Thủ đoạn buôn lậu qua đường hàng không ngày càng đa dạng và tinh vi, khiến lực lượng phòng, chống buôn lậu hết sức khó khăn, vất vả. Đứng trước những trở ngại đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ngăn chặn nạn thẩm lậu hàng hóa qua biên giới bằng đường hàng không.
Bóc gỡ đường dây buôn lậu từ Hàn Quốc về Việt Nam
Phát hiện một số đối tượng thường xuyên bay tuyến Hàn Quốc - Việt Nam, có dấu hiệu khả nghi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, Công an TPHCM đã lập chuyên án đấu tranh.
Các đối tượng này thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc để vận chuyển thuê cho các chủ hàng tại Hàn Quốc. Các mặt hàng mà những đối tượng đưa từ Hàn Quốc về Việt Nam gồm: thực phẩm chức năng, bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, ĐTDĐ... Khi từ Việt Nam quay lại Hàn Quốc, các đối tượng mang rau củ quả... sang bán lại cho các nhà hàng tại "xứ sở kim chi".
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 27/3/2023, Công an Q.Tân Bình bắt quả tang P.T.T.D, T.T.K, P.T.T.Th. vận chuyển trái phép hàng hóa là thực phẩm chức năng và ĐTDĐ đã qua sử dụng từ Hàn Quốc về Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, không khai báo hải quan. Vụ việc sau đó được chuyển giao cho Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM điều tra theo thẩm quyền.
Tại cơ quan điều tra, D., K., Th. thừa nhận hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trị giá hàng hóa gần 1 tỷ đồng. Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định N.T.T.Tr. là đối tượng chủ mưu. D., K., Th. vận chuyển thuê cho N.T.T.Tr. để nhận tiền công.
Một kho hàng lậu bị lực lượng CSKT phát hiện
Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM bắt giữ lô thuốc tân dược lậu trị giá nhiều tỷ đồng
Giữa tháng 01/2015, quá trình theo dõi, trinh sát của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM đã phục kích, kiểm tra chiếc ôtô 16 chỗ vừa nhận hàng từ kho của Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất và đưa về địa điểm xuống hàng ở Q.Tân Bình.
Công an phát hiện trên ôtô có 13 kiện hàng với gần 850 sản phẩm là ĐTDĐ iPhone, iPad... đời mới. Lô hàng được xác định là nhập khẩu từ Hồng Kông (Trung Quốc) về Việt Nam qua đường hàng không. Quá trình điều tra, công an bắt giữ, khởi tố 2 đối tượng là Phan Quang Vinh (SN 1983) và Phan Thị Dạ Hương (SN 1982, cùng ngụ Đồng Nai) là chủ hàng.
Chặn đứng lô điện thoại nhập lậu trị giá 10 tỷ đồng
Ngày 13/10/2022, Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Thạch Hảo (SN 1989, ngụ H.Thủ Thừa, Long An) về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trước đó, ngày 05/10/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM phối hợp an ninh sân bay Cửa khẩu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất phát hiện Hảo vận chuyển trái phép 246 ĐTDĐ iPhone (iPhone 12 Pro Max, iPhone 13 Pro Max, iPhone 14 Pro Max...) đã qua sử dụng, từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ.
Qua truy xét, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM phát hiện Hảo cùng đồng phạm còn tổ chức vận chuyển trái phép trót lọt 463 ĐTDĐ iPhone, tổng số hàng hóa tạm giữ là 709 chiếc ĐTDĐ. Qua giám định, trị giá số hàng hóa tạm giữ là khoảng 10 tỷ đồng.
Ngô Thạch Hảo và hàng hóa nhập lậu qua sân bay Tân Sơn Nhất bị bắt giữ
Bước đầu, Ngô Thạch Hảo khai được thuê vận chuyển ĐTDĐ đã qua sử dụng từ Singapore về Việt Nam, với giá 2 triệu đồng/chuyến. Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, Hảo đã xuất cảnh đi Singapore khoảng 12 lần để vận chuyển điện thoại đã qua sử dụng về Việt Nam. Khi đến Singapore, sẽ có người liên lạc giao hàng cho Hảo tại sân bay quốc tế Changi hoặc tại khách sạn để Hảo mang về Việt Nam. Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM điều tra mở rộng để làm rõ hành vi của các đối tượng khác liên quan.
Bắt giữ lô yến sào tiền tỷ
Cuối tháng 3/2023, Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM, đề nghị truy tố Phạm Cao Hồng Lễ (SN 1985) và Thái Thị Mỷ Phượng (vợ Lễ, SN 1989) về tội buôn lậu.
Theo kết luận điều tra, hồi 17 giờ ngày 20/4/2019, qua giám sát hành khách nhập cảnh, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan phát hiện 2 hành khách Phạm Cao Hồng Lễ và Thái Thị Mỷ Phương nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN630 từ Jakarta (Indonesia) về TPHCM qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mang theo 7 kiện hành lý đi qua "cửa xanh", không khai báo hải quan.
Nghi vấn 2 hành khách có hàng hóa nhưng không khai báo hải quan, tại khu vực hành lang đi ra ngoài (khu vực đã hoàn thành thủ tục hải quan), Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiến hành kiểm tra 7 kiện hành lý của Lễ và Phương, phát hiện Lễ có 1 kiện hành lý xách tay, 2 kiện hành lý ký gửi (số Tag VN359018, VN 359037) chứa yến sào vụn, trọng lượng 75,32kg (kể cả bao bì); Phương có 3 kiện hành lý xách tay, 1 kiện hành lý gửi (số Tag VN359019) chứa yến sào vụn, trọng lượng 44,46kg (kể cả bao bì).
Ngày 23/02/2023, Hội đồng Định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự TPHCM ban hành Kết luận định số 867/KL-HĐĐGTS, kết luận 57kg yến sào vụn có Tag hành lý số VN359018, VN 359037 và yến sào vụn trong các kiện hành lý xách tay của Lễ trị giá hơn 729 triệu đồng; 30kg yến sào vụn có Tag hành lý số VN359019 và yến sào vụn trong các kiện hành lý xách tay của Phương trị giá gần 384 triệu đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, cơ quan điều tra xác định Phương và Lễ đã tìm hiểu về việc mua, vận chuyển yến sào từ nước ngoài về Việt Nam, có ý thức chuẩn bị tiền Việt Nam (đồng), sau đó đổi sang ngoài tệ (đôla Mỹ), mang sang Indonesia trực tiếp đi mua yến sào vụn, phân chia các kiện hành lý cho mỗi người để đảm bảo tiêu chuẩn về hành lý xách tay, hành lý ký gửi, nhằm giảm một phần cước phí vận chuyển hàng hóa từ Indonesia về Việt Nam.
Việc vợ chồng Lễ - Phương mua yến sào vụn từ Indonesia đưa về Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, không khai báo hải quan là vi phạm pháp luật. Hành vi của 2 đối tượng này phạm vào tội buôn lậu.