Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022):

"Người truyền lửa" ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an Lâm Đồng

Thứ Hai, 18/07/2022 09:17

|

(CAO) Phòng CSHS Công an Lâm Đồng có bề dày thành tích về kết quả công tác, nơi quy tụ nhiều thế hệ CBCS giỏi nghề, nhiệt huyết, gắn bó với nghiệp "đánh án" phòng chống tội phạm, góp phần vào việc giữ vững, ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đại tá Phạm Hồng Tuấn - nguyên Trưởng phòng CSHS Công an Lâm Đồng (thứ 2 từ trái sang) và Thượng tá Phạm Xuân Thuỷ - Trưởng Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Lâm Đồng tại căn nhà đối tượng chủ mưu phá 10 ha rừng ở H.Lâm Hà - Lâm Đồng, tổ chức khám xét nhà đối tượng khi đối tượng đang bỏ trốn  

Đại tá Phạm Hồng Tuấn (SN 1964) - Trưởng phòng CSHS Công an Lâm Đồng vừa nhận quyết định nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác. Phần lớn thời gian anh trưởng thành, làm chỉ huy, lãnh đạo, gắn bó với Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc. Anh luôn hết mình vì nhiệm vụ công tác, là tấm gương sáng cho lớp thế hệ trẻ noi theo.

Nhiều chỉ huy, lãnh đạo Phòng CSHS Lâm Đồng trưởng thành từ đây; trở thành Phó giám đốc Công an tỉnh, Trưởng các phòng nghiệp vụ khác hoặc làm lãnh đạo Công an các đơn vị cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh; như Đại tá Trần Đình Thư, từ là trinh sát, Đội phó, Đội trưởng, Phó, Trưởng phòng, sau là Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, phụ trách xây dựng lực lượng (hiện đã nghỉ hưu); Đại tá Đinh Xuân Huy, nguyên Phó, Trưởng Phòng CSHS, hiện là Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh; Thượng tá Phạm Xuân Thuỷ - Trưởng Văn phòng Cơ quan CSĐT, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Công an tỉnh; Thượng tá Lương Đình Chức, nay là Trưởng phòng CSĐT tội phạm ma tuý... Tuy nhiên, người gắn bó, "trung thành" nhất, có nhiều năm công tác, góp công vun đắp, bồi dưỡng cho lực lượng kế thừa tại Phòng CSHS Công an Lâm Đồng là Đại tá Phạm Hồng Tuấn.

Anh tốt nghiệp đại học ra trường, trở thành người cán bộ trẻ của Phòng CSHS, sau đó làm Đội phó và được Ban Giám đốc rút về làm Đội trưởng Đội Chuyên đề Cảnh sát (nay là Đội Tham mưu - Tổng hợp) của Phòng Tham mưu Công an tỉnh. Năm 2003, anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng CSHS và giữ chức vụ này suốt 11 năm; trong đó, 8 năm phụ trách Đội phòng ngừa đấu tranh, chống tội phạm theo tuyến - địa bàn, 3 năm là Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, phụ trách tố tụng. Cuối năm 2015, anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng CSHS cho đến ngày nghỉ hưu.

Đại tá Phạm Hồng Tuấn (áo trắng) cùng đồng đội tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ đối tượng Kiều Quốc Huy sát hại 3 nạn nhân (trong đó có đôi vợ chồng trẻ) để cướp tài sản tại H.Bảo Lâm - Lâm Đồng

Ấn tượng của các đồng nghiệp, những người đã tiếp xúc với anh là sự bình dị, chất phác, say nghề. Anh luôn xông xáo, có mặt tại hầu hết các vụ trọng án bất kể vụ án, chuyên án đó kéo dài cả tháng trời, để cùng cấp trên, đồng đội truy tìm, đánh giá từng dấu vết, vật chứng, tìm ra thủ phạm.

Là phó rồi trưởng phòng, nhưng anh không quan cách, mà luôn gần gũi, thân tình với mọi người, với CBCS đơn vị; luôn sẵn sàng "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng kiêm nhiệm hoạt động trinh sát) với đồng đội, cấp dưới khi án xảy ra tại các địa bàn thôn, xã. Anh luôn sâu sát hiện trường để nắm rõ, nắm kỹ mọi vấn đề liên quan đến công tác công an.

Là phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh nhiều năm gắn bó với Phòng CSHS, tôi nhiều lần theo xe của đơn vị anh đi công tác, khi án xảy ra, bất kể ngày, đêm; chứng kiến vị lãnh đạo phòng không quản ngại lặn lội địa bàn, tập trung, trăn trở với vụ án, cùng có mặt trong những bữa ăn, giấc ngủ đơn sơ với đồng đội, cấp dưới. Trong công việc hay đời thường, anh em Phòng CSHS đều quý mến, thoải mái khi trao đổi với anh.

Anh xưng hô với cấp dưới thân tình: "ông - tôi", sống khiêm tốn, hoà đồng. Theo nếp của anh và truyền thống đơn vị, các Phó trưởng phòng, chỉ huy cấp Đội và các cán bộ, trinh sát đều miệt mài, kiên trì, đam mê với nghề "bắt tội phạm hình sự".

Trinh sát, điều tra viên hình sự và các lực lượng chức năng Lâm Đồng tại hiện trường một vụ trọng án

Anh từng chia sẻ với chúng tôi: "Trong làm án, không được khinh suất, coi nhẹ từ một người lính, một thông tin dù là nhỏ nhất. Đôi khi, một người lính có thể có đóng góp bất ngờ, có thông tin giá trị, giúp làm sáng tỏ vụ án. Anh em (ý nói cấp dưới) vất vả, họ phải thường xuyên bám trụ địa bàn, kể cả khi án không xảy ra hay khi một vụ án xảy ra, họ nắm thông tin từ cơ sở, tổng hợp tài liệu để chỉ huy, lãnh đạo lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh phá án. Trinh sát giỏi không nên mắc bệnh "ngôi sao".

Việc một vụ án được làm sáng tỏ, tất cả đều là công sức, đóng góp, thành quả của cả tập thể; trong đó, nhiều khi có vai trò quan trọng, nhờ "tai mắt" của nhân dân. Giờ anh em chịu khó học hỏi, trang bị kiến thức, công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác là rất đáng quý. Tiếc là trong việc quản lý, điều hành của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập, khiến có lúc anh em nản lòng, hiệu quả công việc nhiều khi không như mong muốn... Nhưng, lính hình sự mà, phải vững vàng, cầu thị, chịu khó...", anh nói, bằng chính sự trải nghiệm, trách nhiệm và cả những trăn trở của mình.

Là người có kinh nghiệm, nhiều năm gắn bó với lực lượng CSHS, có tinh thần trách nhiệm với công việc cao, thương lính, anh được đồng đội đơn vị xem là người anh mẫu mực, người thầy - nhiều năm của Phòng CSHS Công an Lâm Đồng.

Trong bài viết này tôi không nhắc lại những vụ án mà Đại tá Tuấn đã cùng đồng đội, các lực lượng Công an Lâm Đồng tham gia điều tra, khám phá, mà phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã kịp thời thông tin, phản ánh các vụ cụ thể vào thời điểm vụ án xảy ra. Chỉ là vì những cảm nhận - không phải của riêng tôi, về một người chỉ huy ở một đơn vị chiến đấu, anh để lại dấu ấn sâu sắc về người lính: giản dị, cần mẫn, đạo đức sáng, có giá trị "truyền nghề" cho lớp thế hệ trẻ noi theo.

Nhiều năm qua, Phòng CSHS Công an Lâm Đồng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều tập thể và cá nhân được ghi nhận, tặng thưởng bằng khen, giấy khen, huân, huy chương và các phần thưởng khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang