Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022):

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM: Đơn vị đi đầu trong phòng chống tội phạm

Thứ Tư, 20/07/2022 11:22  | Anh Thy

|

(CATP) Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM là đơn vị mũi nhọn, đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống các loại tội phạm kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự cho thành phố mang tên Bác. Các cán bộ chiến sĩ của phòng luôn nêu cao tinh thần "chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, vượt mọi khó khăn, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.

Trục lợi từ vật tư y tế

Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng sự khan hiếm một số vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng chống dịch, nhất là găng tay y tế để lừa đảo, sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm trục lợi. Từ cuối năm 2020 đến tháng 6-2022, Phòng CSKT đã khởi tố 25 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm liên quan đến mua bán găng tay y tế, 13 vụ sản xuất, buôn bán tân dược giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền thiệt hại trong các vụ án lên tới hơn 310 tỷ đồng và trên 2 triệu USD.

Điển hình, ngày 3-8, Phòng CSKT Công an TPHCM nắm thông tin về việc Thạch Thị Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị TTH (P3, Q.Tân Bình) cầm đầu, chỉ đạo Nguyễn Đức Chương, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Thị Lynh Trang tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả là mặt hàng găng tay y tế với số lượng lớn để bán cho các đối tượng xuất khẩu ra nước ngoài tư lợi bất chính. Lúc 19 giờ 30 cùng ngày, Phòng CSKT Công an TPHCM phối hợp với lực lượng An ninh Bộ Công an và Công an Q.Bình Tân kiểm tra hành chính nhà số 951/22 đường Hương lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân.

Kết quả, có 32 công nhân đang thực hiện công đoạn sàng lọc, đóng thùng mặt hàng găng tay từ những bao tải lớn vào từng hộp, thùng mang nhãn hiệu V... của một công ty lớn. Số lượng các thùng găng tay đã đóng gói hoàn thiện để tại kho là 2.370 thùng, tương đương 2 triệu 300 ngàn chiếc găng tay giả, trị giá trên 3 tỷ đồng. Mở rộng khám xét các địa điểm liên quan, lực lượng chức năng thu thêm nhiều tài liệu, phương tiện, máy móc liên quan đến đường dây sản xuất găng tay giả.

Phạm Thị Tuyết Nhung

Ngày 25-3-2022, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Thạch Thị Hoa (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại thiết bị TTH) 13 năm tù về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả”. Cùng tội danh trên, tòa sơ thẩm đưa ra mức hình phạt đối với 4 đồng phạm của Hoa, gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp tổng hợp Sài Gòn) - đối tượng cung cấp cho Hoa số lượng lớn găng tay y tế cũ; cùng thùng, hộp, tem giả - 9 năm 6 tháng tù; Lê Đức Chương (lao động tự do) 8 năm tù; Lê Ngọc Ngân (làm thuê) 7 năm tù; Nguyễn Thị Lynh Trang (làm thuê) 4 năm 6 tháng tù.

Ngày 7-3-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố 3 bị can Nguyễn Nam Huy (39 tuổi, ngụ quận 1), Đỗ Thị Thu Mai (vợ của Nguyễn Nam Huy, Giám đốc Công ty TNHH She Medical, trụ sở tại TPHCM) và Nguyễn Quang Thái (39 tuổi, ngụ quận 5) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán găng tay y tế.

Trước đó, tháng 11-2020, Phòng CSKT Công an TPHCM nhận được đơn tố cáo của một công ty có trụ sở tại Nhật Bản tố cáo Nguyễn Nam Huy và Đỗ Thị Thu Mai có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán găng tay y tế để chiếm đoạt số tiền cọc là 1.785.000USD (khoảng 41 tỷ đồng). Cơ quan điều tra xác định Mai, Huy và Thái lợi dụng tình trạng khan hiếm găng tay y tế trong dịch bệnh Covid-19, đưa ra thông tin gian dối để công ty có trụ sở tại Nhật Bản tin tưởng ký kết hợp đồng, chuyển 1.785.000USD tiền đặt cọc, từ đó chiếm đoạt.

Gần đây nhất, ngày 9-6-2022, Phòng CSKT Công an TPHCM triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả do Phạm Bích Ngọc (SN 1974, ngụ Q8) cầm đầu. Đây là đường dây sản xuất tân dược giả quy mô, chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng có quan hệ anh em, họ hàng cấu kết thực hiện khép kín. Nhà máy sản xuất thuốc thật được dùng để sản xuất thuốc giả nhằm qua mắt cơ quan chức năng.

Khám xét Công ty địa ốc Alibaba

Cụ thể, Công ty Cổ phần dược phẩm Amtex Pharma (Cty Amtex Pharma, ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) do Phạm Ngọc Bích (anh trai Phạm Bích Ngọc) làm giám đốc, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất, kinh doanh tân dược các loại. Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thấy nhu cầu đối với các loại tân dược ngoại nhập hỗ trợ điều trị Covid-19 lớn, Phạm Bích Ngọc cùng anh trai Phạm Ngọc Bích và đồng bọn đã tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo-Codion số lượng lớn ngay tại các nhà máy sản xuất nguyên liệu, xưởng ép vỉ, đóng gói tân dược thật nêu trên để đưa đi tiêu thụ, thu lợi bất chính.

Phạm Bích Ngọc và Phạm Ngọc Bích bố trí, sử dụng một khu vực riêng biệt tại nhà máy sản xuất tân dược thật tại huyện Bến Lức để sản xuất nguyên liệu, thành phẩm tân dược giả nhưng chưa ép vỉ. Sau đó, các đối tượng vận chuyển số thuốc này đến phân xưởng tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để ép vỉ, đóng gói thành thuốc giả, nhãn hiệu Neo - Codion (là nhãn hiệu thuốc ngoại). Sau khi đóng gói xong, các đối tượng vận chuyển thuốc giả về các địa điểm tại Q10, Q12, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn... rồi chở đi tiêu thụ.

Trong vụ án này, Phòng CSKT đã tạm giữ, niêm phong hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả; tạm giữ khoảng 1 triệu viên tân dược giả thành phẩm, nhiều nguyên liệu để sản xuất tân dược giả (trị giá tương đương 4,5 tỷ đồng hàng thật). Cơ quan điều tra đã khởi tố Phạm Ngọc Bích và 4 đồng phạm để phục vụ công tác điều tra.

Xử lý nhiều vụ án hậu Alibaba

Sau khi triệt phá thành công vụ án Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực cùng đồng phạm can tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "rửa tiền" xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba với 4.316 nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng, Phòng CSKT Công an TPHCM tiếp tục đánh mạnh vào những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản với tổng thụ lý 45 vụ/65 bị can.

Xưởng sản xuất găng tay y tế giả

Cụ thể, vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Angel Lina) và 3 đồng phạm thực hiện. Theo KLĐT, với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, Phạm Thị Tuyết Nhung tìm mua những thửa đất có diện tích lớn, mục đích sử dụng đất khác nhau như: đất ở, đất trồng cây, đất trồng lúa, đất ao hồ...

Sau khi thỏa thuận, Nhung cho lập ký các hợp đồng đặt cọc, thanh toán một phần tiền cho các chủ đất để làm tin, sau đó viện nhiều lý do để kéo dài thời hạn thanh toán, không hoàn tất việc nhận chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất. Tuy chưa hoàn tất việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cũng không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, tách thửa và không được cơ quan có thẩm quyền cấp duyệt dự án, bà Nhung đã cho người thiết kế, lập bản vẽ, phân chia khu đất thành nhiều nền đất dưới dạng thổ cư tỉ lệ 1/500, có đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, cấp nước và thoát nước và tự đặt tên dự án rồi tìm kiếm, thông qua các cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản cho quảng cáo, chào bán.

Khi tìm được khách hàng, Phạm Thị Tuyết Nhung và đồng phạm đã lập nên 9 dự án không có thật gồm: khu dân cư Nguyễn Thị Tú, khu dân cư Triều An, liên khu 5-6, khu dân cư Tây Lân, khu tổng thể phân lô Bùi Thanh Khiết, khu dân cư Hiệp Thành, khu nhà ở Xuân Thới Thượng, khu dân cư Làng đại học phường Linh Trung và khu dân cư Đỗ Xuân Hợp. Sau đó, các đối tượng phân thành các nền đất không có thật, chuyển nhượng 558 nền đất cho 413 cá nhân, hiện chiếm đoạt 556 tỷ đồng (trong đó Nhung 524 tỷ đồng, Trần Thị Mỹ Hiền 22 tỷ đồng).

Các bị can Lý Văn Sinh, Kiên Minh Tuấn và Nguyễn Ngọc Hoàng là các đồng phạm giữ vai trò giúp sức cho Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Mỹ Hiền, đã sử dụng pháp nhân của Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia ký kết hợp đồng với các bị hại, thỏa thuận chuyển nhượng các nền đất thổ cư trái pháp luật tại các dự án không có thật nhằm giúp cho bị can Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Mỹ Hiền chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Còn vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hành vi sử dụng pháp nhân Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Bảo Long để ký kết hợp đồng góp vốn khu đất nền phân lô tại số 51/1 Nguyễn Đôn Tiết (phường Cát Lái, Q2), số tiền thiệt hại lên tới hơn 110 tỷ đồng. Theo đó, Trần Thế Bảo và Trần Thị Hồng Gấm, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Bảo Long (Công ty Bảo Long) chiếm đoạt số tiền trên 110 tỷ đồng thông qua việc tự phân 2 thửa đất liền kề gồm thửa đất số 16, tờ bản đồ số 06 (51/1 Nguyễn Đôn Tiết, phường Cát Lái, Q2) và thửa đất số 2015, tờ bản đồ số 01 (phường Cát Lái, Q2) thành 73 nền đất, sau đó chào bán cho khách hàng, ký kết hợp đồng góp vốn, thu tiền theo tiến độ, cam kết sau 180 ngày đến 195 ngày kể từ ngày ký hợp đồng góp vốn sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên góp vốn.

Thế nhưng quá hạn cam kết, 2 thửa đất trên không chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị, không tách thửa, việc san lấp mặt bằng, thi công cơ sở hạ tầng trái phép đã bị UBND phường Cát Lái cưỡng chế, không thực hiện việc chuyển nhượng cho khách hàng, không hoàn trả tiền, chiếm đoạt trên 110 tỷ đồng của 52 cá nhân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang