Quảng Trị: Nhức nhối những trạm thu mua gỗ trái phép

Thứ Bảy, 22/07/2023 11:31  | Hoàng Quân

|

(CATP) Những ngày đi theo các đối tượng có nghi vấn thâu tóm hoạt động khai thác, thu mua gỗ rừng trái phép tại Quảng Trị, PV Chuyên đề Công an TPHCM được sự “quan tâm”, “chăm sóc” đặc biệt.

Tiền tỷ nằm trên rừng

Đầu tư trồng rừng sản xuất trong 6-7 năm đến kỳ khai thác thì không được. Xe nào chở gỗ ra khỏi rừng liền bị ép đưa vào các trạm cân thu mua bất hợp pháp. Các trạm này mọc lên như nấm. Các nhà máy thu mua hợp pháp thì ế, lỗ. Nhiều người, nhóm người dùng các thủ đoạn như dằn mặt, đe dọa người dân, chủ rừng, tài xế… để thao túng hoạt động mua bán, kinh doanh gỗ rừng trồng…

Trạm cân Hòa Thuận ở xã Hải Phú (huyện Hải Lăng).

Nhiều người dân, các hộ dân, chủ rừng trồng (cây keo, tràm) ở các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Đkrông… của tỉnh Quảng Trị phản ánh, kêu cứu đến Chuyên đề Công an TP.HCM và các cơ quan về việc gỗ rừng trồng đến kỳ thu hoạch nhưng không thể khai thác, ai khai thác được thì không thể nhập vào các nhà máy mà bị ép đưa vào các trạm thu mua trái phép. Các nhóm, đầu nậu đổ xô về thâu tóm hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ rừng.

Anh X., bà N. (ngụ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) có 60ha rừng keo, tràm ở xã Hải Lệ (huyện Hải Lăng), xã Ba Lòng (huyện Đkrông) đã trồng được hơn 6 năm, trữ lượng khoảng hơn 6.000 tấn. Giá bình quân nhập vào nhà máy 1,2 triệu đồng/tấn thì tiền thu về khoảng 7,2 tỷ đồng (chưa trừ chi phí nhân công khai thác, vận chuyển, đóng thuế, vốn đầu tư…). Nhưng từ đầu năm đến nay, anh X., bà N. muốn khai thác nhưng không được.

Bà N. cho biết: “Mỗi lần đưa người đi hoặc đến khu dân cư để thuê nhân công vào rừng khai thác gỗ thì bị các đối tượng ngăn chặn, đe dọa: “Chở gỗ về nhập cho nhà máy thì sẽ bị gọi điện báo Công an chặn xe, kiểm tra. Có một số tài xế chở gỗ từ rừng về xuống quốc lộ bị kiểm tra, lập biên bản nên sau không dám chở nữa”.

Các xe tải chở gỗ về thì bị một số thanh niên lạ mặt đón dọc đường hoặc chặn ở trước khu vực thánh địa La Vang, ép đưa vào trạm cân Hòa Thuận (đường Lê Lợi, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú). Đây là trạm cân trái phép hoạt động từ đầu năm đến nay. Ngày nào xe chở gỗ cũng tấp nập ra vào rồi chở đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ.

Vị trí đặt trạm cân trái phép rộng 9.000m2 (0,9ha) do Hợp tác xã Phú Hưng quản lý và đơn vị này cho ông Thạnh (biệt danh là “Ngẹc”, ngụ xã Hải Phú) thuê để tập kết vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, “Ngẹc” cùng người thân cho lập trạm cân thu mua gỗ trái phép. Quá trình hoạt động, “Ngẹc” cùng thanh niên tên N.H.H. (ngụ TX.Quảng Trị) – có tiền án, vừa ra tù về và nhiều đối tượng khác tổ chức hoạt động thu mua gỗ, hăm dọa, ép tài xế, người dân đưa gỗ vào bán. Theo lãnh đạo UBND xã Hải Phú, việc HTX Phú Hưng cho thuê đất để người khác làm trạm cân trái phép là sai trái, vi phạm và xã sẽ kiểm tra, báo cáo cấp trên để xử lý.

Đất của hợp tác xã quản lý biến thành trạm thu mua gỗ trái phép.

Nhiều ngày xác minh, tìm hiểu, PV nắm bắt được phương thức, thủ đoạn hoạt động của một số nhóm đối tượng chuyên chèn ép người dân, thâu tóm việc khai thác, mua bán gỗ rừng trồng.

Những ngày đi theo các đối tượng có nghi vấn thâu tóm hoạt động khai thác, thu mua gỗ rừng xung quanh trạm cân Hòa Thuận, PV được sự “quan tâm”, “chăm sóc” đặc biệt khi có một số người đi ôtô và xe máy bám sát, dõi theo. Lực lượng Công an cùng các tổ an ninh dân cư cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động của các đối tượng và đang trong quá trình xác minh, xử lý.

Khắc khoải chờ sự quyết liệt của tỉnh

Quốc lộ 1A qua Quảng Trị nhiều năm qua luôn có lượng lớn xe chở gỗ rừng trồng đưa vào các nhà máy nhưng mấy tháng nay vắng bóng. Nguyên nhân chính do gỗ chưa được khai thác nhiều và nếu có thì các xe chở gỗ đều chạy vào các trạm cân trái phép ở dọc các quốc lộ, tỉnh lộ khắp tỉnh.

Chủ các trạm cân này công khai đặt các điểm thu mua tại những trục đường chính, ở gần dân cư, có vị trí để vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa thuận lợi. Theo quy định, muốn đặt trạm cân, cơ bản phải đảm bảo các tiêu chí về đăng ký ngành nghề kinh doanh, kê khai thuế, được đấu nối vào quốc lộ, đảm bảo phòng cháy chữa cháy… Nhưng các trạm cân trái phép đều không đáp ứng được. Dọc đường Hồ Chí Minh từ huyện Cam Lộ đến huyện Vĩnh Linh ngoài các nhà máy chế biến lâm sản, dăm gỗ được cấp phép thì cũng có nhiều trạm cân trái phép như tại phía Bắc cách nhà máy chế biến gỗ dăm của Công ty CP lâm sản Quảng Trị (thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh); tại thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) gần nhà máy gỗ dăm của Công ty TNHH MTV Khánh Hân.

Trạm cân trái phép ở xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh).

Quảng Trị có khoảng 30 nhà máy sản xuất, chế biến dăm gỗ rừng trồng… Bình quân mỗi năm, các nhà máy thu mua khoảng 2 triệu tấn gỗ sau đó chế biến, xuất khẩu…, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, ổn định kinh tế rừng trồng, đóng góp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng…

Tuy nhiên, nhan nhản trạm cân trái phép mọc lên ở khắp các địa phương đã gây nên nhiều tác động, hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sự kinh doanh chính đáng của các nhà máy được cấp phép; gây nên sự bất an cho các chủ rừng trồng, chủ phương tiện vận tải; ảnh hưởng tình hình ANTT; gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền, lực lượng chức năng...

Những tháng qua, các nhà máy sản xuất, chế biến dăm gỗ hoạt động rất cầm chừng, chỉ khoảng 20% công suất thiết kế. Nếu có gỗ về nhiều thì các nhà máy khai thác công suất lớn hơn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, đóng góp ngân sách tăng lên…

Ông T. - chủ một nhà máy tại huyện Hải Lăng cho biết, đơn vị khó khăn trăm bề khi không có xe về nhập hàng. Việc vận hành máy móc, nhân công thường xuyên thì rất tốn kém nên phải tính toán, cân nhắc. Vì thiếu nguyên liệu, đơn vị đã cắt giảm nhiều chi phí, cho một số nhân công nghỉ việc…

Trạm cân bất hợp pháp năm nào cũng có nhưng năm nay nở rộ với khoảng hơn 50 trạm. Nguyên nhân do lợi nhuận từ việc làm ăn theo kiểu này quá lớn khi không phải nộp thuế, ép các chủ rừng bán giá thấp. Ngoài ra, chính quyền, lực lượng chức năng ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đang rà soát, xử lý nghiêm và dứt điểm các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng trái phép theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND các tỉnh nên có nhiều đối tượng, nhóm người, đầu nậu đổ về Quảng Trị để hoạt động.

PV được sự “quan tâm”, “chăm sóc” đặc biệt khi có một số người đi ôtô và xe máy bám sát, theo dõi

Theo ông Võ Thái Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội Kinh doanh, xuất nhập khẩu gỗ tỉnh Quảng Trị cho biết, mỗi ngày 1 trạm thu mua khoảng 200 tấn gỗ rồi đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành. Tính sơ bộ 10.000 tấn gỗ (khoảng 11 tỷ đồng), nếu có đăng ký thì nộp thuế 1,1 tỷ đồng. Mỗi tháng, ở tỉnh thất thu hơn 30 tỷ đồng từ hơn 50 trạm bất hợp pháp. Không ít trạm cân hoạt động trái pháp luật, không kê khai thuế, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sự bất ổn cho thị trường sản xuất, kinh doanh gỗ rừng trồng.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương và quyết liệt. Nhiều chủ rừng, các hộ dân, các đơn vị đã phản ánh, kiến nghị (qua văn bản, tiếp xúc cử tri, đường dây nóng…) đến chính quyền, các cơ quan chức năng.

Ngày 19/6/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản số 2998/UBND-KT về việc giải quyết đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, nội dung: “Giao Sở Công Thương chủ trì nghiên cứu của kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để đề xuất UBND tỉnh có phương án xử lý đảm bảo phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật”.

Đến ngày 14/7/2023, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Quảng Trị ký có văn bản 3485/UBND-KT, yêu cầu: “UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xử lý dứt điểm các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp (nếu có) trên địa bàn trước ngày 30/8/2023. Giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị về rà soát, xử lý các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang