Những bê bối thi cử gây chấn động dư luận:

Kỳ 3: Gian nan cuộc chiến chống gian lận thi cử ở Trung Quốc

Thứ Tư, 05/07/2023 10:02

|

(CATP) Tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này, mỗi năm có hàng chục triệu thí sinh trung học tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học được xem là đợt cạnh tranh trình độ khốc liệt nhất, sự kiện mang tính bước ngoặt đối với tương lai các em. Tính chất quan trọng này khiến kỳ thi trở nên khốc liệt và việc phòng, chống gian lận thi cử trở thành mối quan tâm hàng đầu vào thời điểm này.

2.051 chữ được đọc chép trong vòng... 4 phút!

Tháng 11/2018, truyền thông Trung Quốc đưa tin, sau hơn 2 năm điều tra, cơ quan chức năng nước này đã kết án tù 6 đối tượng thuộc đường dây tổ chức gian lận thi cử được cho là lớn nhất tính đến thời điểm ấy ở Bắc Kinh. Nhóm đối tượng trên đã tổ chức đường dây chuyên sử dụng thiết bị công nghệ cao để chuyển đáp án cho hơn 30 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2016.

Trong số này, đối tượng chủ mưu được xác định là Chương Vô Nhai cùng 5 đồng phạm, bị kết án từ 20 tháng đến 4 năm tù giam cùng mức tiền phạt từ 10.000 - 40.000 nhân dân tệ (tương đương 1.400 - 6.000 USD). Theo lời khai, các bị cáo đã cung cấp cho thí sinh một số thiết bị kỹ thuật số mã hóa không dây gồm cả máy phát lẫn bộ phận thu để tuồn đề ra ngoài nhờ giải rồi gửi câu trả lời vào phòng thi.

Hồ sơ cho thấy họ Chương đã thành lập "cơ sở giáo dục" ở Bắc Kinh với đầy đủ trang thiết bị công nghệ hỗ trợ như máy phát tín hiệu từ xa, micro không dây siêu nhỏ gắn ở cổ áo...; trong khi các đồng phạm phụ trách việc tìm kiếm thí sinh, tuyển người có năng lực giải đề và tiến hành gửi đáp án. Hai đối tượng là sinh viên đại học trực tiếp tham gia thi hộ ngoài mức phạt trên còn bị tước quyền dự thi vĩnh viễn...

Đây được xem là "đại án" liên quan đến gian lận thi cử lớn nhất tại Bắc Kinh kể từ khi chính quyền thành phố này thông qua Luật Hình sự sửa đổi vào năm 2015, tăng hình phạt với những đối tượng bị phát hiện tổ chức các hình thức gian lận thi cử hoặc thi hộ, khả năng bị phạt lên đến 7 năm tù giam.

Các công tố viên cho biết, việc sử dụng bất hợp pháp các thiết bị không dây trong thi cử là hình thức vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính công bằng trong giáo dục. Chỉ tính riêng Bắc Kinh trong các kỳ thi của năm 2016 đã ghi nhận gần 40 trường hợp gian lận thi cử.

Thiết bị gian lận được thí sinh giấu trong áo lót và mắt kính ở Trung Quốc

Khi gian lận trở thành nỗi lo trong các kỳ thi

Dư luận cho rằng qua vụ việc này cho thấy sự hình thành chuỗi lợi nhuận từ các hoạt động phạm pháp để phục vụ "ngành công nghiệp" gian lận trên, bao gồm tổ chức các lớp đào tạo cách sử dụng và tiếp thị những thiết bị công nghệ tinh vi để phục vụ mục đích không trong sáng cùng những dây chuyền sản xuất và cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử bất hợp pháp phục vụ gian lận trong các kỳ thi. Đặc biệt khi các mánh khóe ngày càng tinh vi hơn, rất cần cơ quan chức năng tăng cường biện pháp ngăn chặn, nhất là với các kỳ thi ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh và sinh viên trong tương lai.

Đây là một trong những kết quả của việc cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt công tác an ninh trong thi cử nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận ngày càng tinh vi, với sự trợ giúp của phương tiện công nghệ hiện đại. Để bảo đảm tính công bằng trong kỳ thi khốc liệt nhất nước này, từ tháng 6-2015 máy bay không người lái đã được đưa vào sử dụng để theo dõi thí sinh tại TP.Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Đội đặc nhiệm SWAT cũng được điều đến gác tại một số trường thi. Riêng ở TP.Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, các điểm thi được trang bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt, camera hồng ngoại giúp phát hiện thiết bị gian lận tinh vi xuất hiện trong phòng thi.

Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng tráo người đi thi hộ bằng cách sử dụng màng phủ vân tay để đánh lừa máy quét, một số địa phương ở Trung Quốc - trong đó có Liêu Ninh và Tứ Xuyên - đã sử dụng công nghệ nhận dạng mống mắt và khuôn mặt thí sinh trước khi bước vào phòng thi; đặc biệt tại các địa điểm thi, hệ thống wifi hoặc internet sẽ phải tạm ngừng hoạt động... Bên cạnh đó, ở một số địa phương, thí sinh cũng bị cấm mặc đồ có kim loại, với máy dò đặt tại cửa phòng thi. Các giám thị được đề nghị rà soát kỹ gọng kính, cúc áo, bút viết... nhằm phát hiện kết cấu bất thường có thể chứa camera ẩn. Với những trường hợp sử dụng thiết bị trợ thính hoặc máy điều hòa nhịp tim được yêu cầu xuất trình bệnh án hoặc phiếu khám sức khỏe có xác nhận.

Tất cả các biện pháp trên nhằm khẳng định quyết tâm trong cuộc chiến chống gian lận thi cử của các cơ quan chức năng Trung Quốc.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Gian lận bằng thiết bị công nghệ cao
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang