Đến Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, nếu không liên lạc trước sẽ rất khó gặp được người cần gặp, bởi các anh ở ngoài đường, hiện trường hay đi công tác… nhiều hơn là có mặt ở trụ sở làm việc. Hãn hữu lắm mới có dịp thấy các anh tề tựu đông đủ, nói cười vui nhộn, còn lại đều luôn trong trạng thái trụ sở vắng hoe người, nếu có gặp, ai cũng căng thẳng, đăm chiêu với công việc.
Người lạ đến đây “ngán” lắm, riêng chúng tôi vì làm báo, đeo đuổi, gắn bó nhiều năm nên hiểu tính cách từng người. Vẻ mặt “lạnh” vậy thôi, nhưng trái tim, tâm hồn các anh đều rất tình cảm, nhiệt huyết, ấm nồng. Không ít chiến sĩ rất vui tính, thích kể chuyện tiếu lâm và có nhiều tài lẻ. Các anh nói rằng, “đánh” án vừa là nghiệp, vừa là niềm đam mê.
Ngày 12-1-2017, Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an gắn Huân chương chiến công hạng Ba lên lá cờ truyền thống của lực lượng CSHS Công an Lâm Đồng. Huân chương này tặng cho phòng PC45. Ảnh: Đ.Huy
15 năm làm báo, chừng ấy năm gắn bó với Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, ấn tượng của tôi về các anh là những người làm nghề tiếng thì “oai”, nhưng sự thật là rất nhiều khó khăn gian khổ. Các anh khoác trên vai mình trọng trách phòng chống, truy bắt các loại tội phạm hình sự: giết người, lừa đảo - lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cờ bạc, mại dâm, bắt cóc, mua bán người… để đảm bảo trật tự, bình yên trên địa bàn. Án xảy ra, nhất là án “nóng”, trọng án, áp lực với các anh rất lớn.
Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên, địa hình đồi núi phức tạp, tập trung gần 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có nhiều thành phần dân cư ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều tập trung ở đây. Những năm trước, lợi dụng địa bàn, dân cư, nhiều thành phần đối tượng là các tay “anh chị” phía Bắc, miền Trung, Đồng Nai, TP.HCM… về đây vừa để lẩn trốn vừa điều hành hoặc trực tiếp gây ra rất nhiều vụ án nghiêm trọng: đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, thậm chí là thanh toán lẫn nhau, cờ bạc tiên tỉnh…
Điển hình như băng nhóm hoạt động kiểu “xã hội đen” Hưng Vườn điều (Đồng Nai), Hùng Bắc (Hải Phòng), Oanh Hà (chị gái trùm giang hồ đất cảng Dung Hà) cùng 30 đối tượng, trong đó có nhiều tay anh chị cộm cán ở Hải Phòng, Hà Nội thuê xe ô tô đến đất Lâm Đồng hành nghề cờ bạc, Dũng “nô”, Lê Văn Dũng… đốt nhà trả thù, cưỡng đoạt tài sản… hoạt động ở địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc, TP.Đà Lạt. Quyết tâm thanh trừng cái xấu, cái ác, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh các thời kỳ, những băng nhóm “xã hội đen” này đã bị lực lượng CSHS Công an Lâm Đồng từng bước bóc gỡ, xử lý triệt để, hết đất sống.
Đại tá Vũ Nhân Khánh (áo khoác đen) cùng đại diện lãnh đạo lực lượng CSHS các
đơn vị tỉnh Lâm Đồng tại hiện trường vụ án mạng 2 nạn nhân bị hung thủ Kiều Quốc Huy sát hại
Thời gian gần đây xảy ra một số vụ trọng án, như án giết người, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức độ, quy mô khá nghiêm trọng. Như vụ án băng nhóm cưỡng đoạt tài sản của bà con nông dân, doanh nghiệp nhỏ, xảy ra ở huyện Lâm Hà, do đối tượng Trần Đức Hưng (tức Hưng phở, SN 1973, trú thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) cầm đầu; vụ án Kiều Quốc Huy (SN 1987, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, tạm trú tại TP.Bảo Lộc – Lâm Đồng) xuống tay giết 3 mạng người rồi chôn giấu xác phi tang.
Nạn nhân là người tài xế lái taxi ở tỉnh Đắk Lắk và cặp vợ chồng trẻ là anh Đỗ Hoàng Bình – chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (cùng SN 1988). Hay mới đây là vụ cặp tình nhân máu lạnh Nguyễn Thành Đức – Trần Thị Tuyết Hương (cùng 29 tuổi) ra tay giết người chồng rồi chôn giấu xác phi tang (xảy ra tại huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng). Một cặp tình nhân khác là Lê Văn Chiều – H’ken K’giang (đều 22 tuổi) ở tỉnh khác, đến TP.Bảo Lộc giết người chạy xe ôm để lấy tiền đi chơi lễ tình nhân.
Nhiều vụ đối tượng giả danh cán bộ lừa chạy việc, chạy trường, bán đất dự án. Nhiều vụ bể hụi (huê), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng… Án xảy ra, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, của lãnh đạo phòng, các trinh sát hình sự phải gác lại mọi việc của gia đình, xách ba lô đi xuống ăn ở tại địa bàn – hiện trường, một số lên đường đi công tác, lần tìm chứng cứ, truy bắt nghi phạm, nghi can. Mỗi khi có án xảy ra, gần như cả phòng được huy động, dốc toàn tâm, toàn lực vào vụ án, chuyên án.
