Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2022):

Lực lượng An ninh Công an TPHCM trong chuyên án nổi tiếng nhất (kỳ cuối)

Thứ Tư, 13/07/2022 13:42

|

(CATP) Chúng tôi thực hiện loạt bài này nhằm tôn vinh và thể hiện sự biết ơn đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) An ninh nhân dân đã đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân.

Nhắc lại Chuyên án Z5.01 từ hơn 20 năm trước có thể sẽ gợi lại nỗi buồn cho các cá nhân và gia đình, cơ quan, đơn vị có người liên đới đến vụ án và đã chấp hành xong các hình phạt. Đó không phải là mục đích của các tác giả loạt bài này. Vì vậy chúng tôi chỉ tập trung vào những "trận đánh" có tính chất đột phá của chuyên án, thể hiện cái tài, cái tâm của lực lượng an ninh khi làm nhiệm vụ hình sự khá mới mẻ. Chúng tôi không nhắc lại những tên tuổi bị can, bị cáo đã đi vào cõi vĩnh hằng hoặc đang muốn gác lại quá khứ buồn để phấn đấu chuộc lại lỗi lầm, làm người có ích cho xã hội.

Bài cuối: ĐOÀN HÙNG BINH XUẤT TRẬN

Chiều 19-10-2001, trong một con hẻm ở P13, Q8 xuất hiện một số nam, nữ thanh niên, trung niên mặc đồ thể thao, đeo túi vợt tennis đi bộ thong thả, nói cười râm ran về một giải đấu gay cấn họ vừa tham gia và đạt được thành tích đáng mừng.

Sự xuất hiện của các tay vợt vui tính trong con hẻm nhỏ của dân lao động cũng không gây chú ý lắm, bởi từ nhiều tháng qua, ngày cũng như đêm, con hẻm này luôn chộn rộn những kẻ lạ mặt ra vào một sòng bạc được tổ chức trong một căn nhà giữa hẻm. Bà con sống trong hẻm ngày nào cũng chạm mặt các đối tượng này, biết chúng đến tham gia đỏ đen ở sòng bạc ồn ào đó, nhưng không muốn đụng chạm.

Các đối tượng "gác chèo" (cảnh giới lực lượng công an) được rải dọc từ trong hẻm ra đường lớn bên ngoài cũng không mấy lưu tâm đến "những người vừa chơi thể thao về". Đại sự bùng nổ chỉ trong nháy mắt khi "các nhà thể thao" móc súng ngắn và AK báng xếp trong các bao vợt tennis ra, tấn công chớp nhoáng vào sòng bạc.

Đối tượng ngồi ngoài cửa bị khống chế nhanh chóng, tấm cửa ngăn bằng thép chắc chắn cũng bị phá khóa để các nam, nữ trinh sát an ninh thần tốc ập vào nổ súng, khống chế các con bạc, giữ nguyên hiện trường, tang vật...

Phiên tòa xét xử các đối tượng trong chuyên án Z5.01

Đây là trận đánh khởi đầu cho Chuyên án Z5.01 với thắng lợi tuyệt đối, mở đường cho các cuộc đột kích vào các thế lực bảo kê, bao che cho hoạt động của một "tập đoàn tội phạm" có "chân rết" từ Bắc vào Nam, có sự hậu thuẫn từ một số cán bộ biến chất trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật.

Để có được thắng lợi "mở màn" này, suốt một thời gian dài, các trinh sát an ninh phải hóa trang thành các thợ hồ, thợ điện, thợ cấp thoát nước... Buổi sáng vào cổng chính Công an TPHCM trên đường Trần Hưng Đạo để "thi công", buổi chiều cũng ra cổng chính để về với đầy đủ đồ nghề và y phục của "các loại thợ"...

Họ phải kiên trì như vậy vì ông trùm của "tập đoàn tội phạm" này có đặt "ăng ten" đối diện trước cổng chính. Mỗi chuyến xe chở quân xuất phát từ đây sẽ nhanh chóng được báo động, theo dõi đường di chuyển. Nếu đi về hướng sòng bạc lớn này, dĩ nhiên ông trùm và các tay chân sẽ kích hoạt chế độ "xóa dấu vết".

Các "ông, bà thợ" suốt thời gian dài vào ra cổng chính đã được nhận diện và loại khỏi tầm theo dõi của "ăng ten", nên khi họ xuất hiện trước cửa sòng bạc là quá bất ngờ, các đối tượng không thể trở tay, đối phó. Đó là lý do khi sòng bạc này "thất thủ” và tin báo đến điện thoại của ông trùm thì ông vẫn không tin, khi buộc phải tin thì ông lại lắp bắp, hoang mang: lực lượng nào mà "xuất quỷ nhập thần" như vậy?

Gần 2 tháng sau, ông trùm đã tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của mình vào ngày 12-12-2001, trong hoàn cảnh khá oái oăm, bất ngờ. Hôm đó, ông cưỡi chiếc Spacy từ nhà ở Q3, vòng vèo vài con phố rồi tấp vào một tiệm gội đầu, massage trên đường Tôn Thất Tùng, Q1. Ông tận hưởng sự vui vẻ, chăm sóc xong ra lấy xe về thì các trinh sát an ninh xuất hiện, yêu cầu ông quay trở vào nơi ông vừa thư giãn để nghe đọc lệnh bắt.

Giờ thì ông đã "cầu được ước thấy" khi được nhìn rõ từng con người, nghe rõ từng khẩu ngữ đọc lệnh bắt, khám xét của họ. Ông đã hiểu vì sao sòng bạc được bảo kê và có "ăng ten" cảnh báo từ xa, từ trong nội bộ các cơ quan chuyên trách chống tệ nạn cờ bạc... mà vẫn "thất thủ” trong nháy mắt. Khi hiểu ra mình bị bắt bởi những lực lượng "rất lạ”, rất "thiện nghệ", ông rũ người suy sụp...

