75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND: Người chỉ huy trên những tuyến đầu

Thứ Tư, 06/07/2022 15:55

|

(CAO) Gánh trên vai hai trọng trách cùng một lúc, những cán bộ chiến sĩ Công an mặc blouse trắng được ví như tuyến đầu của những tuyến đầu, góp phần đắc lực vào thành công khống chế dịch bệnh Covid-19.

Trong cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Công an và Y tế là 02 trong  số lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch. Gánh trên vai hai trọng trách cùng một lúc, những cán bộ chiến sĩ Công an mặc blouse trắng được ví như tuyến đầu của những tuyến đầu, góp phần đắc lực vào thành công khống chế dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND (12/7/1947 - 12/7/2022), chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng Thượng tá, Bác sĩ Tô Quốc Hùng - người chỉ huy bản lĩnh của lực lượng y tế Công an TPHCM trên trận tuyến này.

Chúng tôi liên hệ với Thượng tá, Bác sĩ Tô Quốc Hùng, biết có phóng viên muốn tìm hiểu, viết bài nên ông có nhiều đắn đo. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc có diện tích khiêm tốn tại trụ sở Bệnh viện Công an TPHCM, bác sĩ Hùng khá dè dặt. Sau một lúc trò chuyện ông dần cởi mở và chia sẻ về giai đoạn vô cùng khó khăn trong quãng đời công tác của mình.

“Chống dịch như chống giặc”

Nhớ lại một đêm trước Giao thừa năm 2020, đang dùng bữa tối cùng gia đình, bác sĩ Hùng nhận thông tin khẩn từ Cục Y tế, Bộ Công an về việc Covid-19 có thể xâm nhập Việt Nam. Ngay trong đêm, ông triển khai thông báo đó đến các đơn vị trực thuộc.

CATP-480-2022-7-6/hinh-1.jpg" style="width:100%;border: solid 1px #ffffff" title="" />
Bác sĩ Hùng (thứ 2 từ phải qua) đến thăm và động viên bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ trong cao điểm chống dịch

Dưới sự tham mưu đề xuất và chỉ đạo của ông, nhiều hoạt động cấp bách phòng chống dịch sau đó trong lực lượng CATP nhanh chóng triển khai như: thành lập và đưa vào hoạt động 04 Khu cách ly và Bệnh viện dã chiến CATP; triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Sars-CoV-2 cho cán bộ chiến sĩ, thực hiện các đợt tiêm chủng cho cán bộ chiến sĩ, thân nhân cán bộ chiến sĩ và can phạm nhân; thành lập khu cách ly trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc CATP...

Đảm nhận cùng lúc 2 vai trò là Giám đốc Bệnh viện CATP và Giám đốc Bệnh viện dã chiến CATP với nhiều công việc cấp bách và nguy hiểm, Thượng tá, bác sĩ Tô Quốc Hùng đã lãnh đạo lực lượng y tế CATP hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch và các công tác thường xuyên khác của bệnh viện.

Với quân số chưa đến 100 người nên để đảm nhận cùng lúc nhiều công việc, bác sĩ Hùng chủ động bố trí lực lượng làm việc tại nhiều nơi khác nhau, để lỡ nơi này có người nhiễm bệnh thì những khu vực khác vẫn đảm bảo được công tác.

Dưới sự quản lý của ông, bác sĩ cùng nhân viên y tế bệnh viện tỏa ra đóng chốt 24/24 ở các khu vực bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa, thực hiện các nhiệm vụ như: xét nghiệm định kỳ cho cán bộ chiến sĩ, can phạm nhân; sàng lọc cán bộ chiến sĩ tại các đơn vị có ca nhiễm, phun khử khuẩn nơi làm việc; tham gia theo dõi, điều trị cán bộ chiến sĩ bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid; tiêm chủng vắc-xin cho cán bộ chiến sĩ, thân nhân cán bộ chiến sĩ...

Bác sĩ Hùng (đứng đầu tiên từ bên trái) cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và CATP  cắt băng khánh thành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid của CATP.

Dù lực lượng mỏng, mỗi người phải làm việc gấp hai, gấp ba lần so với giai đoạn trước dịch bệnh nhưng noi gương bền bỉ của bác sĩ Hùng, cán bộ chiến sĩ bệnh viện giữ nguyên ý chí chiến đấu và làm việc hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng lòng, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh

Thời điểm đỉnh dịch tại TPHCM, lúc này, vắc-xin vẫn chưa được phủ đầy trong lực lượng CATP. Thuốc điều trị đặc hiệu chưa có, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh còn cao khiến tâm lý nhiều người hoang mang.

“Có nhiều đêm anh em bệnh viện không thể ngủ được. Điện thoại reo liên tục, vừa nhận cuộc gọi báo từ đơn vị này chưa kịp ghi sổ thì đơn vị khác đã điện tới yêu cầu hỗ trợ vì có ca F0. Điện thoại sử dụng chưa được nửa ngày thì đã hết pin. Hầu như ngày nào cán bộ chiến sĩ bệnh viện cũng phải làm việc xuyên suốt từ khi mặt trời còn chưa mọc đến tận 2 giờ khuya mới được chợp mắt”. Bác sĩ Hùng nhớ lại rồi trầm ngâm: “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc đó là có đủ vắc-xin để phủ hết cán bộ chiến sĩ, để đồng đội có kháng thể chống lại Covid-19, tiếp tục thực hiện công tác, nhiệm vụ chính trị”.

Nỗi trăn trở của bác sĩ Hùng càng lớn khi có thời điểm số F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến CATP lên đến con số gần 300 người. Trong đó có không ít ca trở nặng phải thở máy Ecmo với chi phí điều trị lên đến hàng tỷ đồng.

Bác sĩ Hùng kiểm tra thuốc điều trị.

Nhân viên y tế bệnh viện do công tác mà nhiều tháng liền chưa được về nhà. Nhiều người trong đó bị Covid-19 phải “thay phiên” nhau cách ly và điều trị do bị nhiễm Covid trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cá biệt có người bị nhiễm Covid đến 02 lần, khi vào bệnh viện vẫn phải nằm ngoài hành lang do thời điểm đó cao điểm nên bệnh viện quá tải.

Cùng lúc này, 7 thành viên trong gia đình bác sĩ Hùng cũng nhiễm bệnh, trong đó cha và mẹ ruột ngoài 80 tuổi trong tình trạng nguy kịch phải thở máy. Là một bác sĩ, chỉ huy trong lực lượng Công an, trong mùa dịch, ông xông pha khắp các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chữa trị hàng ngàn F0, thế nhưng khi người thân lâm bệnh ông lại không thể cận kề chăm sóc. Chắc hẳn, hơn ai hết bác sĩ Hùng đã phải trải qua sự đấu tranh tâm lý rất căng thẳng.

Càng đau xót hơn khi mẹ ruột của bác sĩ cũng không qua khỏi và ra đi vì bệnh Covid-19.

“Thời điểm đó Bệnh viện CATP vẫn còn là một bộ phận trực thuộc Phòng Hậu cần. Lúc này, Ban Giám đốc bệnh viện chỉ có một mình tôi. Tình hình dịch thì căng thẳng, nhiều anh em làm việc quần quật đêm ngày. Bản thân mình là người đứng đầu nếu cứ loay hoay việc gia đình thì các công tác tại bệnh viện không ai điều hành” - Bác sĩ Hùng tâm sự. Chính vì vậy, ông vừa động viên các thành viên trong gia đình từ xa, ông tiếp tục ở lại bệnh viện để kề vai sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ chống dịch.

Trọn nhiệm vụ với ngành, với công việc chuyên môn, bác sĩ Hùng trở về gia đình khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, gần 1.500 cán bộ chiến sĩ F0 được chữa trị khỏi bệnh. Nhiều cảm xúc đan xen trong ngày đoàn viên. Có lẽ với một người bác sĩ Công an thì điều quan trọng nhất chính là sự an toàn, là sức khỏe của đồng đội và của nhân dân.

Nhìn lại quãng thời gian qua với nhiều khó khăn, vất vả nhưng Thượng tá, Bác sĩ Tô Quốc Hùng với vai trò đứng đầu, đã dẫn dắt tập thể Bệnh viện CATP đạt nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch (tập thể bệnh viện Công an TPHCM được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Riêng cá nhân bác sĩ Hùng nhận được Bằng khen của Bộ Công an).

Bác sĩ Tô Quốc Hùng luôn tận tâm trong công tác chuyên môn.

Tuy nhiên, khi nói về những thành tích đó, bác sĩ Hùng khiêm tốn cho biết, để vượt qua nghịch cảnh trên tất cả là nhờ tập thể đội ngũ bác sĩ nhân viên y tế của Bệnh viện đã không ngại hiểm nguy, gian khổ, đồng lòng cùng ông vượt qua khó khăn, trở ngại.

Ngày 27/1/2022, Bệnh viện CATP chính thức tách ra khỏi Phòng Hậu cần thành một đơn vị độc lập dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng y tế CATP phát huy hơn nữa hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân.

Với bác sĩ Hùng, đó còn là thách thức để ông cùng các đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ quản lý để đưa bệnh viện trở thành địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy của CBCS và nhân dân TP, phục vụ đắc lực công tác chiến đấu của lực lượng CATP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang