(CATP) Hiện nay, tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng quần áo gần giống với lực lượng vũ trang diễn ra công khai khiến dư luận bức xúc. Cũng từ đây, nhiều đối tượng đã giả danh các chiến sĩ công an, bộ đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng vũ trang. Ngày 28/7/2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết vừa liên tiếp phát hiện và tạm giữ 672 đơn vị sản phẩm tại 2 điểm kinh doanh quần áo trên địa bàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tràn lan hàng không nguồn gốc
Qua theo dõi, ngày 19/7/2023, Đội QLTT số 18, Cục QLTT TPHCM đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Hóc Môn, Đội An ninh, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ và Công an xã Trung Chánh (Công an huyện Hóc Môn) kiểm tra tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại số 119/6 đường Nguyễn Ảnh Thủ (thuộc ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh) do bà N.T.H (ngụ H.Hóc Môn) làm chủ. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều quần, áo các loại có họa tiết rằn ri giống quân trang của lực lượng công an, quân đội không có nhãn hiệu, chưa qua sử dụng, không ghi xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ. Tiến hành kiểm đếm, cơ quan chức năng ghi nhận có tổng cộng 547 đơn vị sản phẩm gồm: 77 cái áo sơ mi ngắn tay, 30 cái áo sơ mi dài tay, 60 cái áo thun ngắn tay, 300 cái quần ngắn, 80 cái quần dài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có hóa đơn chứng từ.
Trước đó, ngày 18/7, Đội QLTT số 12 Cục QLTT TPHCM phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ, Công an phường Trung Mỹ Tây, quận 12 kiểm tra cửa hàng trên QL22 (thuộc P.Trung Mỹ Tây) do bà L.T.H.N (ngụ quận 12) làm chủ kinh doanh. Qua khám xét, đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang kinh doanh 125 đơn vị sản phẩm quần, áo rằn ri các loại không có hóa đơn để chứng minh nguồn gốc. Tại hiện trường, tang vật gồm: 30 cái quần vải dài rằn ri, 55 cái áo thun rằn ri, 10 cái áo khoác rằn ri, 25 cái áo sơ mi rằn ri, 5 cái quần vải ngắn rằn ri. Cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm tại 2 địa điểm kinh doanh nêu trên để xử lý theo quy định.
Hai điểm kinh doanh quần, áo các loại có họa tiết rằn ri giống quân trang của lực lượng công an, quân đội tại huyện Hóc Môn và quận 12
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trên mạng xã hội và một số khu chợ, các mặt hàng quân trang của lực lượng quân đội, công an được rao bán một cách công khai như: chợ Dân Sinh (quận 1), Tân Bình (quận Tân Bình), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... Cụ thể, tại chợ Dân Sinh, quần áo rằn ri được bày bán khá nhiều, giá khoảng 300.000 đồng/bộ trẻ em, 500.000 - 600.000 đồng/bộ người lớn. Quần áo rằn ri bán tại chợ này đa phần là hàng mới với nhiều loại chất liệu vải khác nhau. Các tiểu thương cho biết, những mặt hàng này chỉ nhận về bán chứ không có hóa đơn chứng từ.
Mọi hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân phục, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang đều được xem là vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ các điều liên quan của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); cụ thể, Điều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Điều 339 về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác... Mức phạt tù cao nhất nếu cá nhân bị xử lý theo các Điều 190, 192 của Bộ luật Hình sự có thể đến 15 năm tù...
Truy cập vào một vài trang Facebook rao bán quân trang, chúng tôi thấy có rất nhiều mẫu quần áo, quân dụng giống của quân đội, công an được rao bán, đồng thời chủ shop còn đính kèm giá cả từng mẫu, số điện thoại để khách hàng tiện liên hệ. Theo đó, một bộ quần áo "hàng nhái" dành cho sĩ quan quân đội ngắn tay có giá khoảng 600 ngàn đồng, cầu vai quân hàm 150 ngàn đồng, biển tên quân nhân 100 ngàn đồng, mũ kê-pi 280 ngàn đồng, thắt lưng 280 ngàn đồng, giày 450 ngàn đồng/đôi... Tất cả quần áo, quân dụng đều được chủ shop cam kết hàng "xịn" và giá rẻ hơn các shop khác...
Ngoài việc rao bán quân phục, các hội nhóm trên mạng xã hội còn mời chào bán các loại còng tay, gậy, dùi cui và một số loại công cụ hỗ trợ khác... Nhiều tài khoản còn cam kết có thể bán với số lượng lớn các sản phẩm đáp ứng mọi cấp bậc, chức vụ.
Cần xử lý nghiêm
Bộ Công an cảnh báo trang phục của lực lượng vũ trang do mua, bán qua mạng đều là hàng giả và hành vi này là vi phạm pháp luật. Do đó, người dân nên tìm hiểu kỹ, không mua bán các loại trang phục này.
Đồ rằn ri không nguồn gốc
Theo Tổng cục QLTT, mặt hàng quân trang, quân dụng là do lực lượng công an và quân đội quản lý. Theo quy định, quân trang, quân dụng nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn vũ khí là cấm kinh doanh. Công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui, súng điện thì người mua phải có giấy chứng nhận, xác nhận sử dụng công cụ hỗ trợ từ cơ quan chức năng hoặc đơn vị có nhu cầu. Khi kiểm tra mặt hàng quần áo giống với quân phục thì phải kết hợp với quân đội và công an để xác định vi phạm và xử lý theo quy định. Trường hợp quần áo "na ná” quân phục nhưng màu sắc, họa tiết lại không giống thì xử lý theo hàng hóa thông thường như hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng trái phép quần áo, quân dụng gần giống với lực lượng vũ trang, các đơn vị công an, quân đội cần giám sát chặt chẽ các đơn vị sản xuất, cung ứng trang phục, thiết bị cho các cá nhân, đơn vị trong ngành. Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ, sinh viên, học viên tại các đơn vị, trường, học viện mua bán, cho, tặng trang phục, thiết bị của ngành thì xử lý nghiêm theo quy định. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt hành chính và chế tài hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép và nhất là sản xuất hàng giả, hàng nhái đối với quân phục, thiết bị của ngành công an, quân đội.