Đông đảo phóng viên trong và ngoài nước đến tác nghiệp tại phiên tòa xét xử các đối tượng trong vụ án Z5.01

Trước khi đánh sòng bạc tử huyệt của hệ thống tội phạm này, lực lượng trinh sát an ninh đã đeo bám các đối tượng cốt cán và cả ông trùm 24/24. Họ đã chịu biết bao khổ nhục khi xã hội hóa cho vai của mình. Có đối tượng đi ăn chơi gần sáng mới về đến nhà, thấy một "gã ăn mày" nhếch nhác nên đá vào mông, chửi bới đuổi đi... Sau này gặp lại một người "quen quen" trong phòng lấy cung, "đại gia" đang nổi tiếng trên báo chí đó không thể ngờ, đó là "gã ăn mày" ngủ ké mái hiên bị y đá đít mấy tháng trước.

Nhiều trinh sát an ninh khác từng kể cho nhóm tác giả loạt bài này về những kỷ niệm khó quên trong Chuyên án Z5.01. Họ được phân công ngoại tuyến những đối tượng đêm nào cũng vào vũ trường ăn chơi. Lương trinh sát vốn đã ít, công tác phí cho mỗi đêm đeo bám đối tượng chỉ hai, ba chục ngàn đồng, trong khi một lon bia hay lon nước ngọt, nước cam trong vũ trường có giá gấp 9, 10 lần công tác phí. Đó là chưa kể phải thuê đồ thật "kẻng" cho ra dáng tay chơi phong lưu để không bị để ý. Những đêm như vậy, họ vừa lo mất dấu đối tượng sẽ bị kỷ luật, vừa sợ chi phí bất ngờ phát sinh thêm thì... không biết lấy gì để trả.

Có trinh sát nam cao to đẹp như Tây lai nên khi vào vũ trường, bia ôm không chỉ các đào mê mà cả má mì cũng đến nhõng nhẽo. Anh sợ toát mồ hôi vì riêng khoản "bo" cho các nàng chắc cả tháng lương cũng không đủ, chưa kể chi phí thức ăn, bia bọt. Ngoài mặt vẫn cười tươi mà trong lòng thầm than khổ.

Có hôm chàng trinh sát đẹp trai này "đụng độ” với một vị chỉ huy đơn vị bạn trong vũ trường. Vị này nhìn anh khinh khỉnh vì biết anh đang làm nhiệm vụ trinh sát và có thể đang theo dõi ông ta. Ông đến bàn, lấy cái điện thoại cùi bắp của anh rồi thản nhiên thả vào ly nước cam anh vừa kêu ra chưa kịp uống. Sau đó ông ta dửng dưng, cao ngạo chấp tay sau đít bỏ đi. Sau này, sĩ quan chỉ huy đường bệ đó là một trong 21 bị cáo, nguyên là cán bộ trong tổng số 155 bị cáo của phiên tòa xét xử ông trùm cùng đồng phạm.

Các đối tượng trong chuyên án Z5.01 được dẫn giải đến tòa

Có trinh sát kể chúng tôi nghe về hiểm nguy khi họ dùng xe máy "cùi bắp" để đeo bám đối tượng đi ôtô xịn trên đường đi Đà Lạt, Vũng Tàu... Có trinh sát lại ngậm ngùi khi phải "giám sát" người từng là cấp trên, thần tượng của mình. Với những đối tượng am hiểu nghiệp vụ như vậy, trách nhiệm của trinh sát càng thêm "nặng nề" về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cũng qua Chuyên án Z5.01, CBCS an ninh được trui rèn, thử thách, trưởng thành vượt bậc. Nhiều người trở thành các vị chỉ huy cấp phòng, cấp quận hoặc được thăng cấp thiếu tướng, trung tướng, làm lãnh đạo Công an TPHCM, như Trung tướng Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Công an TPHCM nhiệm kỳ 2010 - 2015, nguyên Trưởng phòng An ninh văn hóa tư tưởng, thành viên Ban chỉ đạo Chuyên án Z5.01, đã hỗ trợ cho phóng viên Báo CATP rất nhiều trong việc đưa tin, bài tuyên truyền vụ án này; Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Trưởng phòng An ninh điều tra, Phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra tham gia Chuyên án Z5.01; Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM (từ 2001 đến 2019), là vị chỉ huy trực tiếp của lực lượng trinh sát an ninh tập kích vào sòng bạc của ông trùm, mở màn cho chuyên án đấu tranh với tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, cầm đầu bởi một đối tượng (đã bị tử hình vào ngày 03-6-2004 nên chúng tôi không muốn nhắc lại tên để không ảnh hưởng đến gia đình, thân nhân của người đã đền tội).

Hơn 20 năm trước, Thượng tá Phan Anh Minh đã trực tiếp cung cấp cho phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tình tiết gay cấn khi sử dụng lực lượng trinh sát an ninh đánh sòng bạc lớn của ông trùm. Nghe xong, chúng tôi "nổi ý tham", xin cho Báo CATP được độc quyền về thông tin phá sòng bạc, đồng chí Phan Anh Minh đã cười, nói một câu chúng tôi vẫn nhớ đến bây giờ: "Sao cậu khôn thế?!"... Xin cảm ơn Thiếu tướng Phan Anh Minh - một vị chỉ huy để lại nhiều ấn tượng với CBCS Công an TPHCM nói chung, với lực lượng an ninh trong Chuyên án Z5.01 nói riêng và với cả những người viết báo như chúng tôi...

Lực lượng An ninh Công an TPHCM trong chuyên án nổi tiếng nhất (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang