(CATP) Ở quốc gia Nam Á có số dân đông nhất thế giới này, việc vào được các trường đại học y dược là niềm mong ước của không ít thí sinh và tiêu cực cũng bắt đầu từ đây. Theo thống kê, từ năm 2010, trong danh sách đỗ cao nhất vào những trường trên đều xướng danh hầu hết con cháu quan chức hoặc đại gia. Dư luận càng xôn xao hơn vì giữa lúc cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ thì liên tiếp nhiều cái chết bất thường xảy ra...
Từ những cái chết bất ngờ...
Lần đầu tiên các trường hợp gian lận thi cử được đưa ra ánh sáng vào năm 2013 khiến dư luận Ấn Độ bàng hoàng, khi hàng chục ngàn cán bộ, công chức nước này bị phát hiện bằng cấp "có vấn đề”. Sau cuộc điều tra gây sốc, hàng trăm vụ bắt giữ đã được thực hiện.
Chân tướng bắt đầu hé lộ vào đầu tháng 01/2012, sau khi thi thể nữ sinh viên 19 tuổi của Trường Cao đẳng Y tế Mahatma Gandhi được phát hiện cạnh đường ray ga tàu ở Indore thuộc miền Trung Ấn Độ, giám định pháp y cho thấy nạn nhân chết vì ngạt thở. Sau đó, cảnh sát vào cuộc điều tra đã bác bỏ kết quả khám nghiệm và tuyên bố "đây là vụ tự sát" (!). Sự việc dần chìm vào quên lãng, cho đến tháng 7/2015 khi bê bối gian lận thi cử Vyapam ở bang Madhya Pradesh bị vạch trần, dư luận Ấn Độ thực sự sốc trước thông tin điều tra: Trong vòng ít nhất 5 năm, hàng nghìn người đã hối lộ hàng triệu đôla cho các quan chức ngành Giáo dục và lập thành hệ thống bao che, nâng điểm để con em quan chức và đại gia dù "chơi nhiều hơn học" vẫn nghiễm nhiên trúng tuyển vào các trường đại học y dược công lập hàng đầu nước này.
Cơ quan điều tra phát hiện, từ năm 2010 đến thời điểm "đại án" được phát hiện có 46 bác sĩ, sinh viên y khoa, nhà báo, cảnh sát lẫn công chức ngành Giáo dục liên quan đến Vyapam bất ngờ đột tử một cách bí ẩn, thậm chí chết chung cùng thời điểm, hầu hết do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, tự tử... trước khi được cơ quan chức năng mời lên làm việc, trong đó có cả trường hợp nữ sinh viên trường cao đẳng y tế trên, khiến Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (Central Bureau of Investigation - CBI) phải vào cuộc làm rõ.
Dư luận càng thêm bàng hoàng khi tháng 7/2014, hiệu trưởng một trường cao đẳng y sau khi thẳng tay cắt hợp đồng với một số cán bộ và đuổi học những sinh viên vi phạm được tìm thấy chết cháy trên bãi cỏ cạnh nhà; xót xa hơn, thi thể người kế nhiệm ông cũng được phát hiện trong 1 khách sạn ở Delhi 1 năm sau đó bên chai Whisky uống dở. Một lần nữa dư luận tiếp tục "dậy sóng" khi tháng 7/2015 một phóng viên nổi tiếng được phân công theo dõi vụ gian lận từ những ngày đầu đột tử tại nhà riêng chỉ vài ngày sau khi đăng bài phỏng vấn cha mẹ các sinh viên bị cáo buộc tham gia đường dây lừa đảo...
Người dân Ấn Độ biểu tình yêu cầu giám sát nghiêm ngặt các cuộc điều tra về "đại án" gian lận thi cử Vyapam
... Đến vén màn bí mật
Thời điểm trên, hệ thống giáo dục y tế Ấn Độ được đánh giá nằm trong top đầu của thế giới với gần 400 trường y công lập và tư thục, cung cấp khoảng 30.000 bác sĩ mỗi năm. Chính vì thế, các kỳ thi đầu vào vô cùng khắc nghiệt. Năm 2013, bê bối Vyapam được làm sáng tỏ khi nhóm cảnh sát đột kích vào Nhà nghỉ bình dân Pathik ở ngoại ô Indore, thành phố lớn nhất tại Madhya Pradesh, phát hiện một số sinh viên Y khoa được thuê với giá 650 USD để thi hộ người khác. Sau đó, hơn 20 đối tượng mạo danh lần lượt sa lưới.
Tất cả khai nằm trong đường dây thi hộ do bác sĩ Jagdish Sagar ở Indore cầm đầu. Thông qua việc tìm kiếm các sinh viên nghèo học giỏi có hoàn cảnh khó khăn làm bài thi giúp những thí sinh nhà giàu học dở nhưng vẫn muốn vào trường y, với mức phí gần 300.000 USD, nhưng vị bác sĩ vô lương chỉ trả cho người thi hộ 500 - 700 USD. Theo đó, ông này đã môi giới trót lọt hàng trăm trường hợp, nhưng cơ quan điều tra chưa thể thống kê có bao nhiêu sinh viên và quan chức ngành y đã sử dụng "dịch vụ” trên.
"Vòi bạch tuộc" tham vọng của bác sĩ Sagar cứ thế vươn xa đến cấu kết với quan chức cấp cao của chính phủ để giở chiêu mới: Các thí sinh trả tiền để được sửa kết quả chỉ làm 5 câu hỏi mà họ đã biết trước đồng thời để trống những câu còn lại. Từ "ám hiệu" này, các quan chức ngành Giáo dục sẽ chỉ đạo cấp dưới truy cập máy tính để thay đổi kết quả theo ý muốn với khoản "lót tay" vào trường y công lập lên đến hàng chục ngàn đôla.
Với gần 5.000 đối tượng liên quan bị bắt giữ, 20 tòa án ở Madhya Pradesh phải làm việc hết công suất cả trong ngày nghỉ, giữa lúc cơ quan điều tra bị thay xoành xoạch khiến người dân Ấn Độ phẫn nộ xuống đường biểu tình, yêu cầu Tòa án Tối cao giám sát nghiêm ngặt các cuộc điều tra về "đại án" gian lận thi cử Vyapam. Cuối cùng, cựu Giám đốc Sở Giáo dục bang Madhya Pradesh - Laxmikant Sharma và gần 90 thuộc cấp cùng bác sĩ Jagdish Sagar phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình, dù vụ án vẫn chưa kết thúc.
Ngày 13/2/2017, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã tước bằng tốt nghiệp và đuổi học hơn 600 sinh viên y khoa do liên quan đến "vết nhơ của ngành Giáo dục nước nhà" với lời cảnh cáo: "Nếu muốn xây dựng một quốc gia trên nền tảng thượng tôn pháp luật thì không thể cho phép hành vi gian lận và bòn rút xã hội tồn tại vì bất cứ lý do gì".
(Còn tiếp...)
(CATP) Tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này, mỗi năm có hàng chục triệu thí sinh trung học tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học được xem là đợt cạnh tranh trình độ khốc liệt nhất, sự kiện mang tính bước ngoặt đối với tương lai các em. Tính chất quan trọng này khiến kỳ thi trở nên khốc liệt và việc phòng, chống gian lận thi cử trở thành mối quan tâm hàng đầu vào thời điểm này.
NGUYỄN XUÂN (theo Free Press Journal, Economic Times)