Xét xử phúc thẩm vụ án sản xuất, buôn bán 200 triệu lít xăng giả của Trịnh Sướng

Chủ Nhật, 23/04/2023 13:44

|

(CAO) Ngày 24-4, TAND Cấp cao tại TPHCM mở lại phiên xử phúc thẩm vụ sản xuất, buôn bán hơn 200 triệu lít xăng giả do Trịnh Sướng cầm đầu và 38 đồng phạm theo kháng nghị tăng án của Viện kiểm sát và kháng cáo của 29 bị cáo. Phiên xử dự kiến kéo dài từ ngày 24 đến 28/4, chủ tọa là Thẩm phán Lê Thành Văn.

Hồ sơ vụ án thể hiện, 39 bị cáo liên quan đến vụ án này bị truy tố cùng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Thời gian thực hiện hành vi phạm tội diễn ra từ đầu năm 2017 đến tháng 5-2019 đã  bị Công an tỉnh Đăk Nông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các cơ quan chức năng phát hiện và triệt phá.

Số lượng xăng giả hơn 200 triệu lít được bán ra nhiều địa bàn tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, TP.Cần Thơ….

Cáo trạng xác định, các bị cáo đã tổ chức pha trộn và bán ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả. Trong đó, nhóm Trịnh Sướng đã pha trộn xăng giả nhiều nhất với 192 triệu lít và bán ra thị trường 188 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Sướng

Nhóm Đinh Chí Dũng pha trộn và bán ra thị trường hơn 4 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính 2,4 tỉ đồng; Nguyễn Ngọc Quan và đồng bọn cũng pha trộn hơn 11 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 3,5 tỉ đồng…

Tháng 12-2021, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm, đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Sướng 12 năm tù, nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng; Nguyễn Ngọc Quan 8 năm 6 tháng tù; Đinh Chí Dũng 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Thu Hòa 5 năm 6 tháng tù; Phạm Hồng Quan 5 năm 3 tháng tù giam. Các bị cáo khác bị tuyên mức hình phạt từ 2 năm 6 tháng (cho hưởng án treo) đến 6 năm tù.

Sau bản án sơ thẩm, có 29 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (ngụ Cần Thơ) có đơn kháng cáo kêu oan. Bị cáo Lê Châu Phước Hưng (1984, ngụ TPHCM) - nhân viên bảo vệ bị bệnh tâm thần bị tuyên 3 năm án treo, 5 năm thử thách, vợ bị cáo Hưng kháng cáo cho chồng.

Bên cạnh các bị cáo có đơn kháng cáo, Viện kiểm sát cũng kháng nghị về phần hình phạt đối với 10 bị cáo. Trong đó có 9 bị cáo đề nghị xử phúc thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt, đặc biệt không cho hưởng án treo đối với 3 bị cáo.

Vụ án này, ngày 14-10-2022, TAND Cấp cao tại TPHCM đã từng mở phiên xử phúc thẩm, nhưng trong phần thủ tục có tình tiết mới phát sinh. Theo đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan (SN 1970, ngụ TP.Thủ Đức) sau khi bị tuyên mức án 8 năm 6 tháng tù giam, đã nộp đơn tố cáo việc mình nhận tội thay cho ông L.M.T. (1976, ngụ TPHCM). Theo đơn, bị cáo Quan cho biết ông T. mới là người thuê kho bãi và tổ chức điều hành thực sự mọi hoạt động sản xuất, mua bán xăng giả. Toàn bộ việc mua đi- bán lại dung môi để sản xuất xăng giả do ông T. và người cháu của ông T. là Nguyễn Hoàng Ph. quản lý, điều hành.

Ông Quan chỉ là người biết mối mua bán dung môi và chia lợi nhuận, không liên quan đến hoạt động sản xuất xăng giả. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang, do thiếu hiểu biết nên ông Quan được ông T. bàn bạc thay ông T. đứng ra nhận tội để ông này ở ngoài lo liệu và sẽ không bị tù giam.

Tuy nhiên, ông T. đã 'nuốt lời', khi bản án sơ thẩm tuyên án, ông Quan mới ý thức được nên viết đơn kháng cáo và trình bày toàn bộ sự thật.

Các bị cáo tại tòa

Trước tình tiết này, sau khi hội ý, HĐXX phúc thẩm ngày 14-10-2022 đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để triệu tập ông L.M.T. (1976, ngụ TPHCM) và ông N.H.P.(cháu của ông T.) nhằm làm rõ có việc nhận tội thay theo đơn tố cáo của bị cáo Quan hay không.

Sau thời gian tạm hoãn, ngày 13-2, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm lần 2. Tuy nhiên, một lần nữa phiên toà phải tạm hoãn vì 15 cá nhân và pháp nhân liên quan vắng mặt không lý do.

Sau phần thủ tục, do các đương sự liên quan vắng mặt nên VKS cấp cao đề nghị HĐXX kiểm tra việc tống đạt giấy triệu tập có nhận được hay chưa. Nhằm đánh giá toàn diện, khách quan vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm cũng như oan sai nên HĐXX đồng quan điểm với VKS, đã quyết định tạm hoãn phiên xử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang