Hoa biên cương:

Kỳ cuối: "Nấm độc" trên đất Tây Nguyên

Thứ Hai, 17/07/2023 13:38

|

(CATP) Tây Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng với cả nước về chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa... vì thế việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và an ninh trật tự ở khu vực này luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm với các chủ trương, quyết sách đã giúp Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ. Nếu so sánh với trước năm 1975 thì sau 48 năm dưới chế độ cách mạng, 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) đã đạt những thành tựu kinh tế, xã hội rất lớn; đời sống của các dân tộc Tây Nguyên được cải thiện tốt đẹp với thu nhập bình quân đầu người tăng hàng chục lần. Hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa... đã đến tận các buôn làng biên giới xa xôi, các cộng đồng sống biệt lập nơi hẻo lánh, làm thay đổi sâu sắc nhận thức, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống, tuổi thọ cho người dân...

Bên cạnh những thành tựu lớn lao, nhân văn như vậy, vẫn còn những khó khăn làm cản trở bước tiến giàu mạnh, văn minh cho các tỉnh Tây Nguyên. Đó là nạn phá rừng vẫn âm ĩ gây ảnh hưởng đến môi trường, thời tiết, lũ lụt, hạn hán... Về an ninh trật tự, địa bàn Tây Nguyên luôn là mục tiêu xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực phản động, các đối tượng cực đoan suốt hàng chục năm qua; chúng như loài nấm độc gieo rắc tai ương dai dẳng xuất hiện sau mỗi mùa mưa. Vụ khủng bố làm 9 người chết ngày 11/6/2023 vừa qua của những kẻ vũ trang mang cờ hiệu "Fulro - Đề Ga" một lần nữa nhắc nhở chúng ta về "bóng ma" chuyên gây tội ác hãi hùng này!

Tiền thân của Fulro là phong trào BAJARAKA (tên viết tắt của 4 dân tộc Bahnar, Jarai, Rhadé, Kaho) do ông Y Bham Ênuôl chủ xướng từ 1958, đấu tranh bất bạo động đòi một số quyền lợi cho các dân tộc sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên mà họ cho rằng đã bị chế độ Ngô Đình Diệm không tôn trọng.

Sau ngày 30/4/1975, các cán binh Fulro nhặt vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội VNCH vừa tan rã, để tự trang bị. Fulro được các thế lực chống phá Việt Nam, các tổ chức phản động và bọn diệt chủng Pol Pot liên kết, hỗ trợ để tiến hành nhiều vụ khủng bố ở các tỉnh Tây Nguyên. Không chỉ giết hại cán bộ, nhân dân hay gây bất ổn cho nhiều buôn làng, bọn đầu sỏ Fulro còn tàn sát lẫn nhau để tranh giành quyền lực gây bất mãn, hận thù ngay trong nội bộ Fulro. Bội đội, Công an Việt Nam đã đấu tranh quyết liệt với các nhóm Fulro ngoan cố, tàn bạo và kêu gọi những người trót bị dụ dỗ hay cưỡng bức theo Fulro ra đầu thú. Tổ chức Fulro dần tan rã, phải bỏ Tây Nguyên chạy sang Campuchia lẩn trốn. Năm 1994, khi Liên Hiệp Quốc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình (UNTAC) vào Campuchia thì khoảng 500 tàn quân Fulro do Y Peng Ayun chỉ huy đã ra hàng UNTAC và được đưa đi định cư ở Mỹ. Nhóm Fulro cuối cùng mang súng đạn ra đầu thú ở Công an huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng vào năm 1998.

Nhà báo Lại Văn Long (phải) trao đổi với ông Tuh Ne Đen - nguyên Tỉnh trưởng trong tổ chức Fulro

"Tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang" của Fulro hồi đó là trung tá Tu Néh Đen (SN 1936) sau khi ra đầu thú đã được Nhà nước cấp cho khu đất màu mỡ ven suối ở xã Đa Quynh - huyện Đức Trọng - Lâm Đồng. Khi các tác giả loạt bài này đến thăm, vợ chồng ông Tu Néh Đen đã có cuộc sống sung túc, hạnh phúc với hơn 3ha cà phê trĩu quả, 1 căn nhà mới xây, 1 máy cày, đàn bò, dê, heo và 2 xe máy. Năm 2004, khi các đối tượng Fulro lưu vong điện về chỉ đạo, kích động đám đông từ các buôn làng xa xôi kéo về các thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku biểu tình, đập phá tài sản người dân hai bên đường và tấn công lực lượng trị an bằng gạch đá, gậy gộc thì cựu trung tá tỉnh trưởng Fulro thở dài nói với chúng tôi một câu nhớ mãi đến bây giờ: "Fulro là con đường bạo lực gây đổ máu, chia rẽ, hận thù, không giúp gì được cho Tây Nguyên phát triển...".

Ông Nah Ria Ya Duck, SN 1940, dân tộc Kơ Ho - nguyên đệ nhất phó thủ tướng Fulro, sau này là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Quốc hội; từng trả lời phỏng vấn (của các tác giả bài này) đăng trên Báo Công an TPHCM về Ksor Kơk (SN 1945, dân tộc Ja Rai, quê quán tại tỉnh Gia Lai) sống lưu vong ở Mỹ, tự xưng là "tổng thống nước Đề Ga" - kẻ cầm đầu, xúi giục, kích động gây ra các cuộc biểu tình gây rối ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004. Ông Ya Duck cho biết: "Tôi tham gia Fulro ngay từ khi mới thành lập (1964) và Ksor Kơk là lính hầu của tôi. Anh ta ít học, không có tài năng gì, vậy mà bây giờ dám tự xưng là "tổng thống". Đáng tiếc là những bà con nhẹ dạ, lại tin vào những tuyên bố xằng bậy của Ksor Kơk".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Hà phỏng vấn ông Ya Đuk (nguyên Đệ nhất phó thủ tướng Fulro)

Từ nước ngoài, Ksor Kơk điện thoại về chỉ đạo những đối tượng "nằm vùng" trong các buôn làng Tây Nguyên lừa phỉnh, kích động bà con kéo nhau về các tỉnh lỵ để biểu tình với lời hứa rất vô lý, như: "về thành phố thích căn nhà nào cứ vào ở, "tổng thống" sẽ cấp cho. Nếu bị chính quyền đàn áp thì lấy gạch đá, dao, rựa, xà gạc... chống lại. "Tổng thống" sẽ nhờ Liên Hợp Quốc cử máy bay qua đón đưa ra nước ngoài sống sung sướng...". Thế nhưng do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên một số đã nghe theo những lời kích động, dụ dỗ này gây ra những vụ biểu tình, gây rối vào các năm 2001, 2004 ở Tây Nguyên. Khi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ổn định tình hình, cuộc sống bà con trở lại bình thường thì Ksor Kơk lại chỉ đạo đám đàn em tiếp tục dùng "bánh vẽ” để phá hoại sự bình yên ở các buôn làng. Thế là những người nhẹ dạ cả tin lại rơi vào bẫy, rời bỏ gia đình, trốn chui trốn nhủi chịu đói khát, hiểm nguy trong rừng để tìm đường trốn sang các trại tạm cư của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Campuchia...!

Chúng tôi đã từng theo các đoàn công tác đi đón những người lầm lạc vượt biên được UNHCR và Campuchia trao trả lại cho phía Việt Nam (theo thỏa thuận 3 bên) ở các cửa khẩu trên biên giới Tây Nguyên và cả ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ở tỉnh Tây Ninh. 100% các trường hợp trở về đều không bị trừng phạt hay phân biệt đối xử mà còn được chính quyền, các đoàn thể địa phương, dòng họ, gia đình động viên, giúp đỡ, kể cả cho vay vốn để làm ăn, cải thiện đời sống. Điều đó càng làm tăng ân hận, hối tiếc cho những người trót nghe lời kẻ xấu. Nhiều người trong số đó từng bán đất, bò, trâu, máy cày, xe máy... của gia đình rồi lẻn cha mẹ, vợ con theo kẻ xấu đi tìm "đất hứa". Đến lúc chịu trăm cay nghìn đắng, có lúc suýt mất mạng thì mới biết quý cái tổ ấm, buôn làng, quê hương mình!

Chúng tôi cũng dự nhiều cuộc họp ở các buôn làng Tây Nguyên, chứng kiến những người lầm lỡ vượt biên hay đi biểu tình gây rối được kiểm điểm trước các già làng và bà con trong buôn. Ai cũng cúi đầu xấu hổ, xin được tha thứ, hứa sẽ không tái phạm.

Trong những ngày "nóng" tình trạng biểu tình, gây rối an ninh trật tự vào năm 2001, 2004; nhiều mục sư Tin lành khu vực Tây Nguyên mà chúng tôi tiếp xúc, phỏng vấn đều khuyên tín đồ của mình không nên tin theo các nhóm "Tin lành Đề Ga" vì đó là những hành động bạo lực hay lừa đảo, điều mà không một tôn giáo chân chính nào chấp nhận...

Cũng như Fulro, "Tin lành Đề Ga" hay "nhà nước Đề Ga" nay không còn thuyết phục được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sau khi lộ bản chất chia rẻ, hận thù, xuyên tạc, kích động, lừa dối... làm khổ biết bao gia đình; nhất là sau khi có thông tin về việc "tổng thống" Ksor Kơk thâm lạm hàng trăm ngàn USD của "quỹ người thượng" trước khi ông ta bị ung thư chết vào năm 2019.

Những năm gần đây, bọn phản động lưu vong kết hợp cùng các đối tượng "nằm vùng" lại tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bằng vỏ bọc mới là "Hội thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam" hay "Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên" để tập hợp lực lượng, thực hiện âm mưu cũ kỹ về "ly khai, tự trị”, phá hoại an ninh quốc gia, gây rối trật tự trị an, kể cả giết người hàng loạt một cách man rợ như vụ khủng bố dưới lá cờ "Fulro - Đề Ga" xảy ra ngày 11/6/2023 làm 9 người chết, 2 cơ quan Nhà nước bị phá, đốt. Tất cả những vấn đề này luôn là nguy cơ cần triệt từ trong trứng nước để Tây Nguyên được yên vui phát triển, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà và bảo đảm tuyệt đối cho công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo.

Kỳ 4: Lương y của buôn làng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang