet, liên hệ qua ứng dụng Zalo để chào bán hóa đơn GTGT ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5% đến 2% trên trị giá hóa đơn chưa thuế.
Tiền, con dấu và tài liệu bị cơ quan công an tạm giữ trong vụ mua bán hóa đơn
Kết quả điều tra xác định H.Đ.N.M.Tr. cấu kết với các đối tượng trên thành lập 31 "công ty ma" tại TPHCM, xuất khống hơn 20.000 tờ hóa đơn GTGT cho gần 4.000 công ty khác nhau trên 35 tỉnh thành; với trị giá ghi trên hóa đơn khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngày 13/3/2022, Cơ quan CSĐT - CATP đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng trên về hành vi "in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn".
Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn xác định thêm N.B.Kh. là đối tượng môi giới bán hóa đơn cho các bị can trên để hưởng lợi bất chính nên đã ra quyết định khởi tố bị can đối với N.B.Kh. về hành vi "mua bán trái phép hóa đơn".
Hiện Cơ quan CSĐT - CATP đang tiếp tục điều tra đối với 28 "công ty ma" còn lại và xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân môi giới, đơn vị mua, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, các đối tượng giúp sức khác có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Trên đây chỉ là 3 vụ trong nhiều vụ án lớn, trải dài trong nhiều lĩnh vực mà lực lượng CSKT - CATP nói chung và Phòng CSKT - CATP nói riêng đã phá án thành công vào đầu năm 2023. Tính trong năm 2022, từ công tác nghiệp vụ, lực lượng CSKT - CATP đã phát hiện, triệt phá 2.569 vụ với 1.262 đối tượng; trị giá hàng hóa tạm giữ hơn 259,7 tỷ đồng; đã xử lý được 2.295 vụ với 1.211 đối tượng.
Thuốc lá lậu bị bắt giữ