Một số vụ án giết người nghiêm trọng, chúng tôi được theo, chứng kiến các anh ở hiện trường phải trực tiếp tiếp xúc thi thể nạn nhân, thu thập từng chút chứng cứ; đi công tác các tỉnh như “cơm bữa”; đối tượng lì lợm, ngoan cố, cứng đầu, bất hợp tác; chỗ ăn ở tạm bợ, chủ yếu cơm hộp, bánh mì; nhiều anh vợ con đau ốm, vợ một mình tất bật lo chuyện đưa đón học hành cho con trẻ… nhưng cũng đành phó mặc vì nhiệm vụ; nhiều vụ trọng án, án mờ, án khó xảy ra đúng vào dịp lễ, tết, các anh vừa chịu “mất tết”, vừa đành lỗi hẹn sum họp với người thân… mới thấy nghề “cảnh sát hình sự” quá thiệt thòi, gian lao. Nhiều vụ án xảy ra trong rừng sâu, thác, suối, đường đi lại cheo leo, vất vả, thậm chí tai nạn trực chờ.
Đại tá Phạm Hồng Tuấn – Trưởng Phòng CSHS Công an Lâm Đồng nhận Giấy khen của Thiếu tướng Bùi Văn Sơn – Giám đốc công an tỉnh. Ảnh: Tiến Dũng
Trọng án xảy ra trên địa bàn các huyện, thị, thành, trong vai trò chủ công, Phòng CSHS tham gia, nhanh chóng phá được vụ án, bắt được thủ phạm, gây nức lòng người dân và báo chí. Nhiều trường hợp người dân gửi thư khen ngợi, cảm ơn cán bộ chiến sĩ Phòng CSHS mưu trí, dũng cảm, sớm bắt được tội phạm khiến các bị hại, thân nhân các nạn nhân xấu số được yên lòng. Đó là món quà tinh thần đầy ý nghĩa với những người chiến sĩ CSHS.
Gắn bó lâu nhất với Phòng CSHS Lâm Đồng, với “nghề” CSHS phải kể đến vị Trưởng phòng - Đại tá Phạm Hồng Tuấn. Đối với tập thể đơn vị, Đại tá Tuấn là người anh cả đầy thân thương – trách nhiệm. Từ người lính trinh sát, anh trở thành chỉ huy cấp đội rồi lên các chức vụ Phó, Trưởng phòng. Tính anh thân thiện, điềm đạm, dễ gần. Anh rất ít khi kể về mình mà luôn nói đó là chiến công của cả tập thể, là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên.
Những vụ án đã “hòm hòm”, đã có kết luật điều tra và có ý kiến cấp trên, được ngồi nghe anh kể án thì bất kỳ nhà báo nào cũng sẽ thỏa mãn lắm. Tha hồ mà viết. Anh thuộc án làu làu, nhất là tâm lý từng đối tượng - tội phạm, từng chi tiết, diễn biến vụ án. Nhiều trinh sát trẻ tâm sự: “Anh Tuấn tâm lý lắm, luôn hỏi han, động viên, chỉ bảo cấp dưới. Tụi tôi vì thế cũng từng bước trưởng thành, tránh được nhiều va vấp trong nghề”.
Có lần tâm sự với chúng tôi, anh Tuấn chia sẻ: “Làm cảnh sát hình sự, chuyện phá án – bắt tội phạm là một lẽ, quan trọng là chứng cứ, hồ sơ vụ án phải đúng, phải chắc… Án xảy ra, trinh sát muốn nhanh chóng làm rõ thủ phạm, bắt về quy án, anh em nôn nóng một thì thân nhân nạn nhân, người bị hại mong ngóng hai – ba, thậm chí là mười (phần). Còn dư luận xã hội, sự tin tưởng của cấp trên nữa. Bởi thế, chúng tôi phải coi việc phá án là trách nhiệm, là danh dự của người cảnh sát hình sự, người chiến sỹ công an. Để nợ án là mình thua tội phạm, là có tội với nhân dân…”.
Tính cách, tinh thần của vị trưởng phòng dường như truyền cả sang lớp chỉ huy kế cận. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đều từ Phòng CSHS trưởng thành, đi lên, như: Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn, Thượng tá Lương Đình Chức – Phó phòng; Trung tá Phan Khắc Đức, Thiếu tá Phạm Ngọc Đằng – Chỉ huy cấp đội… đều để lại những dấu ấn, vai trò tích cực của mình trong việc tham gia triệt phá các vụ trọng án, án phức tạp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua.
Tập thể phòng CSHS Công an Lâm Đồng nhiều năm liền nhận Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì ANTQ” của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cá nhân nhận bằng khen, Giấy khen của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh cùng nhiều Huân, huy chương danh giá. Đặc biệt, cá nhân các đồng chí Phạm Hồng Tuấn, Lương Đình Chức đều nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Thành công - cả về nhân lực và hiệu quả công việc trong mọi mặt công tác của Phòng CSHS Công an Lâm Đồng, phần lớn nguyên nhân là nhờ một người đặc biệt đã có công truyền lửa, sâu sát với lực lượng hình sự Lâm Đồng nói chung và phòng CSHS nói riêng, đó là Đại tá Vũ Nhân Khánh – Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng. Bằng kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp dày dặn, vững chắc của người chỉ huy; sự sâu sát, thường xuyên trực tiếp có mặt ở hiện trường trước mỗi vụ án, chuyên án để chỉ đạo, định hướng đã giúp đơn vị chủ công – Phòng CSHS có những hướng đi đúng đắn để giải quyết chính xác các vụ án.