Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022):

Những tấm gương Cảnh sát 'bám rễ, nở hoa trong lòng dân'

Thứ Tư, 20/07/2022 09:09

|

(CAO) Nhân văn là bản chất của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) được Đảng, Nhà nước và nhân dân giáo dục, rèn luyện. Cảnh sát từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, bởi vậy hình ảnh các anh luôn trong lòng dân qua những nghĩa cử cao đẹp: từ người chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) suốt 21 năm chưa một lần chùn bước trước nguy nan, đến trung tá công an (CA) 65 lần tham gia hiến máu cứu người và anh tổ trưởng cấp căn cước công dân (CCCD) luôn tận tụy phục vụ nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất... Tất cả sẽ mãi đọng lại trong lòng dân!

Trung tá Nguyễn Chí Thành - 21 năm giữa lằn ranh sinh tử

Hơn 21 năm gắn bó với công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH), Trung tá Nguyễn Chí Thành (SN 1981 tại Củ Chi, TPHCM) không thể nhớ hết đã bao lần phải đối mặt với những vụ cháy nổ kinh hoàng, tai nạn thương tâm khiến nạn nhân không toàn mạng, thậm chí mất luôn xác. Anh cũng không thể nào quên những lần tìm kiếm, cứu người trong hang động nơi rừng sâu núi thẳm hay lặn dưới đáy sông giữa dòng nước chảy xiết... Dẫu nhiều lần đứng giữa lằn ranh sinh tử, đối mặt với sự sống và cái chết mong manh, nhưng Trung tá Nguyễn Chí Thành - một điển hình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - chưa một lần chùn bước...

Từng tham gia chữa cháy, CNCH cả ngàn vụ, nhưng vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC chiều 29-10-2002 đã để lại ấn tượng khó quên đối với Trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP). Công việc đầu tiên của anh Thành cùng đồng đội là cứu người bằng hai chiếc thang, đưa hơn 100 nạn nhân ra khỏi tòa nhà an toàn. Tiếp đó, anh đứng trên chiếc xe thang cao 32 mét lủng lẳng giữa không trung, cầm vòi phun nước chữa cháy suốt 5 giờ liền. "Chỉ cần run chân hay gió lay mạnh lắc lư thang làm mất thăng bằng là rơi xuống đất như chơi! Đó là chưa kể lửa trong tòa nhà có thể bùng lên, táp vào mặt hay những mảnh kính vỡ bắn ra vô cùng nguy hiểm", anh Thành nhớ lại.

Trung tá Thành tại Hội nghị tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”

Đến khoảng 20 giờ, ngọn lửa cơ bản được khống chế, anh Thành cùng đồng đội chia nhóm thâm nhập vào các tầng của tòa nhà tìm kiếm, đưa nạn nhân ra ngoài. Suốt nhiều giờ ra vào, mấy lần anh bị ngất, nhưng tỉnh lại là lao vào việc. Đồng đội của anh cũng thế. Việc tìm kiếm liên tục đến gần 10 giờ sáng hôm sau, nạn nhân cuối cùng là một phụ nữ bị kẹt trên la phông của phòng vệ sinh được anh Thành phát hiện. Chẳng chút do dự, Thành cùng đồng đội xốc người phụ nữ lên vai đưa xuống nhà, nước trong cơ thể lẫn máu của nạn nhân thấm ướt cả áo các anh.

Cuối tháng 11-2019, lần đầu tiên anh Thành nhận nhiệm vụ cùng đồng đội tham gia tìm hài cốt một nạn nhân rơi xuống hang Cốc Chia hơn 220m (thuộc xã Mã Ba, huyện Hòa Quản, tỉnh Cao Bằng). Chiều 29, anh cùng đồng đội có mặt tại hiện trường, trong lúc nhiệt độ chỉ khoảng 100C. Hang nhỏ hẹp, không thể xuống nhiều người, anh Thành xung phong tiếp cận. Khoảng 10 phút sau khi anh Thành xuống hang thì bất ngờ có cơn mưa đá, nước tuôn ào ào làm nhũ đá trong hang vỡ rơi trúng đầu.

Vượt qua hơn 80 mét, hang trở nên ngoằn ngoèo, hình xoắn ốc, tối om, anh Thành phải bò, trườn từng chút một, cứ vài mét phải dừng lại lấy dưỡng khí. Đến độ sâu 220 mét, mưa càng to hơn như trút nước làm thiết bị ròng rọc điện hỏng, còn bộ đàm thì mất tín hiệu khiến anh treo lơ lửng. Rất may sau đó, ròng rọc và bộ đàm đã hoạt động trở lại đưa anh tiếp cận đáy hang. Không có "đồ nghề", anh dùng tay bới đống đất đá phủ kín hài cốt nạn nhân, tìm nhặt từng mảnh xương cho vào túi mang lên.

Trung tá Thành cùng đồng đội tại hang Cốc Chia

Cuối tháng 02-2020, trên địa bàn huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một nạn nhân rơi xuống hang đá, sâu đến 280 mét, chưa từng có ai xuống được đáy hang. Địa hình hiểm trở, cộng thêm mưa lũ nghiêm trọng xảy ra nên muốn đưa thi thể người xấu số ra khỏi hang khó càng thêm khó. Nhận được yêu cầu chi viện, lãnh đạo đơn vị đã cử anh Thành cùng đồng đội lên đường thực hiện nhiệm vụ khá nan giải này. Đến nơi quan sát, nhìn thấy hang sâu, hẹp, anh Thành lại xung phong xuống "điều nghiên"!

Mới xuống được vài chục mét, anh Thành thấy bóng đêm bao trùm. Thêm vài chục mét nữa, anh thấy khó thở. Càng xuống sâu, hang càng hẹp, có đoạn chỉ vừa cho người lọt qua với nhiều khối đá nhọn chĩa ra tứ phía như ngăn không cho người đi sâu vào đáy hang. Qua 100, 150, 200, 250, rồi 280 mét, anh ngửi thấy mùi tử thi và được đưa lên miệng hang lấy thiết bị, cùng vài chai cồn và rượu đế rồi xuống hang lần thứ hai.

Trung tá Nguyễn Chí Thành

Trung tá Thành nhớ lại: "Chỉ còn vài mét tới đáy hang thì tôi nhận được tin báo "có mưa đá”! Ngay lúc đó, ròng rọc bị "liệt", bộ đàm mất tín hiệu, tôi bị treo lơ lửng một lần nữa! Phải mất gần một giờ, các thiết bị mới hoạt động lại, tôi mừng đến rơi nước mắt. Tới đáy, tôi vội đốt ba cây nhang khấn người đã khuất, lấy cồn, rượu tưới lên khắp thi thể rồi đưa túi nylon, buộc dây để đồng đội bên trên kéo lên. Do hang hẹp, thi thể nặng nên tôi quyết định để nạn nhân phía trên đầu tôi để điều khiển, nhằm tránh va quẹt các mỏm đá bị đứt dây, rơi trở lại thêm phiền phức! Mùi hôi tử thi bốc nên nồng nặc! Chưa hết, nước tử thi nhiễu khắp người tôi! Phải mất gần 6 tiếng, tôi cùng đồng đội mới đưa được thi thể nạn nhân từ đáy hang sâu 280 mét lên mặt đất, trong niềm xúc động, oà với tiếng khóc nức nở của gia đình nạn nhân".

Trung tá Thành chia sẻ: "Dù chỉ là một phần thi thể, tôi cùng lực lượng CNCH cũng phải cố công tìm kiếm! Trên hết, vẫn là lòng nhân ái giữa nguy nan".

Với những thành tích xuất sắc: tham gia hơn 1.000 vụ chữa cháy và CNCH, cứu sống hàng trăm người, tìm được hàng trăm thi thể nạn nhân, mò tìm được hàng trăm tang vật vụ án, xử lý thành công hàng chục vụ có ý định tự tử, anh Thành được Thủ tướng tặng Bằng khen năm 2002, được phong đặc cách chỉ huy năm 2011 vì thành tích tham gia CNCH; được tuyên dương "Điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an TPHCM giai đoạn 2015 - 2020", được tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM lần 4, cùng nhiều Bằng khen của Bộ Công an và UBND TPHCM...

Trung tá Đỗ Đức Hạnh - 65 lần hiến máu cứu người

Hơn 20 năm trước, thượng sĩ Đỗ Đức Hạnh (SN 1973) sau 14 lần hiến máu cứu người đã chia sẻ: "Có những trái tim tưởng như đã ngừng đập nhưng chỉ cần tiếp cứu bằng những giọt máu nghĩa tình đã có thể hồi sinh. Thấy rõ điều này nên tôi rất sẵn lòng, chẳng những bây giờ mà cho tới khi nào không còn hiến được nữa mới thôi!". Và cứ thế, đều đặn suốt 1/4 thế kỷ qua, anh Hạnh đã sẻ chia hơn 18 lít máu nghĩa tình, cứu sống nhiều người trong cơn nguy cấp.

Cuối năm 2000, chúng tôi đã có bài "14 lần hiến máu cứu người", biểu dương Thượng sĩ Đỗ Đức Hạnh, Đội Tổng hợp - Phòng Tổ chức cán bộ - Công an TPHCM (CATP). Sau khi trao gửi những giọt máu đầu tiên tại Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM ngày 18-5-1997, tiếp đó cứ mỗi ba hoặc bốn tháng, anh lại thực hiện một lần. Đến cuối năm 2000, Hạnh đã có 14 lần hiến gần 3 lít máu cứu người. Anh chia sẻ: "Tôi mong tuổi trẻ của CATP có một đội hiến máu dự bị, như là ngân hàng máu sống sẵn sàng tiếp cứu cho đồng đội khi cần, tôi xin xung phong là một đội viên. Ở nhiều quận, huyện cũng đã hình thành các đội hiến máu dự bị”.

Trung tá Đỗ Đức Hạnh

Đến cuối năm 2005, chúng tôi thực hiện bài viết thứ hai về anh Đỗ Đức Hạnh "32 lần hiến máu cứu người". Gặp lại chúng tôi, người cán bộ trẻ cười tươi: "Suốt 5 năm qua, tôi đã thực hiện đúng như tâm nguyện với 18 lần hiến máu. Sau 8 năm, tôi đã tham gia 32 lần với tổng cộng đã hiến 6,4 lít máu".

Năm 2005, anh Hạnh hai lần được thành phố tuyên dương "Người tốt, việc tốt" và là gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM. Không chỉ riêng anh Hạnh, với truyền thống của mình, rất nhiều đoàn viên thanh niên CATP đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp, hiến hàng vạn đơn vị máu cứu người. Không chỉ làm tốt công việc được giao, anh Hạnh rất chịu khó học tập, nâng cao kiến thức. Ngoài 4 bằng cử nhân (Quốc tế học năm 2005, Luật năm 2010, Hành chính năm 2011 và Chính trị năm 2013), anh còn tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản lý hành chính công năm 2013. Từ đầu năm 2016 đến nay, anh chuyển về công tác tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II (cơ sở 2, TP.Thủ Đức, TPHCM).

Trung tá Đỗ Đức Hạnh trong một lần tham gia hiến máu

Hai bài viết về anh Đỗ Đức Hạnh năm 2000 và 2005 đăng trên Báo Công an TPHCM

Ngoài công tác chuyên môn, từ năm 2006 đến nay, trừ năm 2011 không tham gia do bị bệnh, còn lại năm nào anh cũng tham gia hiến máu, ít nhất 1 lần, nhiều nhất 4 lần, mỗi lần từ 200 - 450ml. Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh căng thẳng 2020 - 2021, anh vẫn tích cực đều đặn hiến 2,8 lít máu. Trong 6 tháng đầu của năm 2022, anh đã tham gia 2 lần, hiến 700ml máu.

Tính đến nay, Trung tá Đỗ Đức Hạnh đã có 25 năm thực hiện nghĩa cử cao đẹp với 63 lần tham gia hiến máu nhân đạo, hiến tổng cộng hơn 18 lít máu cứu người. Ngoài 63 lần hiến tại Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM, anh có 1 lần đến Bệnh viện Tim TPHCM trực tiếp hiến máu phục vụ ca mổ và 1 lần tham gia hiến máu do Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM tổ chức tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II, qua đó lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái.

Ngoài Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM, Trung tá Đỗ Đức Hạnh vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen do đạt thành tích trong công tác hiến máu nhân đạo nhiều năm liền, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, cùng sẻ chia với cộng đồng, thời gian qua anh Hạnh đã góp tiền mua 7 chiếc xe lăn (trị giá 12 triệu đồng) tặng người khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Anh tổ trưởng cấp căn cước công dân tận tụy

"Từng trải qua nhiều bộ phận công tác chuyên môn về quản lý hành chính đồng thời có hai năm thực hiện Đề án 06 khi cả nước nói chung và TPHCM gồng mình chống dịch, đồng chí ấy luôn làm việc với tinh thần lăn xả và trách nhiệm, tận tình giúp đỡ đào tạo chuyên môn cho các cán bộ chiến sĩ (CBCS) trẻ trong tổ tiến bộ rất nhanh...", là đánh giá của Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Oanh - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH) - Công an (CA) huyện Củ Chi về Đại úy Trần Minh Mẫn (SN 1981) - Tổ trưởng Tổ cấp căn cước công dân (CCCD), gương chiến sĩ CA gương mẫu, tận tụy phục vụ nhân dân, được nhiều đồng chí trong và ngoài đơn vị tin yêu, mến phục.

Gặp Đại úy Mẫn tại đơn vị, với phong thái linh hoạt, nhanh nhẹn, anh chân tình chia sẻ về công việc mình đã gắn bó 13 năm qua, nhất là suốt hai năm gần như "xem đơn vị là nhà”, bản thân anh đã thấy được những khó khăn, áp lực từ công việc luôn đè nặng lên vai Ban chỉ huy đội và mỗi CBCS Tổ cấp CCCD, nên anh quyết tâm góp chút công sức nhỏ nhoi của mình để mang lại kết quả cao cho đơn vị.

Đại úy Trần Minh Mẫn

Theo đó, mỗi ngày anh cùng BCH đội đều đặn xuống 10 điểm đầu mối cấp CCCD cho người dân tại các xã, thị trấn để kiểm tra, đôn đốc các CBCS làm việc hết công suất nhằm đạt được hiệu quả cao, đồng thời thường xuyên kết nối với CA các xã, thị trấn cập nhật tiến độ công việc thực hiện, song song với đó phối hợp phổ biến tuyên truyền thông tin về cấp CCCD cho người dân trên địa bàn huyện. Chiều về, anh quay lại đơn vị giải quyết, phân loại, xử lý những hồ sơ đã thu nhận để chuyển ra Cục CSQLHC về TTXH - Bộ CA giải quyết theo thẩm quyền hoặc trực tiếp xử lý những trường hợp đang gặp vướng mắc...

Anh Mẫn chia sẻ: "Do đặc thù có những xã như Phú Mỹ Hưng, Phạm Văn Cội, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông... nằm cách CA huyện khoảng hơn 30km, nên sau khi giải quyết xong công việc, các tổ cấp CCCD lưu động về đến CA huyện lúc hơn 23 giờ. Mình phải trực chờ để tổng hợp số liệu báo cáo về CATP, tiếp đó còn phải trực tiếp kiểm tra lại các phương tiện, thiết bị, máy móc để chuẩn bị cho các CBCS lên đường làm việc vào sáng sớm hôm sau... Công việc cứ thế tiếp nối, không có ngày nào mình về đến nhà trước 2 - 3 giờ sáng...".

Hướng dẫn CBCS trẻ các kỹ năng, kinh nghiệm, công tác nghiệp vụ chuyên môn

Nói về công việc, anh cho biết: "Hiện nay, mỗi ngày Đội CSQLHC về TTXH - CA huyện Củ Chi giải quyết cấp CCCD cho khoảng 350-400 trường hợp. Để khuyến khích người dân thực hiện tốt chủ trương làm thẻ CCCD theo quy định, chúng tôi đã tham mưu cho Ban chỉ huy đội thực hiện Công trình Đoàn Thanh niên "Phát nước uống cho người dân đến làm thẻ CCCD".

Với tinh thần làm việc tận tuỵ, từ năm 2010 đến nay, Đại úy Trần Minh Mẫn đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ tiên tiến cấp cơ sở". Tháng 3-2022, anh được Ban chỉ huy đội đề bạt đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ cấp CCCD. Theo đánh giá của nhiều đồng chí, đồng đội, anh luôn xứng đáng là tấm gương đảng viên trẻ tiêu biểu trong lực lượng CAND.

Bình luận (0)

Lên đầu trang